Monday, September 16, 2013

Số liệu Kinh hoàng

Điều tra ,khảo sát của Viện Tâm thần Trung ương đưa ra con số kinh hoàng  tỉ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm từ 15 - - 25% dân số. Như vậy, trung bình cứ từ 4 đến 5 người Việt là có 1 người bị rối loạn tâm thần.
Sau khi con số trên được các phương tiện thông tin đăng tải, ông La Đức Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương cho biết,  con số 15-20% còn "khiêm tốn". Nếu có đủ kinh phí, Viện sẽ làm quy mô lớn và đưa ra con số cao hơn.

20 năm không phát hiện bệnh

Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội) sáng ngày 12/9, TS. Vương Văn Tịnh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Tâm thần Trung ương kể về nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần phải điều trị tại đây.
Đáng chú ý, trường hợp chị Nguyễn Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) bị rối loạn tâm thần hơn 20 năm nhưng gia đình không phát hiện.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu trường Đại học Ngoại ngữ, chị Vân không tìm việc làm, chỉ mở lớp dạy thêm ở nhà. Nhìn vào lớp học, không ai biết cô giáo này bị rối loạn tâm thần. Bởi cô Vân chỉ có một điểm hơi lạ là không thích giao tiếp, tránh né mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, TS. Vương Văn Tịnh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho rằng, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, chị vẫn có những hành động khác người bình thường nhưng không ai nhận thấy. Chị Vân có những hành động không dám kể với ai. Chị lấy chồng nhưng chỉ ở với chồng 1 tối rồi bỏ nhau. Sau này đến gặp bác sỹ chị Vân mới chia sẻ không dám gần chồng.
Sau gần 20 năm, chị Vân nghỉ dạy, ngồi tụng kinh, gõ mõ... gia đình thấy lạ mới đưa chị đi bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận chị Vân bị rối loạn tâm thần từ thời mới tốt nghiệp đại học.
Một trường hợp khác, tuy biểu hiện rối loạn tâm thần nặng nhưng gia đình vẫn giấu bệnh, nhất quyết không đưa con đến viện khám.
Tuấn Phương (đứa con duy nhất của anh Tuấn) ở Văn Giang, Hưng Yên bị rối loạn stress. Phương có biểu hiện rối loạn tâm thần suốt 5 năm. Em  thường đi làm ca tối, không thích trò truyện với bất kỳ ai, không bao giờ ăn cơm cùng gia đình, thường xuyên thức khuya, ngủ ngày. Tuy nhiên, gia đình vẫn khăng khăng rằng con họ không bị bệnh gì.  Cả gia đình giấu bệnh, không  ai thừa nhận Tuấn Phương bị rối loạn tâm thần.
ông La Đức Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương cho biết, trong xã hội có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần mà gia đình không nhận thấy. Hơn nữa, tâm lý giấu bệnh tâm thần ở các gia đình vẫn rất phổ biến.
Theo BS Cương, những người bị rối loạn tâm thần đa số nhận thức về tinh thần còn hạn chế, ngủ hay thức giấc, chỉ cần trạng thái bình thường như bồn chồn khó chịu cũng là rối loạn tâm thần. Một vài tuần họ không điều chỉnh được, người tự nhiên thấy mệt là cũng có biểu hiện của rối loạn tâm thần.  Hơn nữa, người đó có khả năng tư duy, biểu hiện cảm xúc bất thường cũng là rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, đối với người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Họ có những triệu chứng bất thường như chê trách người khác cũng là biểu hiện của rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện.
Ngoài trường hợp bị bệnh nhưng không biết, BS Đặng Thanh Vinh, Khoa 5, Bệnh viện Tâm thần Trung ương  cho biết, hiện nay nhiều gia đình giấu bệnh không muốn nói con em họ bị rối loạn tâm thần vì lo xã hội kỳ thị.  
“Họ không nói con họ bị vì sợ không ai lấy, không xin được việc. Nhiều gia đình không đưa vào viện, tự điều trị ở nhà, trừ những trường hợp quá nặng và dễ nhận thấy. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ 1/5 dân Việt bị rối loạn tâm thần còn ít”, BS Đặng Thanh Vinh nói.

“Bản thân khổ, xã hội khổ”

TS. Tịnh lý giải, hầu hết người Việt bị rối loạn thần kinh do áp lực xã hội trong lao động, cuộc sống, bạo lực gia đình, không thỏa mãn tình dục... Những người này bị áp lực quá lớn gây tổn thương tâm thần và không ổn định về thần kinh.
Ở Việt Nam hiện nay, bệnh nhân rối loạn thâm thần nhiều bởi một phần do ảnh hưởng của kinh tế chuyển đổi. Người nông dân thu ruộng đất, công nhân không có việc làm, sinh viên ra trường thất nghiệp gây ra tình trạng bất ổn về tâm thần, thần kinh.
Theo TS Tịnh, gia đình có người mắc bệnh mạn tính sẽ  kéo theo 70% thành viên trong gia đình bị rối loạn stress, lo âu, trầm cảm. Người tâm thần không thể lao động, lại cần có người trông, kiếm tiền điều trị. Do vậy, một gia đình có người bị rối loạn tâm thần có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế. Hơn nữa, người bị rối loạn tâm thần thì bản thân họ khổ, cả xã hội khổ.
TS Tịnh cũng cho biết, hiện nay tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sẽ gấp đôi nam giới và những gia đình nghèo khó sẽ dễ mắc bệnh hơn gia đình khá giả vì họ lo lắng về nguồn tài chính chữa bệnh, bỏ công ăn việc làm chăm sóc người thân.
Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh tâm thần sẽ tăng ở những gia đình vốn ít dành thời gian để chia sẻ những khó khăn cùng nhau. Và nếu lo lắng, căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa và suy nhược cơ thể. Với những người đã mắc bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tim mạch, khi gặp thêm cú sốc người thân bị bệnh thì bệnh của họ sẽ nặng hơn.
TS Tịnh cho rằng, 1/5 dân Việt bị rối loạn tâm thần nếu quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội.  Do đó, nếu phát hiện sớm điều trị dễ hơn, mới phát hiện đến điều trị trong thời gian ngắn là hết. Nếu để thời gian khá dài sẽ khó điều trị và ảnh hưởng đến nhiều người.
THU TRỊNH/KPO

No comments: