Sunday, September 22, 2013

Chủ nghĩa Siêu nghiệm


Phong trào Siêu nghiệm trong văn học là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa Duy lý thế kỷ thứ 18 và là biểu hiện của khuynh hướng nhân bản trong các trào lưu tư tưởng thế kỷ thứ 19. Trào lưu này đặt nền tảng trên niềm tin cơ bản vào sự hợp nhất của Thế giới và Thượng đế. Linh hồn của mỗi cá nhân được xem là đồng dạng với vũ trụ - một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Học thuyết về tự - tin - cậy và chủ nghĩa cá nhân đã phát triển thông qua niềm tin vào sự đồng nhất của linh hồn mỗi con người với Thượng đế.

Trào lưu Siêu nghiệm gắn bó mật thiết với Concord, một làng nhỏ ở New England cách Boston 32km về phía tây. Concord là vùng định cư sâu trong đất liền đầu tiên của thuộc địa Vịnh Massachusetts buổi ban đầu. Được rừng cây bao quanh, nó đã và vẫn là một thị trấn thanh bình đủ gần để có thể tiếp xúc với những bài giảng, những hiệu sách và những trường đại học ở Boston để có thể gặt hái thật nhiều quả ngọt tri thức, nhưng cũng đủ xa để giữ được sự thanh khiết. Concord cũng là nơi xảy ra cuộc chiến đầu tiên của cách mạng Hoa Kỳ và bài thơ của Ralph Waldo Emerson tưởng nhớ về trận chiến đó, Concord Hymn (Bản tụng ca Concord), có một khổ thơ mở đầu nổi tiếng trong văn học Mỹ:
Bên chiếc cầu thô sơ bắc ngang dòng nước
Lá cờ bay trong gió tháng Tư
Đã có thời ở đây người nông dân đứng lên chiến đấu
Tiếng súng của họ vang lên trên khắp địa cầu.
Concord là lãnh địa thôn dã đầu tiên của các nghệ sĩ Mỹ và là nơi đầu tiên cống hiến một chọn lựa tinh thần và văn hóa cho chủ nghĩa vật chất Mỹ. Nó cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm luận tư tưởng và cuộc sống giản đơn đạm bạc (cả Emerson lẫn Henry David Thoreau đều tự trồng rau). Emerson đến Concord năm 1834, và Thoreau là những người gắn bó nhất với thị trấn này, nhưng địa danh này cũng lôi cuốn cả nhà văn Nathaniel Hawthorne, nhà văn đấu tranh cho nữ quyền Margaret Fuller, nhà giáo dục (và là cha của nhà văn Louisa May Alcott) Bronson Alcott, và nhà thơ William Ellery Channing. Câu lạc bộ Siêu nghiệm được tổ chức một cách rất thoáng đạt vào 1836 và bao gồm, ở nhiều thời điểm, Emerson, Thoreau, Fuller, Channing, Bronson Alcott, Orestes Brownson (một mục sư hàng đầu), Theodore Parker (một mục sư ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ) và những người khác.

Những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm xuất bản một tạp chí ra hàng quý, tờ The Dial, tồn tại được 4 năm. Margaret Fuller làm chủ bút đầu tiên và về sau là Emerson. Họ dấn thân cả vào lĩnh vực cải cách xã hội cũng như văn học. Một số người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ, và một số tham gia vào các cộng đồng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thử nghiệm, chẳng hạn như Brook Farm (Trại Brook) ở gần đấy (được Hawthorne mô tả trong cuốn The Blithedale Romance (Khúc ca thung lũng hạnh phúc) và Fruilands.

Khác với nhiều nhà văn châu Âu, các nhà văn theo phái Siêu nghiệm không đưa ra một bản tuyên ngôn nào. Họ vẫn duy trì quan điểm về những khác biệt cá nhân - về kiến quan độc đáo của cá nhân. Về mặt này, các nhà văn lãng mạn Siêu nghiệm Mỹ đẩy chủ nghĩa cá nhân tiến bộ đến cực điểm. Các nhà văn Mỹ thường xem mình là những người thám hiểm đơn độc bên ngoài cơ cấu và quy ước xã hội. Người hùng Mỹ - như thuyền trưởng Ahab của Herman Melville, Huck Finn của Mark Twain hay Arthur Gordon Pym của Edgar Allan Poe - thường đương đầu với hiểm nguy, thậm chí với cả sự hủy diệt, trong việc theo đuổi sự tìm kiếm bản thân mang tính chất siêu hình. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ chẳng có gì là điều chắc chắn. Những quy ước trong văn học và xã hội, chẳng mảy may có ích lợi gì, lại nguy hiểm. Một áp lực khổng lồ thúc bách các nhà văn khám phá ra một hình thức, nội dung và tiếng nói cho một nền văn học đích thực - tất cả đều cùng một lúc. Rõ ràng, nhiều kiệt tác sản sinh ra trong 3 thập kỷ trước cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865) là kết quả của việc các nhà văn Mỹ vươn lên đối đầu với thử thách.

No comments: