Wednesday, August 7, 2013

Csáth Géza,


Csáth Géza, sinh năm 1887, mất năm 1919, ở tuổi 32. Cha là luật sư, mẹ ông mất sớm.
Quê hương của ông Szabadka (Délvidék)
Csáth Géza đến với nghệ thuật và văn học rất sớm, mười bốn tuổi,ông đã viết phê bình âm nhạc rất thành Truyện ngắn "Cái lò sưởi" (1908) vừa ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt. Dù sau này Csáth Géza trở thành thày thuốc chuyên khoa thần kinh, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác, và trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

 
Các tác phẩm chính của ông :
Tập truyện ngắn : Khu vườn của lão phù thủy (1908)
       Giấc mộng ban chiều (1911)

       Các nhạc công (1913)

Tác phẩm được coi như có giá trị nhất của Csáth Géza : Nhật ký của một người đàn bà mắc bệnh thần kinh (1913).

Tác phẩm này cùng truyện ngắn nổi tiếng" Thuốc phiện" sau này được dựng thành bộ phim "Opium" đã đoạt 4 giải thưởng liền trong liên hoan phim Hungary tại Budapest, năm 2007.

Tác phẩm của Csáth Géza ra đời cách đây hơn một trăm năm, nhưng văn phong và đề tài tác phẩm vẫn cực kỳ hiện đại, truyện ngắn của ông luôn luôn tiềm tàng những bí ẩn chưa hề khai thác hết, luôn luôn mới từ nhiều góc độ khám phá. 

Csáth Géza

             Thuốc phiện



(Không phảingẫu nhiên người ta hay nhắc đến số phận của các nhà văn đôi khi đã được tiên nghiệm trước trong tác phẩm của họ. Trong thập kỷ cuối cùng của cuộc đời, Csáth Géza đã trở thành nạn nhân của thuốc phiện, đúng như ông đã miêu tả trong truyện ngắn này. Cuối cùng ông đã tự kết liều đời mình. – ND.)




Sự thức tỉnh – đúng vậy – mang lại những nỗi khổ đau không thể chịu đựng nổi. Những nỗi khổ đau vật vã mới lâu làm sao. Trên khắp phố phường, luồng ánh sáng nhảy tưng tưng trong tiếng cười khanh khách của bình minh. Tấm kính cửa sổ màu sữa lẫn rèm che sẫm, cũng không chống lại được, bởi âm thanh náo nhiệt, rộn ràng, trêu tức, cứ xuyên qua hết thảy, réo gọi. Cần phải đi thôi. Đến với đám người tủn mủn, mặt mũi cau có, những kẻ tưởng dàn nhạc phi giới tính và ác nghiệt này là định luật của Cuộc sống, và cái họ đang sống, bản thân nó là cuộc sống.
Những kẻ tỉnh táo này nhảy ra khỏi giường, nơi họ vừa đánh một giấc ngủ ngu ngốc không mơ. Rồi họ rửa mặt mũi cho sảng khoái, không ngớt lời ca ngợi làn nước lạnh, thứ thực ra chỉ mang lại nỗi đau. Họ sẵn sàng chuẩn bị công việc với cơ bắp và trí óc, mà nỗi mệt nhọc của những thứ này chỉ mang lại niềm hổ thẹn cho trái tim. Một trái tim, vĩnh viễn không cần nỗi dịu êm vặt vãnh thảm hại, chỉ cần một thứ: những ngây ngất buồn bã nghiêm trang! Trái tim đắc thắng tránh xa những cuộc gây lộn, và nghỉ ngơi sau nỗi mỏi mệt đẫm máu: tất cả những thứ này không phải là những ngất ngây, chỉ là nỗi đau đớn chấm dứt. Còn những kẻ chịu đựng nỗi đau đớn với sự kiên nhẫn vô hồn, đau đớn chấm dứt, thế là đủ với họ, thậm chí hơi nhiều. Họ độc ác, nhưng không nên bực bội với họ. Khổ vì họ là đủ, rằng cuộc sống không thể sắp xếp rành rọt cho những ngất ngây thành kính và xa xưa, cho dù đây là mục đích duy nhất của sống.
Tất nhiên, cần phải trả giá; Luồng ánh sáng, mà bình minh nào cũng đều đặn khăng khăng cập bến, đòi trả giá. Trái tim thoi thóp gõ nhịp, mi mắt không giương lên nổi bởi sức nặng của năng lượng sáng, và da nổi gai bởi những làn gió. Bắp thịt do dự, phân vân và rời rã hoàn thành công việc của nó. Cơ thể run bần bật bởi những tiếng rên, ở vùng cổ, những nỗi đau ê ẩm ẩn náu vào trong hộp sọ. Và vì vậy, không thể cười ngạo nghễ với những vụn vặt xuẩn ngốc, cùng những tiếng rên la, mệt mỏi và lo âu đi kèm theo chúng. Bởi vì, không thể chạy trốn khỏi những lo toan, khỏi những tiếng động mạnh mẽ, và những nhịp điệu ra lệnh buồn tẻ, chán chường, chính vì luồng ánh sáng. Và chỉ có thể chuyện trò bằng những từ ngữ, có thể nói, không ăn nhập với bất kỳ mối quan hệ nào của óc.
Nhiều hiện tượng tương tự cũng xuất hiện dưới ánh sáng tóp teo của ngày.
Trong gương, khuôn mặt ta nổi lên với những mảng màu cứng nhắc, không hình thù, thứ rõ ràng chẳng liên quan đến ta. Những chuyến tàu vừa đến trong sân ga, người, xe ngựa, ngựa xe vội vã trên đường, tất cả hiện ra như những chịu đựng tuyệt vời, nhưng cùng lúc vô nghĩa và ngớ ngẩn làm sao, như thể buộc phải nhận định rằng, mọi vật, trong cái hình hài này, chẳng có lý do và mục đích nào hết. Cho nên, ta cần chạy trốn đi đâu đó, nơi những sự vật này lộ ra dản dị và dễ dàng giải đáp hơn.
Cái ngây ngất xóa đi đường nét và sự vô nghĩa. Chúng cởi ta ra khỏi những nút thắt không gian, chặn đứng lại thời gian của phút giây tích tắc, nâng ta lên khỏi sự hiện hữu bằng những đợt sóng âm ấm trào dâng.
Ta hiện hữu và đê mê trong khoảnh khắc, để vài phút sau, rốt cuộc ta lại rơi xuống đúng chỗ ta ra đi – hiện thực rách rưới. Cho dù, phần lớn con người thỏa mãn với vài khoảnh khắc bố thí này. Làm thế nào được. Họ không đủ lòng dũng cảm và sức lực, để đến với nỗi may rủi của cái ngất ngây vĩnh cửu, tuyệt vời. Mà có biết đâu, sự may rủi này mới rẻ mạt, bé nhỏ đến nực cười. Bởi vì, đúng vậy: những mười tiếng đồng hồ của luồng ánh sáng tàn sát vật vã trôi đi chậm chạp, nhưng trong mười bốn tiếng đồng hồ của buổi tối và màn đêm, ta sẽ nhận được một mảnh hiện hữu vĩnh cửu phi thời gian, phi không gian, đầy bí ẩn và đẹp tuyệt mỹ.
Khi đó ta nhận ra ý nghĩa sâu sắc của đời, và bóng đêm, cùng sự mơ hồ sẽ trở nên sáng tỏ trước mắt. Âm thanh, như thể là những đôi môi nồng nàn, trong trẻo thiếu nữ phủ khắp cơ thể ta những cái hôn. Màu sắc và đường nét, trong hình hài nguyên thủy tinh khôi, lay động lẩy bẩy trong bộ não và dọc xương sống ta. Và giờ đây, vĩnh viễn không bao giờ còn là sắc màu và đường nét ta vẫn nhìn bằng đôi mắt: chúng hiện ra như những nỗi bí ẩn vô tận của hình thù. Thứ nhận thức ấu trĩ, thô sơ mà ta bằng thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và giao tiếp đem chạm vào hiện thực, giờ đây được mở rộng, được hoàn chỉnh, được sửa đổi lại. Bởi đây là cơ hội mở ra, cho ta nhận biết bản thân sự thật hoàn chỉnh nhất của cuộc đời, là những gì hết thảy chúng ta đều mang trong mình, là sự thật trần trụi, vắng bóng những định kiến cảm tính. Sự thật này, trong ngôn ngữ, trong khái niệm, trong thành kiến không thể diễn tả nổi, cũng như bằng con đường cảm giác cũng không thể cảm nhận nhiều hơn. Một con súc sắc, ta nhìn thấy, nhưng chưa đong đếm, ta không có quyền bảo, ta biết trọng lượng của nó. Cũng đúng như vậy, một kẻ đã nhìn, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, và đụng chạm – không có quyền bảo, y đã sống. Ý thức, cùng niềm hạnh phúc Thượng đế trao, chỉ cái ngất ngây mang lại cho ta. Nhưng có thể nói được không, rằng hạnh phúc Thượng đế trao chỉ là một khoảnh khắc? Đúng thế: ngài chỉ bố thí ngần ấy, với những kẻ ngu xuẩn và hèn nhát. Nhưng những ai xứng đáng được hơn – vì họ muốn nhiều hơn – những người ấy được phép, cướp lấy tồn tại vĩnh cửu, bằng những may rủi cao sang và hoan hỷ.
Họ cần từ bỏ việc, sẽ nghe thấy và sẽ nhìn thấy rõ hơn. Kẻ bắc cầu đáng nguyền rủa và đầy kinh hãi của những ngất ngây này - thuốc phiện – sẽ phá hủy cảm giác và các cơ quan cảm giác. Sự ngon miệng, nỗi mệt mỏi lành mạnh công dân – tất cả những thứ này cũng cần từ bỏ. Mắt sẽ thường xuyên chảy nước, tai luôn ù ù. Những đồ vật, con người, chữ cái sẽ mờ đi tất cả. Mọi từ ngữ, những âm thanh sẽ lảo đảo trong nhiễu loạn của những bộ phận thính giác bé nhỏ.
Hãy chặn đứng những chiếc máy nghe tội nghiệp nhỏ nhoi, thảm hại này lại!
Trong căn phòng yên lặng, nơi mọi tiếng động chết ngóm trong những tấm thảm mềm, và bóng kính màu rắc tỏa khắp nơi ngọn lửa đèn phập phùng, các bạn hãy nằm ngửa, và nhắm mắt lại. Chiếc tẩu thuốc phiện bé bỏng sẽ dẫn dắt bạn đến nơi, ta sống để được sống, chẳng sống vì bất kỳ điều gì khác. Bởi đấy là mục đích duy nhất của sống. Bởi thượng đế keo kiệt chỉ ban cho mỗi loài sâu bọ thảm hại một vài khoảnh khắc của sự sống, để nó hãy sống, hãy tiếp tục cuộc sống, để nhân thêm sự sống mới. Và loại sâu bọ mới này lại lãnh thêm một khoảnh khắc nữa.
Cốt tủy của sự tồn tại là món hàng xa xỉ phẩm , các thế hệ của hàng trăm thế kỷ chỉ nhận được – trong một giờ đồng hồ.
Người nào yên ổn, đã yên ổn rằng, sẽ chết đi, trước khi được sinh ra. Còn kẻ nào thực sự muốn thành người, và đã tính toán – một cách xứng đáng – hãy cướp cho mình mỗi ngày mười bốn giờ đồng hồ. Mười bốn giờ đồng hồ này bằng tám nghìn cuộc đời của bốn trăm thế hệ. Nhưng ta hãy chỉ tính có năm nghìn cuộc đời thôi. Như vậy, trong một ngày ta sống năm nghìn năm. Trong một năm, ta sống khoảng hai triệu năm. Với giả thuyết, một người đàn ông thực sự mạnh khỏe bắt đầu hút thuốc phiện, và thường xuyên chú ý đến việc chăm lo sức khỏe cho mình – với sự trợ giúp của một thày thuốc am hiểu nhất – bạn có thể sống được mười năm. Lúc đó, với tuổi đời hai mươi triệu năm, bạn có thể bình tĩnh thả đầu mình, xuống chiếc gối lạnh toát của sự tiêu vong.
Kẻ nào với cái giá như vậy, không dám và không muốn hai mươi triệu năm từ tồn tại vĩnh cửu – kẻ đó hãy sống một trăm năm, và sinh sôi nảy nở trong những thế hệ tiếp theo của con cháu họ.
 
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

No comments: