Sunday, September 15, 2013

Truyện ngắn TỪ SÂM

             

 Thiên đường và địa ngục 

 

                                                  truyện ngắn  TỪ  SÂM

                            Nếp  là con ở, là người đồng hương. Bà chủ làm ở ngân hàng, thừa tiền mà thiếu người giúp việc. Bà có cái bệnh đa nghi người thành phố nên về tận miền trung tìm nó. Tuổi 15, da đen như củ mì chưa cạo vỏ. Nhà đông người, nghèo khó, học chưa  hết cấp hai. Vào thành phố, được ăn trắng mặc trơn, tháng hơn triệu bạc, tính ra,  một năm được mấy chỉ vàng thì có mà mơ cũng không thấy ở quê.
     Công việc hàng ngày nhàn hơn hái rau ngoài bãi. Đưa đón bé Tấm đi học và dọn nhà. Tuần một lần, bà chủ đi chợ vào thứ bảy và sắp đầy mọi thứ vào tủ lạnh. Cả nhà chỉ ăn vào buổi tối. Trưa, Nếp một mình với cơm nguội hay mì gói cho xong bữa. Ngày nào cũng vậy, mâm cơm chất đầy thịt gà, bò xào lăn, cá sốt cà…, có khi món chỉ vơi chưa đầy nửa phải bỏ vào thùng rác.
     Một ngày, xe vệ sinh qua sớm nên túi rác của Nếp nằm lại gốc cột điện. Xẩm tối, từ  trên gác hai Nếp thấy một ông gìa tuổi chừng ông ngoại đang mở túi rác và lựa chiếc đùi gà nham nhở và miếng thịt bò to bản bỏ vào bịch nilon. Ông ngồi dựa vào chiếc ghế xi măng đầu ngõ như người qua đường nghỉ chân rồi thong thả thưởng thức món xa xỉ trời cho. Tuổi tắt nắng có miếng ngon là phúc lắm. Nếp không thể tin ở thành phố lại có người ăn thức ăn từ thùng rác. Một lúc, nó mở cửa chạy về phía ông định nói câu gì đó nhưng bóng ông nhòe dần và tan vào đêm .
     Từ hôm đó, chờ xe rác đi qua, nó mang túi rác để vào cột điện. Ông  gìa lại đến như đã hẹn. Bàn tay xương xẩu khô cằn lục kho hậu cần xem có món nào được cung cấp miễn phí không. Ông  ngạc nhiên khi những ngói thức ăn nho nhỏ gói trong túi bóng cẩn thận, có món còn gói kèm rau thơm, hạt tiêu và nước chấm. Hàng tối, ông già thưởng thức món trời cho nhưng không biết trời  ở nơi  nào, trên cao hay dưới đất. Xong tiệc, ông chấp tay trước ngực vái một cái. Chả biết ông vái thần tiên hay vái cái vận may cuối đời của ông. Nếp ở ban công nhìn xuống và lòng lâng lâng khi thấy ông làm như thế.

     Rồi cái gì đến cũng phải đến, hàng xóm la phiền về đổ rác không đúng giờ, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng tệ nạn xã hội. Bà chủ còn  phát hiện thức ăn hao hụt hơn. “Cái bé xé cái lớn, nó lấy cái tăm được thì sẽ lấy cái nhà này được, nhiều người nuôi mong tay áo không thấy sao”, bà chủ nghĩ vậy. Khi cầm trên tay chiếc vé tàu và tháng tiền công, nó không biết tại sao phải về quê.  Nó định hỏi thì  một cô bé trạc tuổi nó ôm chiếc giỏ cói rách được bà chủ chỉ vào phòng. Sự thay thế hai đứa trẻ  đơn giản như thay món đồ trong nhà. Đứa ra đi và đứa lấp chỗ trống. Đứa mới vào  chân đất, da phèn, đôi mắt buồn lo lắng. “Cháu cám ơn cô đã cưu mang”, giọng miệt vườn Nam bộ. Nó là hệ quả việc bà chủ đổi huớng về quê chồng, sau một cuộc săn tìm ngắn hạn.
     Tối hôm đó, nó lại trèo lên ban công, thấp thỏm lo lắng. Nó chờ gặp ông gìa, chào một tiếng hay nói gì đó với ông nhưng giờ  tàu đã đến.
     Lâu lắm rồi bà chủ mới đích thân đổ rác. Tính ngăn nắp trong công việc không ngăn được tính cẩu  thả khi  gom thức ăn và chai lọ cùng một túi, mà ai cũng biết đó là điều cấm kỵ. Món giò hầm,  khúc giò còn nguyên trộn lẫn rượu mã tiền dùng bóp chân, ông chủ vô tình làm vỡ. Những cọng bún găm mẻ chai và rau thơm nhuộm ớt đỏ lòm trộn vào nhau hổ lốn. Bà chủ chưa quen việc nhà, khi túi rác ra đường thì xe đã đi qua. Túi rác nằm nơi nó thường chờ đợi vào mỗi tối.
     Thời gian lặp lại đúng qui luật. Ông lão lúi cúi dưới  chân cột điện, thao tác những động tác thường ngày thành thạo và thưởng thức những của ngon vật lạ trời cho không mất tiền. Xong bữa, ông lại chấp tay trước ngực và miệng lẩm bẩm niệm chú. Một lúc sau, dáng mảnh như lưỡi hái của ông mất hút .
     Từ đó không thấy ông lão xuất hiện, có người nói  ông  chết vì đói, có người nói ông chết vì trúng độc rượu  mã tiền.


Nha trang 2011        
                           

No comments: