Thursday, September 12, 2013

Văn học Mỹ

 Thời kỳ lãng mạng 1820-1860 

Kathryn VanSpanckeren 

NHỮNG CÂY BÚT TIỂU LUẬN VÀ CÁC THI SĨ

 Chủ nghĩa lãng mạn, bắt nguồn từ Đức rồi nhanh chóng lan sang Anh, Pháp và xa hơn, rồi đến Mỹ khoảng năm 1820, trên dưới 20 năm sau khi William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge làm cuộc cách mạng thi ca Anh bằng việc xuất bản tập Lyrical Ballads (Thơ trữ tình). Ở Mỹ cũng như châu Âu thời đó, một quan điểm mới mẻ tươi tắn truyền đi như dòng điện trong giới nghệ sĩ, trí thức.
Tuy vậy, cũng có một sự khác biệt quan trọng: chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ xảy ra cùng lúc với thời kỳ bành trướng quốc gia và sự khám phá giọng điệu riêng của nước Mỹ. Sự củng cố đặc trưng quốc gia và sự trỗi dậy của chủ nghĩa lý tưởng cùng với niềm đam mê chủ nghĩa lãng mạn đã nuôi dưỡng những kiệt tác của “thời Phục hưng Mỹ”.
Những tư tưởng lãng mạn tập trung quanh nghệ thuật như nguồn cảm hứng, như chiều kích thẩm mỹ và tâm linh của cõi tự nhiên và như những ẩn dụ về sự phát triển hữu cơ.
Những tác gia của chủ nghĩa Lãng mạn lý luận rằng nghệ thuật, chứ không phải khoa học, có thể diễn tả tốt nhất về chân lý phổ quát. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật biểu hiện đối với mỗi cá nhân và xã hội. Trong tiểu luận The Poet (Nhà thơ - 1844) Ralph Waldo Emerson, có lẽ là tác giả có ảnh hưởng lớn nhất của thời kỳ Lãng mạn, khẳng định:
Con người ta sống bằng chân lý và có nhu cầu tự biểu hiện. Trong tình yêu, trong nghệ thuật, trong lòng tham, trong chính trị, trong lao động, trong vui đùa, chúng ta học để thốt ra những bí ẩn đau đớn của chúng ta. Con người chỉ là một nửa của mình, nửa kia chính là sự diễn đạt tư tưởng của anh ta.
Sự phát triển cái tôi trở thành một chủ đề quan trọng; trong đó sự tự nhận thức là phương pháp cơ bản. Nếu theo lý luận của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi của con người và tự nhiên là một, thì sự tự biết mình không phải là mục đích hoàn toàn vị kỷ mà là một cách nhận thức có hướng mở ra cùng toàn thể vũ trụ.
Khi cái tôi của một người cũng hợp nhất làm một với toàn nhân loại thì khi ấy mỗi cá nhân có một bổn phận đạo đức trong việc cải tạo những bất bình đẳng trong xã hội và làm vơi đi nỗi khổ đau của con người. Bản ngã -cái tôi được các thế hệ trước cho là đầy tính vị kỷ đã được định nghĩa lại. Những từ kép mới với ý nghĩa tích cực đã xuất hiện: “tự nhận thức”, “tự biểu hiện”, “tự tín”. Khi cái tôi chủ quan đơn nhất trở nên quan trọng, thì lãnh địa tâm lý cũng trở thành quan yếu. Những kỹ thuật và hiệu quả mang tính nghệ thuật đặc biệt được phát triển để khơi dậy những trạng thái tâm lý cao cấp. Cái “siêu phàm” - hiệu quả của cái đẹp trong sự hùng vĩ (ví dụ, một cảnh quan nhìn từ một đỉnh núi) - đã tạo ra những cảm giác sợ hãi, tôn kính, choáng ngợp và sức mạnh vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người.
Chủ nghĩa Lãng mạn chiếm ưu thế và thích hợp với hầu hết những nhà thơ và những nhà tiểu luận Mỹ. Rừng núi bao la, sa mạc vô tận và miền nhiệt đới mênh mông của nước Mỹ là hiện thân của cái “siêu phàm”. Tinh thần lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ Mỹ: nó đề cao chủ nghĩa cá nhân, tôn vinh giá trị của con người bình thường, và hướng vào sự tưởng tượng đầy cảm hứng để tìm những giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Chắc hẳn những tác giả theo chủ nghĩa siêu nghiệm ở New England: Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau và bằng hữu của họ - đã được trào lưu Lãng mạn kích thích để vươn tới một sự khẳng định lạc quan và mới mẻ. New England chính là mảnh đất màu mỡ của hạt giống lãng mạn chủ nghĩa.
CHỦ NGHĨA SIÊU NGHIỆM
Phong trào Siêu nghiệm trong văn học là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa Duy lý thế kỷ thứ 18 và là biểu hiện của khuynh hướng nhân bản trong các trào lưu tư tưởng thế kỷ thứ 19. Trào lưu này đặt nền tảng trên niềm tin cơ bản vào sự hợp nhất của Thế giới và Thượng đế. Linh hồn của mỗi cá nhân được xem là đồng dạng với vũ trụ - một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Học thuyết về tự - tin - cậy và chủ nghĩa cá nhân đã phát triển thông qua niềm tin vào sự đồng nhất của linh hồn mỗi con người với Thượng đế.
Trào lưu Siêu nghiệm gắn bó mật thiết với Concord, một làng nhỏ ở New England cách Boston 32km về phía tây. Concord là vùng định cư sâu trong đất liền đầu tiên của thuộc địa Vịnh Massachusetts buổi ban đầu. Được rừng cây bao quanh, nó đã và vẫn là một thị trấn thanh bình đủ gần để có thể tiếp xúc với những bài giảng, những hiệu sách và những trường đại học ở Boston để có thể gặt hái thật nhiều quả ngọt tri thức, nhưng cũng đủ xa để giữ được sự thanh khiết. Concord cũng là nơi xảy ra cuộc chiến đầu tiên của cách mạng Hoa Kỳ và bài thơ của Ralph Waldo Emerson tưởng nhớ về trận chiến đó, Concord Hymn (Bản tụng ca Concord), có một khổ thơ mở đầu nổi tiếng trong văn học Mỹ:
Bên chiếc cầu thô sơ bắc ngang dòng nước
Lá cờ bay trong gió tháng Tư
Đã có thời ở đây người nông dân đứng lên chiến đấu
Tiếng súng của họ vang lên trên khắp địa cầu.

Concord là lãnh địa thôn dã đầu tiên của các nghệ sĩ Mỹ và là nơi đầu tiên cống hiến một chọn lựa tinh thần và văn hóa cho chủ nghĩa vật chất Mỹ. Nó cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm luận tư tưởng và cuộc sống giản đơn đạm bạc (cả Emerson lẫn Henry David Thoreau đều tự trồng rau). Emerson đến Concord năm 1834, và Thoreau là những người gắn bó nhất với thị trấn này, nhưng địa danh này cũng lôi cuốn cả nhà văn Nathaniel Hawthorne, nhà văn đấu tranh cho nữ quyền Margaret Fuller, nhà giáo dục (và là cha của nhà văn Louisa May Alcott) Bronson Alcott, và nhà thơ William Ellery Channing. Câu lạc bộ Siêu nghiệm được tổ chức một cách rất thoáng đạt vào 1836 và bao gồm, ở nhiều thời điểm, Emerson, Thoreau, Fuller, Channing, Bronson Alcott, Orestes Brownson (một mục sư hàng đầu), Theodore Parker (một mục sư ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ) và những người khác.
Những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm xuất bản một tạp chí ra hàng quý, tờ The Dial, tồn tại được 4 năm. Margaret Fuller làm chủ bút đầu tiên và về sau là Emerson. Họ dấn thân cả vào lĩnh vực cải cách xã hội cũng như văn học. Một số người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ, và một số tham gia vào các cộng đồng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thử nghiệm, chẳng hạn như Brook Farm (Trại Brook) ở gần đấy (được Hawthorne mô tả trong cuốn The Blithedale Romance (Khúc ca thung lũng hạnh phúc) và Fruilands.
Khác với nhiều nhà văn châu Âu, các nhà văn theo phái Siêu nghiệm không đưa ra một bản tuyên ngôn nào. Họ vẫn duy trì quan điểm về những khác biệt cá nhân - về kiến quan độc đáo của cá nhân. Về mặt này, các nhà văn lãng mạn Siêu nghiệm Mỹ đẩy chủ nghĩa cá nhân tiến bộ đến cực điểm. Các nhà văn Mỹ thường xem mình là những người thám hiểm đơn độc bên ngoài cơ cấu và quy ước xã hội. Người hùng Mỹ - như thuyền trưởng Ahab của Herman Melville, Huck Finn của Mark Twain hay Arthur Gordon Pym của Edgar Allan Poe - thường đương đầu với hiểm nguy, thậm chí với cả sự hủy diệt, trong việc theo đuổi sự tìm kiếm bản thân mang tính chất siêu hình. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ chẳng có gì là điều chắc chắn. Những quy ước trong văn học và xã hội, chẳng mảy may có ích lợi gì, lại nguy hiểm. Một áp lực khổng lồ thúc bách các nhà văn khám phá ra một hình thức, nội dung và tiếng nói cho một nền văn học đích thực - tất cả đều cùng một lúc. Rõ ràng, nhiều kiệt tác sản sinh ra trong 3 thập kỷ trước cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865) là kết quả của việc các nhà văn Mỹ vươn lên đối đầu với thử thách.
Ralph Waldo Emerson
(1803 - 1882)
Ralph Waldo Emerson, nhân vật hàng đầu trong thời kỳ của ông, đã có ý thức về một sứ mệnh có ý nghĩa tôn giáo. Mặc dù nhiều người lên án ông là đã phá hoại Thiên Chúa giáo, ông giải thích rằng, với ông “để phụng sự Chúa tốt hơn ông cần phải ra khỏi nhà thờ”. Bài diễn văn ông đọc năm 1838 ở trường học của mình, trường Harvard Divinity (Harvard Hiển Linh) khiến ông lại cấm cửa suốt 30 năm. Trong bài này, Emerson kết tội Giáo hội là đã hành xử “như thể Chúa đã chết” và đã nhấn mạnh các giáo điều đồng thời bóp nghẹt đời sống tinh thần của con người.
Triết lý của Emerson được gọi là triết lý ngược, và đúng là ông đã có ý thức tránh xây dựng một hệ thống lý luận logic vì một hệ thống duy lý như thế sẽ phủ nhận niềm tin lãng mạn của ông vào trực giác và tính bất định của tâm hồn con người. Trong tiểu luận Self-Reliance (Tự tin vào mình) của ông, Emerson nhấn mạnh: “Sự kiên định ngu si là lũ quỷ trong những đầu óc bé nhỏ”. Tuy vậy, ông đã kiên định một cách phi thường trong lời kêu gọi khai sinh chủ nghĩa cá nhân Mỹ, lấy tự nhiên làm cảm hứng sáng tạo. Hầu hết những ý tưởng chủ đạo của ông: nhu cầu về một tầm nhìn quốc gia có tính đổi mới, phát huy các kinh nghiệm cá nhân, khái niệm Linh-Hồn-Toàn- Năng của vũ trụ và chủ thuyết đền bù, được đề cập đến trong tác phẩm đầu tiên của ông, Nature (Tự nhiên - 1836). Tiểu luận này được mở đầu như sau:
Thời đại chúng ta đang quay nhìn lại quá khứ. Nó xây lăng tẩm cho thế hệ cha ông. Nó viết tiểu sử, lịch sử và phê bình. Những thế hệ đi trước chiêm ngưỡng Thượng đế và thiên nhiên một cách trực diện, còn chúng ta nhìn Thiên nhiên và Thượng đế qua cái nhìn của họ. Tại sao chúng ta lại không sẵn lòng trong mối quan hệ nguyên sơ với vũ trụ? Tại sao chúng ta lại không có loại thi ca kiến giải nội tâm mà không đi theo truyền thống, và một tôn giáo mặc khải cho chúng ta, chứ không phải lịch sử của các tôn giáo và truyền thống của họ. Được bao bọc suốt một mùa bởi thiên nhiên, những cơn lũ của dòng đời tuôn trào, tràn qua chúng ta, dùng hết quyền năng dồi dào của chúng để mời gọi chúng ta hành động hài hòa với tự nhiên, vậy thì tại sao chúng ta lại dò dẫm trong đám xương khô của quá khứ...? Ngày hôm nay mặt trời vẫn soi sáng. Ngoài kia trên cánh đồng có thêm nhiều len và bông. Có thêm những miền đất mới, những con người mới, những tư tưởng mới. Chúng ta hãy yêu cầu có được những tác phẩm, những luật lệ và sự tôn thờ của riêng ta.
Emerson yêu thích Montaigne, một thiên tài trác tuyệt người Pháp thế kỷ 16, chuyên viết tiểu luận. Ông đã từng nói với Bronson Alcott rằng ông muốn viết một cuốn sách giống như cuốn sách của Montaigne “đầy chất thơ, tràn ngập niềm vui, thần tính, triết lý, dụ ngôn và các truyện thông tục”. Ông trách cứ rằng văn phong trừu tượng của Alcott đã bỏ đi “cái ánh sáng lấp lánh trên nón của con người, và trên cái thìa của một đứa bé”.
Kiến quan tâm linh và cách diễn đạt vừa thâm thúy sâu sắc vừa thực tiễn khiến cho văn Emerson sinh động, đầy phấn khích. Một trong những nhà văn theo phái Siêu nghiệm ở Concord đã so sánh rất hay giữa việc nghe ông nói chuyện với cảm giác “vọt một phát lên tới trời”. Phần lớn những kiến giải tâm linh của ông bắt nguồn từ việc nghiên cứu tôn giáo phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ giáo, Khổng giáo và Đạo thần bí Hồi giáo (Sufi). Ví dụ, bài thơ Brahma của ông dựa trên nguồn gốc Ấn giáo để khẳng định trật tự của vũ trụ là vượt khỏi cảm quan giới hạn của con người có sinh có tử.
Nếu kẻ sát nhân hung ác biết hắn đang chém giết
Hay người bị tàn sát biết mình bị hại
Họ không hay biết những con đường huyền ảo
Tôi đã giữ, đã vượt qua, và rồi quay trở lại.

Cả những gì xa xôi, bị quên lãng với tôi đều quen thuộc
Bóng tối và ánh sáng, có gì đâu, là một
Những thiên thần biến đi lại trở lại tôi;
Nỗi ô nhục, niềm vinh quang với tôi cũng là một mà thôi

Họ đã nghĩ xấu và rời bỏ tôi
Khi họ bay đi, tôi chính là đôi cánh;
Tôi - kẻ nghi ngờ và mối hiềm nghi,
Tôi là khúc tụng ca vị giáo sĩ ngân nga

Những thần linh oai vũ mong muốn chốn trú ngụ của tôi
Và ước ao vô vọng về Bảy Đấng thiêng liêng.
Nhưng em, người yêu dịu hiền của điều thiện
Hãy tìm tôi, và cùng quay lưng lại với Thiên đường.

Bài thơ này, in trong số đầu tiên của tạp chí Atlantic Monthly (1857), làm cho độc giả bối rối ngỡ ngàng bởi Brahma, vị thần Ấn Độ giáo cao nhất, linh hồn vĩnh cửu và vô tận của vũ trụ còn xa lạ với họ. Emerson khuyên độc giả của mình: “Hãy bảo họ đọc tên Jehovah thay cho Brahma”.
Nhà phê bình người Anh Matthew Arnold nói rằng những tác phẩm quan trọng nhất viết bằng tiếng Anh của thế kỷ 19 là những bài thơ của Wordsworth và những tiểu luận của Emerson. Là một nhà thơ - văn xuôi vĩ đại, Emerson đã có ảnh hưởng lớn đến một loạt các nhà thơ Mỹ, bao gồm Walt Whitman, Emily Dickinson, Edwin Arlington Robinson, Wallace Stevens, Hart Crane, và Robert Frost. Ông cũng được thừa nhận là người ảnh hưởng đến tư tưởng triết học của John Dewey, George Santayana, Friedrich Nietzsche và William James.
Henry David Thoreau
(1817 - 1862)
Henry David Thoreau, có dòng máu Pháp và Scotland, sinh ở Concord và chọn nơi đây làm chốn định cư. Xuất thân từ một gia đình nghèo, cũng như Emerson, ông vừa làm việc vừa học Đại học Harvard. Trong suốt cuộc đời mình, ông giảm thiểu nhu cầu của mình đến mức đơn giản nhất và xoay xở để sống với một số tiền ít ỏi, vì vậy duy trì được sự độc lập của mình. Thực chất, ông đã sống bằng chính nghề của mình.
Là một người theo chủ nghĩa khắc kỷ, ông cố gắng thực hiện những nguyên tắc sống cứng rắn trong mọi thời điểm của cuộc đời. Nỗ lực này là chủ đề cho nhiều tác phẩm của ông.
Kiệt tác của Thoreau, Walden, hay là Life in the Woods (Cuộc sống trong rừng 1854), tổng kết 2 năm, 2 tháng và 2 ngày (từ 1845 -1847) sống trong một túp lều ông dựng lên ở Walden Pond (Hồ Walden) trên phần đất Emerson sở hữu. Trong cuốn Walden, Thoreau cố ý dồn khoảng thời gian trên vào một năm, và cuốn sách được cấu trúc một cách chu đáo để các mùa trong năm xuất hiện đúng theo tuần tự một cách tinh tế. Cuốn sách cũng được sắp xếp sao cho những điều quan tâm trần tục đơn giản nhất xuất hiện trước (trong phần gọi là 73 “kinh tế”, ông mô tả chi phí xây dựng một túp lều); khi kết thúc, cuốn sách tiến đến sự chiêm nghiệm về các vì tinh tú.
Trong cuốn Walden, Thoreau, người yêu thích sách du ký và là tác giả nhiều cuốn du ký cho chúng ta một cuốn sách phản du ký đã khai mở một cách nghịch lý biên giới nội tâm của sự tự khám phá, một điều không một cuốn sách nào ở Mỹ làm được cho đến thời điểm đó. Cuốn sách cũng có vẻ khiêm tốn như cuộc đời khổ hạnh của Thoreau, nó không gì hơn là một cuốn cẩm nang để sống theo cái lý tưởng cổ điển về một cuộc sống tốt đẹp. Vừa là thơ ca và triết học, cuốn tiểu luận dài, giàu chất thơ này kêu gọi độc giả xét lại đời mình và sống cuộc đời đó một cách thực sự. Việc xây dựng một túp lều được mô tả chi tiết, là một ẩn dụ cụ thể cho việc xây dựng linh hồn một cách cẩn trọng. Trong nhật ký của mình ngày 30 tháng Giêng 1852, Thoreau giải thích niềm yêu thích muốn sống cắm rễ sâu vào một mảnh đất: Tôi sợ đi đó đi đây nhiều hoặc đến những nơi danh thắng, vì e rằng nó sẽ làm thương tổn hoàn toàn trí óc.
Cách sống ẩn dật và tập trung tư tưởng của Thoreau giống như phương pháp Thiền định ở châu Á. Sự tương đồng đó không phải là tình cờ; cũng như Emerson và Whitman, ông bị ảnh hưởng bởi triết học Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tài sản quý giá nhất của ông là thư viện gồm những tác phẩm kinh điển của châu Á, sở hữu chung của ông và Emerson. Văn phong chiết trung của ông chọn lọc từ những tác phẩm kinh điển Hy Lạp và Latin thì trong sáng như pha lê, sử dụng biện pháp chơi chữ và giàu ẩn dụ như những tác giả siêu hình Anh vào cuối thời Phục hưng.
Trong tác phẩm Walden, Thoreau không chỉ kiểm chứng những lý thuyết của chủ nghĩa Siêu nghiệm; ông tái biểu hiện lại kinh nghiệm chung của nước Mỹ hồi thế kỷ 19: cuộc sống ở nơi hoang vu. Thoreau cảm thấy rằng sự đóng góp của ông có thể sẽ làm sống lại nhận thức về tự nhiên hoang dã trong địa hạt ngôn ngữ. Nhật ký của ông có một phần không ghi ngày tháng vào năm 1851 như sau:
Văn học Anh, từ thời của những người hát rong trung cổ cho đến những nhà thơ Hồ[1], gồm cả Chaucer, Spenser, Shakespeare và Milton, không hề có giọng điệu mới mẻ và, theo cái nghĩa này, không có hơi hướng hoang dại chút nào. Nó chủ yếu là một nền văn học đã thuần tinh và gọt giũa, phản ánh văn minh Hy-La. Tính cách hoang dã của nó chỉ ở mức một cánh rừng xanh, con người hoang dã chỉ là Robin Hood, có rất nhiều tình yêu tràn trề đối với thiên nhiên trong các nhà thơ xứ này, nhưng trong chính nền văn học Anh lại vắng bóng dáng của thiên nhiên. Những cuốn biên niên sử của nó cho ta biết lúc nào những con thú hoang của nó, chứ không phải nhữngcon người hoang dã trong nó, bị tuyệt chủng. Đó là điều nước Mỹ cần phải biết.
Walden tạo nguồn cảm hứng cho William Butler Yeats, một người Ireland nhiệt thành theo chủ nghĩa dân tộc, viết bài thơ The Lake Isle of Innisfree (Hồ trên đảo Innisfree), còn bài tiểu luận Civil Disobedience (Sự bất tuân dân sự) của Thoreau, với lý thuyết phản kháng thụ động dựa trên nhu cầu đạo đức cho phép cá nhân công chính bất tuân thứ pháp luật bất công, là nền tảng tinh thần cho phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ của Mahatma Gandhi và cuộc đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ Da đen vào thế kỷ 20 của Martin Luther King.
Cho đến nay, Thoreau là tác giả được ưa thích nhất trong số những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm bởi ý thức về môi sinh, quan điểm độc lập chỉ trông cậy vào bản thân, yêu cầu (1) Các nhà thơ Hồ (Lake Poets): nhóm nhà thơ Anh sống ở quận Lake, gồm có: Wordsworth, Coleridge và Southey... có tính cách đạo đức với việc bãi bỏ chế độ nô lệ và lý thuyết chính trị về sự bất tuân của công dân và sự phản kháng trong hòa bình của ông. Những tư tưởng của ông vẫn còn mới mẻ, văn phong sắc sảo đầy chất thơ và thói quen quan sát cụ thể chính xác của ông vẫn còn rất hiện đại.
Walt Whitman
(1819 - 1892)
Sinh ra ở Long Island, New York, Walt Whitman có nghề tay trái là thợ mộc. Ông là một người con của nhân dân Mỹ qua các tác phẩm cách tân, sáng chói của mình đã nói lên được tinh thần dân chủ của đất nước. Whitman chủ yếu tự học; ông bỏ học lúc 11 tuổi để đi làm, đánh mất cái cơ hội có được nền giáo dục chính thống đã làm cho hầu hết các tác giả Mỹ trở thành những kẻ mô phỏng đáng kính của nền văn học Anh. Tập thơ Leaves of Grass (Lá cỏ - 1855) của ông, một tác phẩm mà ông đã viết đi viết lại và chỉnh lý trong suốt cuộc đời, có bài Song of Myself (Bài ca tự ngã), một bài thơ độc đáo trác tuyệt nhất từ trước đến nay do một người Mỹ viết. Lời ngợi khen hết mình mà Emerson và một vài người khác đổ tới tấp lên tập thơ hết sức dấn thân này, khẳng định Whitman trong sự nghiệp thi ca của ông, mặc dù thành công của cuốn sách không được rộng khắp lúc đương thời.
Là một cuốn sách đi trước thời đại, ca ngợi mọi sự sáng tạo, Leaves of Grass được lấy cảm hứng chủ đạo từ những tác phẩm của Emerson, đặc biệt tiểu luận The Poet (Thi sĩ) của ông, từng dự đoán sự ra đời của một lớp thi sĩ đầy sức mạnh, có tầm nhìn khoáng đạt và trái tim rộng mở với 77 cuộc đời giống với Whitman một cách lạ kỳ. Lá cỏ là tập thơ mang tính đổi mới: thể thơ tự do, không vần, công khai ca ngợi tính dục với những xúc cảm dân chủ mãnh liệt, và sự khẳng định cực đoan theo kiểu chủ nghĩa Lãng mạn rằng cái tôi của nhà thơ phải hòa làm một với bài thơ, với vũ trụ, và với bạn đọc, đã thay đổi vĩnh viễn nền thơ ca Mỹ.
Leaves of Grass cũng mênh mông, đầy sức sống và tự nhiên nhi nhiên như lục địa châu Mỹ; nó là thiên sử thi mà nhiều thế hệ các nhà phê bình Mỹ kêu gọi, dầu họ không nhận ra nó. Sự chuyển động trào lên như sóng qua Song of Myself như âm nhạc không ngừng nghỉ:
Những xiềng xích cùm gông tôi bỏ lại
Tôi vòng qua các núi non, lòng tay che các miền lục địa
Và sẵn sàng với tri kiến của mình.

Tập thơ tròn đầy với muôn ngàn cảnh tượng và âm thanh sống động. Những con chim trong thơ Whitman không phải là hình ảnh ước lệ về các “linh hồn có cánh” như trong thi ca truyền thống. “Con diệc đầu vàng” của ông “đêm đêm đến bìa đầm lầy và mò ăn những con cua nhỏ”. Dường như Whitman đắm mình trọn vẹn vào mỗi thứ ông chứng kiến hay tưởng tượng ra. Ông là con người của quần chúng, “Du hành đến mọi bến tàu để mặc cả và phiêu lưu. Cùng vội vã giữa một đám đông tân kỳ cũng háo hức và đổi thay như bất cứ ai”. Trong cuộc sống riêng, ông chịu nhiều đau khổ. “Người mẹ già nua, bị kết án là phù thủy, bị đưa lên giàn hỏa thiêu trước sự chứng kiến của đàn con... Tôi là tên nô lệ bị săn đuổi, đớn đau sau bao lần chó cắn... Tôi là người lính cứu hỏa bị nghiền nát đến vỡ vụn xương sườn...”.
Chính Whitman chứ không phải ai khác đã phát minh ra huyền thoại về nước Mỹ dân chủ. “Những người Mỹ đến từ mọi quốc gia trên trái đất ở bất cứ thời điểm nào mang bản tính thi ca trong cái nghĩa đầy đủ nhất. Nước Mỹ tự bản chất là bài thơ vĩ đại nhất”. Khi Withman viết bài thơ này, ông đã mạnh dạn đảo ngược ý kiến phổ biến cho rằng nước Mỹ quá thô thiển và non dại không có gì chung với thơ ca. Ông phát hiện ra một nước Mỹ phi thời gian của trí tưởng tượng không giới hạn, nơi cư ngụ của các tinh thần tiên phong đến từ khắp các quốc gia. D. H. Lawrence, nhà văn và nhà thơ Anh, đã gọi ông một cách chính xác là nhà thơ của “con đường rộng mở”.
Sự vĩ đại của Whitman thể hiện rõ trong nhiều bài thơ, trong đó có các bài Crossing Brooklyn Ferry (Qua phà Brooklyn). Out of the Cradle Endlessly Rocking (Từ chiếc nôi đong đưa) và When Lilacs Last in the Dooryard Bloom’d (Những đóa tử đinh hương cuối cùng trong khoảng sân trước đầy hoa), một khúc bi ca về cái chết của Abraham Lincoln. Một tác phẩm quan trọng khác là tiểu luận dài Democratic Vistas (Triển vọng dân chủ 1871), được viết vào “thời đại hoàng kim” của nền công nghiệp, vào cái lúc chủ nghĩa thực dụng phát triển không kiềm chế. Trong tiểu luận này, Whitman phê bình nước Mỹ một cách đúng đắn về sự giàu có và nền công nghiệp đan xen, hùng mạnh của nó đã che giấu một sa mạc Shahara khô cằn, tẻ nhạt của tâm hồn. Ông kêu gọi một loại hình văn học mới để làm sống lại dân Mỹ (“Không phải cuốn sách được cần nhiều đến thế để trở thành một cái gì hoàn chỉnh, mà là độc giả cần điều đó”). Tuy nhiên, lời khẳng định chủ yếu của Whitman về sự bất tử nằm trong Song of Myself. Ở đây, ông đặt cái tôi của trào lưu Lãng mạn ở trung tâm nhận thức của bài thơ:
Tôi tự ca ngợi mình và hát về tôi
Và những gì tôi tiến hành thì anh cũng làm thôi
Bởi vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi
Lại cũng thuộc về anh.

Tiếng thơ của Whitman gây hứng khởi ngay cả cho độc giả hiện đại với lời tuyên ngôn của ông về sức mạnh tối cao và hợp nhất của tất cả vũ trụ. Ông đã có tinh thần cách tân lớn lao. Kể từ ông, mỗi bài thơ là một bản tiểu sử tự thuật, mỗi người Mỹ bình thường trở thành một nhà thơ, người đọc cũng là người sáng tạo, và sự khám phá cái hình thức gọi là “thử nghiệm” hay hệ thống này vẫn còn mang tính thời sự cho đến nay.

No comments: