Trong nền Cộng Hòa Nghệ Thuật và Văn chương Toàn Cầu (République Mondiale des Arts et des Lettres), hôm nay ta thấy xuất hiện nhiều nữ công dân xuất chúng. Ví dụ nghệ sĩ thị giác (visual artist) Huda Lutfi ở Cairo - gương mặt đầu đàn của mỹ học đương đại Ai cập - đã kết hợp phế liệu, nhiếp ảnh và điêu khắc trong các thiết kế nghệ phẩm. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học McGill (Canada), bà tích cực tham gia từ 1992 với giới nghệ thuật tạo hình hiện đại ở Trung Đông và có nhiều triển lãm thành công tại châu Âu, đặc biệt là Pháp. Trong giảng dạy và phát biểu hội nghị, bà nói rõ chủ trương kết hợp nghệ thuật và chính trị trong sáng tác của mình. Ý thức phê phán và trào lộng hiện ra đậm nét qua hình ảnh các giai nhân bị giam cầm trong lọ nước hoa dưới đây - số phận chung của nữ giới Ả rập bị văn hóa Hồi giáo kềm kẹp. Mỗi tác phẩm mixed media (kết hợp nhiều vật liệu) của bà là một tuyên ngôn cho nữ quyền thời đại đồng thời là phát súng bắn vào chế độ phụ quyền của Trung Đông truyền thống.
Huda LUTFI - Chai lọ (1996) |
Bản sắc bắt nguồn từ truyền thống văn hóa, càng lâu đời càng kiên cố khó cải biến để thích nghi với hoàn cảnh khác lạ. Đây là thách đố chung cho mọi nghệ sĩ muốn sáng tạo cái mới, đặc biệt là nữ giới. Bởi họ không chỉ vật lộn với các qui ước thẩm mỹ hoặc tiêu chí trường qui, mà còn phải tự giải phóng khỏi các tập tục lễ giáo của các xã hội truyền thống phụ quyền. Cũng như Ai cập, Ấn Độ là một nền văn minh cổ kính bắt đầu với di tích Mohenjo-Daro tương đương tuổi Kim Tự Tháp của các đế vương Pharaon. Sau mấy thiên niên phát triển từ các tín ngưỡng thần bí, Ấn độ giáo (Hindouisme) thiết lập một xã hội - tôn giáo khắc khe với đẳng cấp lãnh đạo là giới tăng lữ đầy uy quyền tinh thần. Thần thoại Ấn độ giáo đã hóa thành các biểu tượng tâm lý-văn hóa chi phối thế giới quan và lối sống của dân chúng trên một đất nước có dân số nhất nhì trên quả đất.
Bên cạnh chất mỹ học hiện đại trong gam màu và bố cục, bức tranh dưới đây bộc lộ sự xung đột của cá nhân với vô thức cộng đồng. Người đàn bà vừa muốn thoát khỏi ngã tính vừa phô bày sức mạnh sinh dục như một sự khẳng định bản năng ( họa phẩm cho thấy ảnh hưởng phái Mật Tông Tantra trong cách nhìn của họa sĩ).
P.T. REDDY - Những cái đầu (1969) |
Cũng vậy, bức tranh tiếp theo biểu hiện sức mạnh của nền văn hóa tôn giáo lâu đời. Các phụ nữ viếng đền xưa để ngâm mình khấn vái xin nước thiêng mang về là một hình ảnh có hai ý nghĩa: niềm tin vừa an ủi số phận nhỏ yếu vừa giam cầm con người trong mê tín. Sự kiện này không chỉ diễn ra tại Ấn độ; những con người - chẳng phải riêng phái nữ - đang chao đảo tâm lý giữa các chuyển động chính trị-lịch sử và thăng trầm bất ngờ của kinh tế thị trường có xu hướng bám vào truyền thống , cho dù đó là mớ tập tục thờ cúng hay sùng bái thánh thần đời đời vắng mặt.
. |
Paritosh SEN - Phụ nữ khấn trước hồ nước đền thiêng (1989)
Ý nghĩa hàm hồ của thân phận nữ phái Ấn nằm trong họa phẩm tượng trưng pha trộn chất huyễn ảo sau đây. Ta biết giống bò cái được Ấn độ giáo coi như con vật thiêng bất khả xâm phạm, nhưng trong thực tế nó là con bò sữa - đàn bà gánh vác và nuôi béo một chế độ đẳng cấp phụ quyền. Có phải đây là bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp hay là bản án định mệnh treo vào cổ những đàn bà con gái bị tín ngưỡng lạm dụng và xã hội phân biệt đối xử ? Ngắm bức tranh bình dị như hoạt họa này của nữ họa sĩ có ý thức xã hội cao là Saroj Pal, người xem có thể kinh hoàng nhận ra những kiếp người bị biến thành gia súc hay vật thể!
Saroj PAL - Kamdhenu (1994) |
Khái niệm femme-objet (đàn bà-vật thể) còn thích hợp với các super model người mẫu chân dài vươn lên thật cao để chinh phục mọi của cải vật chất của trái đất đã biến làm đại siêu thị toàn cầu. Đây là thông điệp châm biếm của loạt tranh Icons (siêu mẫu) của Ved Nayar cảnh giác mấy nàng còn nuôi giấc mơ danh vọng hão. Từ khi Freud dạy ta rằng vô thức con người luôn bị dục tính ám ảnh, bí quyết sơ đẳng của bọn phù thủy quảng cáo nằm gọn trong hai chữ SEX SELLS! Là nghệ sĩ công dân và trí thức nữ quyền, Nayar cũng như Huda Lutfi,
Saroj Pal...không nhân nhượng với quảng cáo media và công nghệ văn hóa
đêm ngày khai thác hình ảnh và thân xác đàn bà để đánh bóng đủ loại mặt
hàng, từ trang phục hay mỹ phẩm cho đến chiếc luxury car.
Rời Mumbai và New Delhi, Bangkok rồi Manila, du khách quốc tế trong túi có nhiều đôla tất phải đáp xuống nước Nhật trong chuyến tham quan thị trường và các mặt hàng đặc sản. Tại xứ hoa Đào lừng danh, họ có thể tìm những ''comfort women" để giải khuây và hưởng lạc. Sau khi các phong trào đấu tranh chính trị-xã hội của trí thức tả phái và sinh viên tắt ngấm sau hai thập niên 60-70, đa số giới trẻ ở Nhật ngày nay chấp nhận luật chơi của thị trường tự do và một số không ít người nữ từ tuổi trung học đã bằng lòng trở thành thương phẩm có giá trên thị trường nhục dục. Đến đây con đàn bà-vật thể trở thành sản phẩm đồng loạt nặc danh như các tác phẩm thị giác của Murakami. Kết hợp văn hóa pop và kitsch, mượn các yếu tố hoạt họa manga, nghệ sĩ thiết kế các mẫu điêu khắc bằng nhựa rồi tô lên màu acrylic như búp bê Hiropon (một dược phẩm kích thích), hai tay nặn cặp vú to cho sữa bắn ra như một sự phô trương của bản năng. Đây là một dạng mỹ thuật kiểu Disneyland, bắt mắt nhưng hời hợt , tiêu biểu cho lối sống tiêu thụ và mua bán cảm giác một cách vô tư theo dòng văn hóa hậu-hiện đại không còn những tiêu chuẩn của giá trị nhân văn cao quí.
Cùng lúc với kỹ nghệ mại dâm là nghệ thuật thương phẩm (commercial art). Không mang nội dung phê phán hay black humor , đây là nghệ thuật phong tình (erotic art) ở Nhật hôm nay dưới dạng tranh in của Japi Honoo chẳng hạn. Dưới những nét đẹp truyền thống pha ảnh hưởng siêu thực, các kỹ nữ geisha này mời mọc sự thị dâm của kẻ sưu tập. Và xúc cảm này không khác mấy cái thú nhìn ngắm hình chụp các người đẹp quảng cáo áo ngủ hay đồ lót của công ty Victoria's Secret.
Japi HONOO - Bàn tay kích thích ( 2008) |
Chúng ta vừa dạo nhanh một vòng các phòng tranh hôm nay trên trái đất và kết thúc ở Á Đông với hai nền văn hóa đồng văn lâu đời với Việt Nam. Nếu xã hội Nhật đã an bài với chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân hưởng lạc sau khi kiến thiết thành công hình thái sản xuất tư bản công nghệ cao, Trung Quốc trái lại vẫn còn là chế độ đảng trị với định hướng kinh tế thị trường chỉ làm giàu cho giai cấp tư sản đỏ mới phất. Để duy trì địa vị và quyền lợi, Bắc Kinh dùng mọi biện pháp cương nhu để trị dân và triệt để thanh trừng mọi hành vi phản kháng. Tại các gallery đông khách ở Thượng Hải và Bắc Kinh hôm nay, đa phần tranh tượng noi theo phương châm nghệ thuật vị nghệ thuật quen thuộc , ăn theo một truyền thống thư họa nghìn đời cùng các thứ chủ nghĩa mỹ thuật vay mượn tạp nham từ phương Tây. Tóm lại, sự thương phẩm hóa nghệ thuật nơi đây đang tràn lan và làm ô nhiễm khí quyễn văn hóa-tư tưởng. Nhưng không phải văn nghệ sĩ nào cũng đồng lõa; thế giới thán phục tư cách của Lưu Hiểu Ba, Liệu Diệc Vũ, hoặc Ngãi Vị Vị... , những nghệ sĩ-trí thức không ngừng tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và sáng tạo dù bị an ninh bắt bớ hay đe dọa. Bằng chữ viết, tranh ảnh và hành động, họ tiếp tục thách thức chính sách kiểm duyệt văn hóa và xâm phạm quyền công dân của tập đoàn Trung Nam Hải. Bức ảnh một chị phụ nữ tốc váy trước chân dung Mao và Thiên An Môn do Ngải Vị Vị dàn dựng là một cái tát tai thâm nho vào mặt chế độ, và cũng là một sáng tạo mỹ học độc đáo làm cho sáng mắt những ai cứ tưởng quần lót phái nữ là biểu tượng cho sex.
NGÃI VỊ VỊ - Tốc váy trước Thiên An Môn (ảnh chụp năm ?) |
Biên khảo này không có tham vọng của một đề mục sách bách khoa mà chỉ là vài nét chấm phá cho bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật tạo hình và phái nữ từ thời Phục Hưng, nhấn mạnh ở phần cuối về thân phận đàn bà ngày nay trong ý thức sáng tạo của những nghệ sĩ phải đối diện nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa cùng những chế độ xã hội đè bẹp nhân tính phái nữ. Các nhà nghiên cứu mỹ học thường nhắc lại câu nói Hegel " Mục tiêu của nghệ thuật là phô bày sự thật." Rõ ràng, qua các tác phẩm minh họa cho những trang trên đây, sự thật đã đối thoại liên tục với các chủ thể sáng tạo và lịch sử nghệ thuật qua từng tác phẩm có trọng lượng. Bằng hội họa và nghệ thuật tạo hình hay thị giác, tập thể nghệ sĩ trên thế giới đã truyền đạt một thông điệp chung mời gọi các cộng đồng văn hóa đa dạng tham dự vào cuộc triển lãm thường xuyên mọi hình ảnh hoặc biểu tượng phong phú về giống người, đàn ông hay phái nữ, đang có mặt trong cuộc đấu tranh sinh tồn trên trái đất. Biết đâu nghệ thuật với nội dung nhân bản xưa nay sẽ giúp chúng ta cùng xây nên một nền văn minh dân chủ và một nền cộng hòa của những công dân tôn trọng hiểu biết nhau.
Những người chịu khó đọc trọn bài viết sẽ nêu một thắc mắc hợp lý : "Sao không thấy tác giả đề cập đến đàn bà con gái VN ?" Đây là một chuyên đề lý thú khác mà các bạn như Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Quỳnh hay Nguyễn Trọng Khôi... sẽ có nhiều tư cách chuyên môn hơn tôi để soạn thảo. Họ là những họa sĩ thành đạt đồng thời có trải nghiệm và tư liệu phong phú để đào sâu một cách toàn diện hơn. Hi vọng họ sẽ dành thời giờ trong tương lai cho một bài viết về chủ đề này.
Dù cưỡi ngựa xem hoa, một bài biên khảo không thể tùy tiện sa đà vào thứ chủ nghĩa cảm tính. Một phần quan trọng đến từ kinh nghiệm giao hữu và học hỏi với các bạn họa sĩ cộng thêm những lần viếng thăm các bảo tàng lớn của Hi Lạp, Pháp, Ý, Hòa Lan, Anh, Mỹ,...cũng như nhiều gallery mỹ thuật. Còn lại là sách báo tham khảo và sưu tập họa phẩm cá nhân, chưa kể nguồn thông tin vô hạn từ internet, hơn gấp nghìn lần Le Musée Imaginaire (Viện Bảo Tàng Ảo) mà Malraux vẫn mơ ước. Bạn đọc yêu hội họa với mỹ thuật tạo hình chỉ cần đầu tư vào một máy vi tính và chịu khó học thêm ngoại ngữ là có thể thưởng lãm hầu hết các tranh tượng trên thế giới hôm nay.
CHÂN PHƯƠNG
Cambridge và Hull, cuối hè 2013.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bruce Altschuler, The Avant-Garde in Exhibition, New York, 1994.
Robert Blanché, Des Catégories Esthétiques, Paris, 1979.
Collectif, Esthétique et Marxisme, Paris, 1974.
Mikel Dufrenne ed., Main Trends in Aesthetics & the Sciences of Art, New York,1979.
Luc Ferry, Homo Aestheticus, Paris, 1990.
Hal Foster ed.,Vision & Visuality, Seattle, 1988.
Rich Gregory et al. eds., The Artful Eye, Oxford, 1995.
Marc Jimenez, Qu'est-ce que l'Esthétique?, Paris,1997.
Kocur & Leung eds., Theory in Contemporary Art since 1985, Oxford, 2005.
Fran Lloyd ed., Consuming Bodies, London, 2002.
Lucy Lippard, Mixed Blessings, New York, 1990.
Harold Rosenberg, The Anxious Object, New York, 1966.
Harold Rosenberg, The De-definition of Art, New York, 1972.
Jane Turner ed., From Expressionism to Post-Modernism, New York, 2000.
James Winchester, Aesthetics across the Color Line, Maryland, 2002.
Dù cưỡi ngựa xem hoa, một bài biên khảo không thể tùy tiện sa đà vào thứ chủ nghĩa cảm tính. Một phần quan trọng đến từ kinh nghiệm giao hữu và học hỏi với các bạn họa sĩ cộng thêm những lần viếng thăm các bảo tàng lớn của Hi Lạp, Pháp, Ý, Hòa Lan, Anh, Mỹ,...cũng như nhiều gallery mỹ thuật. Còn lại là sách báo tham khảo và sưu tập họa phẩm cá nhân, chưa kể nguồn thông tin vô hạn từ internet, hơn gấp nghìn lần Le Musée Imaginaire (Viện Bảo Tàng Ảo) mà Malraux vẫn mơ ước. Bạn đọc yêu hội họa với mỹ thuật tạo hình chỉ cần đầu tư vào một máy vi tính và chịu khó học thêm ngoại ngữ là có thể thưởng lãm hầu hết các tranh tượng trên thế giới hôm nay.
CHÂN PHƯƠNG
Cambridge và Hull, cuối hè 2013.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bruce Altschuler, The Avant-Garde in Exhibition, New York, 1994.
Robert Blanché, Des Catégories Esthétiques, Paris, 1979.
Collectif, Esthétique et Marxisme, Paris, 1974.
Mikel Dufrenne ed., Main Trends in Aesthetics & the Sciences of Art, New York,1979.
Luc Ferry, Homo Aestheticus, Paris, 1990.
Hal Foster ed.,Vision & Visuality, Seattle, 1988.
Rich Gregory et al. eds., The Artful Eye, Oxford, 1995.
Marc Jimenez, Qu'est-ce que l'Esthétique?, Paris,1997.
Kocur & Leung eds., Theory in Contemporary Art since 1985, Oxford, 2005.
Fran Lloyd ed., Consuming Bodies, London, 2002.
Lucy Lippard, Mixed Blessings, New York, 1990.
Harold Rosenberg, The Anxious Object, New York, 1966.
Harold Rosenberg, The De-definition of Art, New York, 1972.
Jane Turner ed., From Expressionism to Post-Modernism, New York, 2000.
James Winchester, Aesthetics across the Color Line, Maryland, 2002.
No comments:
Post a Comment