Sunday, September 22, 2013

Cái mới đi về đâu



Nhà thơ Chân Phương

Hai thế kỷ qua, phương Tây đã kéo cả địa cầu vào cơn sốt lịch sử do các cuộc cách mạng chính trị - xã hội và khoa học kỹ thuật dồn dập gây nên. Sự đổi thay tăng tốc của lịch sử hung hãn công phá mọi nếp sống nếp nghĩ, xói mòn mọi truyền thống văn hoá lớn nhỏ, lôi cuốn cả nhân loại vào cuộc hiện đại hoá và toàn cầu hoá dưới ngọn cờ ngạo mạn của Cái Mới. Lịch sử biến thành con sông của Heraclitus, đúng hơn là dòng thác lũ mà không ai còn có thể dừng lại ngâm bàn chân mỏi vào vũng nước ngày xưa.

Mang nhiều diện mạo khác nhau, một chủ thể mới xuất hiện trên sân khấu nhân văn[2]. Ban đầu là cái tôi lãng mạn được giải phóng khỏi các ách tập tục phong kiến gia trưởng cất tiếng ngợi ca những khao khát tình cảm cùng những lý tưởng tinh thần khoáng đãng. Tiếp đó là cái tôi của chủ nghĩa tượng trưng với những ám ảnh không lời của tâm trạng kẻ mộng du trước các chân trời lạ vừa vén mở. Rồi đến cái tôi siêu thực thám hiểm bề trái và chiều sâu của sự vật cùng ý thức, đùa nghịch với sự ngẫu nhiên khách thể để chụp bắt ánh chớp sáng thế. Còn thêm cái tôi hiện sinh đơn độc dưới bầu trời trống một tay cầm cán cân đạo lý, một tay huơ những vũ khí của diệt chủng và tận thế. Sau cùng là cái tôi vô trụ xứ - kẻ tha hương, lưu đày, lữ khách, di dân - bước qua các lằn ranh của ao làng và tỉnh lẻ để tung hứng tiểu ngã của mình như một hình nộm ngây ngô.

Sau khi khoa học và triết học tuyên bố cái chết của đấng tối cao với mọi thần linh, chủ thể tính hiện đại trở thành thước đo các giá trị, gánh một trách nhiệm bi tráng hơn Prometheus ngày xưa. Do đó, người nghệ sĩ hậu-truyền thống phải chất vấn các thứ ý nghĩa cũng như quan hệ trong đời sống văn hoá - xã hội. Đây là một chủ thể sáng tạo bằng thái độ chủ động về nhận thức không ngừng tra cứu bản chất sự vật. Có thể nói người nghệ sĩ chân chính là một triết gia tự phát đồng thời là nhà thần học của trần gian đã bị tước đoạt hết nhiệm mầu. Đúng như những chữ chói sáng của Rimbaud: "Le poète est vraiment voleur de feu... le grand malade, le grand criminel, le grand maudit, - et le suprême Savant!"[3]
Sự bùng nổ sáng tạo của nghệ thuật hiện đại khởi đầu ở Paris lan nhanh sang các thủ đô văn hoá Âu châu. Những trường phái và tên tuổi văn nghệ ra mắt vào mấy thập niên đầu thế kỷ ở phương Tây đã trở thành kiến thức phổ thông; ở đây chỉ ghi nhận một sự kiện đáng suy nghĩ: lần đầu trong lịch sử nhân loại một trào lưu văn hoá - tư tưởng thực sự trở nên quốc tế. Ma lực của cái mới lần lượt chinh phục thế giới cùng với đà bành trướng các thế lực đế quốc Tây phương. Từ các nước Á Rập Cận Đông đến các thuộc địa Viễn Đông, từ Nam Mỹ đến Úc châu, từ cực Bắc Liên sô đến tận cuối Nam Phi, các văn nghệ sĩ đều cùng tham dự vào cuộc phiêu lưu tinh thần không còn biên giới.

Nhưng cái gì cũng phải trả giá trên đời này. Gắn bó mật thiết với cơn lốc lịch sử, nghệ thuật hiện đại không tránh được những khủng hoảng xã hội kinh tế ở Âu châu mà hậu quả là hai trận thế chiến tàn khốc. Giữa hàng triệu sinh linh bị sát hại có mặt nhiều văn nhân thi sĩ hàng đầu. Owen, Péguy chết trận, Apollinaire bị đạn vô óc qua đời vì vết thương, Trakl tự sát vì không chịu nổi cảnh máu me đau đớn của thương binh... Chấn thương tinh thần do Thế chiến thứ hai gây ra còn sâu nặng hơn: Pound loạn trí ngồi tù chuồng sắt, Tamiki Hara tự tử vì chứng kiến hỏa ngục Hiroshima, Paul Celan trầm mình xuống sông Seine với ám ảnh các lò thiêu người Do Thái... Giấc mộng công bằng xã hội cũng đã tế thần không ít tên tuổi tiên phong của thi ca: Lorca, Mayakovsky, Mandelstam... Trớ trêu thay, truyền thống tự huỷ của văn nghệ thời đại đã được bạo lực lịch sử tiếp sức tận tình!

Cái giá của phát triển vật chất kỹ thuật là gì? Cuối thế kỷ này câu trả lời hiển hiện giữa bầu trời. Ý thức rơi hụt vào lỗ trống của tương lai đã bị cầm cố. Sự phá sản văn minh địa cầu ngày càng rõ dạng: cán cân môi sinh gãy vỡ khó thể tái lập, nạn nhân mãn và đói nghèo thế giới thứ ba, bạo lực với chiến tranh chủng tộc... Các thi nhân trước đây còn có thể bám vào huyền thoại của Phản Phục (Eternal Return) để tự an ủi những khi tuyệt vọng. Thời nay chính sự tuần hoàn của thiên nhiên cũng bị đe dọa; biết đâu một ngày nào đó mùa xuân sẽ vĩnh viễn không trở lại! Sự sống bị tha hoá, sự vật bị tước đoạt dần ý nghĩa, có phải câu thơ Yeats đầu thế kỷ
Things fall apart, the center does not hold
đã báo trước trào lưu tư tưởng hậu-hiện đại đang thịnh hành trong giới đại học Hoa Kỳ, hoài nghi các giá trị của tiến bộ, lý tính, và sử quan?

Tuần trăng mật giữa Nàng Thơ hiện đại với Thần Tiến Bộ quá ngắn ngủi. Giấc mộng đồng hành không thành, giới văn nghệ phương Tây chẳng còn nhiều chọn lựa: ẩn dật, thoát ly, hoặc bắt tay với luật chơi thị trường. Tiêu biểu cho sự thoả hiệp là Pop Art với gương mặt Warhol chẳng hạn, với hoạ phẩm được các phòng tranh đầu cơ khai thác như một mặt hàng có giá. Sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, sức thống trị kinh tế trùm phủ toàn cầu. Mọi quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ nghệ sĩ - công chúng, bị nguy cơ biến thành hàng hoá. Trong sở thú văn chương (Montale) thỉnh thoảng biến cố lạc loài của các giải thưởng thơ văn chẳng có bao nhiêu âm vang trên màn ảnh tivi bên cạnh những siêu sao điện ảnh thể thao. Trên trái đất từng giờ con trẻ tiếp tục chết đói một bài thơ kiệt tác không có tri âm có khác chi thiên thạch rơi trong sa mạc! Một lần nữa lời tự vấn của Hoelderlin lại vọng về: Wozu der Dichter...?

Sau thời đại Đám Đông Cô Đơn (Riesman) đến kỷ nguyên của Postpeople (Raw-son) thoả mãn! Chủ thể hôm nay là một tập hợp dục vọng không ngừng chơi trò cút bắt với những miệng cười quảng cáo trên màn ảnh điện tử. Với mức độ chú ý quá ngắn (attention deficit) cái ngã hậu-hiện đại trở thành mối nguy cho mọi sinh hoạt tinh thần. Khả năng đọc hiểu ngày càng tệ trong xã hội; sinh viên đại học ở Mỹ thường phải học đọc học viết lại! Hậu quả đối với văn thơ và xuất bản đã đến mức báo động; theo lời David Lehman, tổng chủ biên các tuyển tập thi ca thường niên toàn nước Mỹ:
..
Tình hình thi ca tệ hại hơn nhiều so với hai mươi lăm năm trước đây. Hoàn cảnh văn hoá của chúng ta không thuận lợi đối với trí tưởng tượng đến một mức khó ai tiên đoán được ngoại trừ có thể McLuhan ra. Làm thi sĩ vào thời đại truyền thông còn khó hơn làm người hoạ sĩ tả chân trong thời đại hội hoạ trừu tượng.[4]

Nhà phê bình Michael Hamburger từng nhận định về sự suy yếu của xu hướng tiên phong trong thi ca Âu châu từ sau 1968.[5] Khác với các phong trào lãng mạn, siêu thực trước kia có ảnh hưởng toàn cầu, mấy nhóm thể nghiệm concretismo (Brazil), OULIPO (Pháp), L-A-N-G-U-A-G-E (Hoa Kỳ) không tạo được nhiều tiếng vang. Tương tự thế giới nghệ thuật tạo hình ngày càng xé vụn thành nhóm phái, tranh nhau chỗ đứng giữa một thị trường phi-văn hoá.

Phương Tây không còn là trung tâm của sáng tạo nghệ thuật. Thử so qua các giải Nobel sẽ rõ. Nếu trước kia Yeats, Eliot, Hesse, Quasimodo, Saint-John Perse, Seferis đã mang lại vinh quang cho thi ca Âu châu, hai thập niên cuối thế kỷ cho thấy sự thắng thế của văn học ngoại vi. Với nội dung bức bách của lời kêu gào đòi nhân quyền nhân phẩm chống toàn trị công an, phân biệt màu da, chiến tranh tôn giáo - chủng tộc, tên tuổi của Milosz, Seifert, Brodsky, Soyinka, Derek Walcott, Szymsborska đã kéo tiếng thơ đến gần hơn với nỗi thống khổ của con người thời đại. Gần chúng ta hơn là thơ Trung Quốc với Bắc Đảo, Cố Thành, Đa Đa, Vong Khắc của Mông Lung phái; là thơ tranh đấu Ấn Độ, Nam Dương; là thơ phản kháng Phi Luật Tân, Việt Nam... Trước sự bế tắc của các chế độ phi nhân, trước sức lũng đoạn của thị trường tự do, cái mới vào những năm thiên-niên-tận này là ý thức chính trị đối mặt với xu thế toàn cầu hoá của chủ nghĩa tư bản. Khi loại văn nghệ phẩm chạy theo đám đông và lợi nhuận ngày càng làm ô nhiễm không gian văn hoá, người nghệ sĩ có lương tri khó lòng nhắm mắt bắt tay bọn con buôn:
Có một nhà báo ngoại quốc hỏi tôi: Thế nào là thơ hiện đại? Tôi bảo thơ hiện đại có hai điểm chính: một là vô ích, hai là cấp thiết. Vô ích là vì nó chẳng mang lại đồng đôla để tôi có thể nuôi vợ con tôi. Cấp thiết vì nó có thể chống lại mọi mưu toan hàng hoá hoá con người.[6]

Cuộc tranh luận học thuật làm tốn rất nhiều hội nghị và giấy mực về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các đại học Âu Mỹ từ hai thập niên qua đã làm chệch hướng tư tưởng đương đại.[7] Trong khi có những hậu sự quan trọng hơn đối với sinh mệnh loài người: Hậu- chiến tranh lạnh, Hậu-địa cầu tăng nhiệt, Hậu-ozone bị thủng, Hậu-AIDS, Hậu-cộng sản, Hậu-Thiên An Môn, Hậu-Bosnia, Hậu West Bank, Hậu-Nafta, Hậu-Yeltsin, Hậu-thị trường toàn cầu, Hậu-Internet... Gần với chúng ta hơn là Hậu-khủng hoảng Á Đông, Hậu-Polpot, Hậu-Suharto, Hậu-boat-people, Hậu-hậu-hội nhập di dân, Hậu-Việt kiều về nước, Hậu-văn hoá ao làng, Hậu-Tố Hữu-Bùi Giáng, v.v...
Còn lắm điều mới lạ đang mời gọi khả năng tưởng tượng và óc sáng tạo Việt Nam; hãy mau cầm bút, huơ cọ, ôm đàn, và hối thúc nhau làm nên tác phẩm.θ
Cambridge 22-11-1998
_________________________
[1]Children of the Mire, phần dẫn nhập. Đây là một khảo luận căn bản về thơ hiện đại phương Tây, vốn là những bài giảng tại đại học Harvard năm 71-72. Đối với giới tạo hình những cụm từ 'tradition of the new' (Harold Rosenberg), 'Shock of the New' (Robert Hughes) thể hiện một ý thức tương tự về tính hiện đại.
[2]Nhà xã hội học Anthony Giddens kế tục Fromm, Erikson là tiếng nói có uy tín Hiện nay về chủ thể tính; xem Modernity and Self-Identity (Stanford,1991). Liên quan đến diện mạo văn hoá và nhân cách thế giới thứ ba trong bối cảnh toàn cầu hoá, tham khảo thêm Jorge Larrain, Ideology & Cultural Identity (Polity Press,1994).
[3]Cuồng vọng cướp lửa trời này lắm khi phải trả giá rất đắt. Xem Louis Sass, Madness and Modernism (Harvard 1992) về các liên hệ bệnh lý tâm thể giữa sáng tạo nghệ thuật và chủ nghĩa hiện đại.
[4]Poets & Writers Magazine(9/10-1995), tr. 54-56. Đọc thêm những bài phê bình, bút chiến sắc bén đối với thực trạng thơ ca Hoa Kỳ của Eliot Weinberger, Written Reaction (Marsilio pub.1996). Một thi tuyển gần đây do Adrienne Rich chủ biên cho thấy sự hình thành của thế giới thơ đa văn hoá trong lòng Hoa Kỳ, với nhiều tài năng nhiệt thành khác xa với tiếng thơ da trắng quẩn quanh với cái tôi thiếu sinh khí, xa lìa với thực tại đa dạng; xem The Best American Poetry 1996 (Scribner).
[5]The Truth of Poetry (Methuen,1982, tr.320). Tác giả cho một tổng quan khá công phu về các xu hướng thơ Âu châu hiện đại và sự thoái trào của chủ nghĩa tiên phong. Có thể đọc kèm với The Anti-Aesthetic do Hal Foster chủ biên vào cùng thời điểm để có cái nhìn phê phán về sinh hoạt nghệ thuật nói chung khi chủ nghĩa hiện đại lâm vào bế tắc trước sự tấn công của xã hội tiêu thụ.
[6]Lê Đạt trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu số 42 (8/9-1998), tr.193. Đọc thêm The Subversive Imagination (Routledge 1994) do Carol Becker chủ biên để tìm hiểu về ý thức chính trị của giới nghệ sĩ Bắc Mỹ trước sự thao túng thị trường và lũng đoạn xã hội do giới cầm quyền và các thế lực tài phiệt gây nên.
[7]Thuyết hệ hậu hiện đại (discourse of post-modernism ) mấy năm gần đây bị sa sút uy tín sau cú móc giò thâm độc của Alan Sokal trên tờ Social Text (Spring - Summer 1996). Cuốn Impostures Intellectuelles do Sokal viết chung với Jean Bricmont vừa được dịch sang tiếng Anh mang tên là Fashionable Nonsense: Postmodern Philosophers‘ Abuse of Science (Picador 1998) giúp độc giả Mỹ nhận ra chân tướng của các đại bịp trí thức bên Pháp mà họ vẫn thần tượng như Lacan, Lyotard, Baudrillard, Deleuze, Latour..., những tên tuổi gắn liền với cái mốt tư tưởng hậu hiện đại à l‘américaine.(Bạn đọc Việt có thể tìm đọc loạt bài tường thuật và bình luận về vụ án văn hoá nói trên do Hàn Thủy viết trên tờ Diễn Đàn Paris (số 64,69,và 70). Có dịp tôi sẽ đào sâu vấn đề này trong một bài viết khác.



1 comment:

Unknown said...

Các nhà văn nhà thơ trong nước nên biết tới bài viết này để bớt đi sự hung hăng đần độn