Phạm Cao Hoàng
anh ở đường Natick, thuộc thành phố Burke, Virginia.
Phía sau nhà là một khu rừng thơ mộng. Không phải ngẫu nhiên mà anh
chọn nơi này làm chỗ cư ngụ lâu dài. Anh cần một không gian phù hợp với
tâm hồn của người nghệ sĩ, dễ tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm, và đây là
nơi chốn lý tưởng cho anh.
Lần đầu tiên vào nhà anh – họa sĩ /thi sĩ Đinh Cường, tôi hết sức bất
ngờ với số lượng tranh và sách quí hiếm anh mang từ quê nhà sang. Trên
tường, chỗ nào có thể treo tranh là có tranh – tranh của anh và của
nhiều họa sĩ Việt Nam.. Tranh ở tầng trên. Tranh ở dưới basement. Còn
lại là kệ sách dọc các bờ tường. Anh lưu giữ và mang theo gần đủ các bộ
tạp chi văn học ở miền nam trước 1975 như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa…
Tranh và sách. Sách và tranh. Nhiều, nhưng gọn gàng, ngăn nắp và thẩm mỹ.
Tranh và sách. Sách và tranh. Nhiều, nhưng gọn gàng, ngăn nắp và thẩm mỹ.
Nhà anh như một bảo tàng nho nhỏ, lưu giữ các tác phẩm văn học và hội
họa, lưu giữ những kỷ niệm của gia đình và bạn bè. Mỗi người bạn được
anh dành riêng cho một chỗ để trưng bày các kỷ vật. Chỗ này dành cho Bùi
Giáng, chỗ kia dành cho Trịnh Công Sơn, chỗ nọ dành cho Thanh Tâm
Tuyền… Anh nâng niu từng kỷ vật của bạn bè. Từ những kỷ vật này, anh đã
viết hàng trăm bài thơ kèm theo tranh, ảnh trong những năm gần đây.
Tôi chưa từng thấy ai gìn giữ những kỷ niệm của bạn bè một cách cần
trọng và sống tử tế với bạn bè như anh. Tất cả cho thấy anh là một người
của nghệ thuật và văn hóa, một con người sống rất thủy chung.
Với hội họa, Đinh Cường là con người đầy đam mê.
Có người hỏi anh nghệ thuật là gì và vì sao anh vẽ, anh cho biết, “Nghệ
thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh,
nơi chốn. Không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy
mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm”. (Đinh Cường, BÀY TỎ VỀ HỘI HỌA).
Còn người khác nghĩ gì về con người và hội họa Đinh Cường?
“Nhìn anh làm việc trước giá vẽ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh cứ
thả cho mình chìm mãi, chìm mãi vào trong biển màu sâu thẳm, nhưng bao
giờ cũng vậy, rồi anh sẽ bắt được một điểm tựa để ngừng lại… Đinh
Cường bước đi giữa cuộc đời một cách rất tài hoa, và trên hết mọi
chuyện, có lẽ bản năng sáng tạo là sức đẩy nội tại dữ dội, đã thôi thúc
và không ngừng đặt anh trước giá vẽ từng mỗi giây phút… Số lượng
tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên đến cả hàng ngàn tấm.
Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có sức
làm việc như thế mà thôi “ (Huỳnh Hữu Ủy, VẺ ẨN MẶT TRONG HỘI HỌA ĐINH CƯỜNG).
“Đinh Cường là con người sống để vẽ và đi… Trong hội họa, tôi gọi Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm”. (Trịnh Công Sơn, ĐINH CƯỜNG, THI SĨ CỦA HOÀI NIỆM).
“Đinh Cường sống trọn đời tận tụy cho nghiệp hội họa – không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa”. (Đặng Tiến, ĐINH CƯỜNG, TẤM LÒNG VÔ HẠN).
Những nhận xét trên tưởng cũng đã đủ để xác định tài năng, tính cách và tầm vóc của anh.
Nhà họa sĩ Đinh Cường ở đường Natick. Ngày ngày anh đi bộ trên con
đường này, ghé Starbucks , rồi trở về nhà, lặng lẽ ngồi trước giá vẽ.
Anh vẽ chân dung những người anh yêu quí, vẽ chân dung mình, vẽ nỗi nhớ
bạn bè và nỗi nhớ quê hương. Tranh của anh và những bài thơ của anh đem
lại niềm vui cho nhiều người, trong đó có tôi.
Phạm Cao Hoàng
No comments:
Post a Comment