Friday, September 20, 2013

Bắc và Nam


1.     



      DEREK WALCOTT (Nobel 1992)


1 -Vào giờ sao Hôm mọc này --- vì sao kiên định
không bản dịch nào làm mờ nhạt được, đóm sáng hành tinh
như tia đèn xoáy vào mắt trên đầu mớ đảo tím loang ---
mặc kệ lũ bọ mòng tai quái, tôi đảm nhận chức vụ
của dân thuộc địa mới phất vào lúc cả đế chế suy tàn,
làm chấm vệ tinh cô độc xoay vòng, vô tổ quốc.
Nơi vũng cạn tiếng lính tráng hò la tháo chạy khỏi Ấn Độ,
lùi bước trước đoàn quân Quốc Xã, tôi nghe ra hơi nấc hấp hối
trong cuống họng nước Anh, ngắm trăng rằm hiện lên
như cờ trắng treo trên Fort Charlotte (1), rồi hoàng hôn
xuống chậm tựa lá quốc kỳ rũ gục.

Nghĩ cũng hay, mọi sự đều tiêu ma trừ ngôn tự của họ ra
mà ngôn tự là tất cả. Nghe sâu mọt gặm từng hàng cột uy nghi
thành vụn san hô, gắn ống thở xuống thăm Atlantis,
nhìn qua kính lặn cát dâng ngập cửa sổ Sidon,
dưới đáy tàu gắn thủy tinh trong hiện ra lầu tháp của Tyre
và Alexandria phất phơ rong biển quấn quanh, ghé Tobago
mua từ tay ngư phủ dăm mảnh đá bọt Parthénon ----
đối với sự ngạo mạn của các thứ đế quốc có thể cảm giác
hả dạ này ấu trĩ. Nhưng nỗi sợ là điều có thật.Delenda est Carthago”( 2)   từ chân trời hồng tiếng thét vang rân.





Các tiểu lộ cắt ngang Manhattan muối rắc ngập đầy,
những đường phố Bắc phương cũng vậy, mọi thủ đô của thế giới văn minh
đồng chờ đợi sắc trắng chớp lóa của đóa bạch hồng hỏa ngục (3).
Tại Manhattan đây tôi sống một cuộc đời chật bó lạnh căm,
băng đóng quanh đế giày thấm xuyên qua nỉ vớ;
nơi sân sau rào kín cây cối cắn răng chịu ngọn gió tháng Hai,
bên dưới tầng đất cứng buốt như thép kia vài người bạn tôi
đang yên giấc. Và khi Xuân trở lại với trận mưa đâm đinh 
vào da thịt, với lớp tuyết bẩn tan thành từng vũng bùn đen,
dù có già thêm một mùa đông trái đất này vẫn chưa khôn lớn.

Giấy vụn giấy rách cuộn xoáy quanh viên tướng bằng đồng

4.   ở quảng trường Sheridan, mớ âm tiết của các tộc người phương Bắc

(tựa mụ phù thủy Phi châu rải bột trừ tà nơi ngưỡng cửa,
xưa kia người ta rắc muối ngập thành Carthage) (4);
như một ngôn ngữ bình thường, bông tuyết phấp phới
trên mũi môi tôi, và vần thơ hiện hình trong cửa miệng 
lạnh run của kẻ lưu lạc xa châu Phi nguồn cội;
mịt mù cơn bão mối quanh ngọn đèn tắt của vị tướng
thời Nội chiến, như mật đường dính chân nhớp nhúa xác côn trùng.

Anh men theo những buổi chiều âm u khi thần chết 
mở cửa taxi ngồi xuống cạnh một tên bạn,
hay đưa lưỡi dao cạo cho một người quen khác, hoặc thì thầm
xin lỗi đằng sau tiếng ho húng hắng trong cái quán bình dân.
Tôi thì đang nghĩ đến cuộc lưu đày xa hơn mọi thứ quê hương.
Và trong lòng cõi u minh này tôi không thể nào tin được rằng
có những kẻ đang chuyện gẫu cạnh bụi chuối bên bờ dậu
hay là còn có các vùng biển ấm trên quả địa cầu.

Xa biết chừng nào những bến tàu huyên náo
xây quanh tán thán từ đơn độc của pho tượng Nữ Hoàng!
Ở đó kên kên chao liệng trên mái chợ rỉ sét đỏ ối,
với giọng địa phương nghe rào rạo như cát lấp lánh trên sa thạch xám.
Tôi thích vẻ tươi rói mặn mà của sự ngây ngô ấy
hơn là ngôn ngữ cháy đen khô cứng dưới đáy nồi
của loại văn hóa nấu chín bởi tôi đến từ một nguồn khác
sống sượng nguyên sơ, và những ngày ở đây vào các quán sách

tôi đứng như tê dại trước hàng hàng ngăn kệ
tựa mớ cành nhành trên đó lũ hoàng oanh phá thể líu lo
“Đọc tôi đi! Đọc tôi đi!” bằng lắm thứ ngôn luật
rên rỉ cơn ho suyển; hoặc run lập cập trước các 
khổng quái gầm rống trong khi tuyết vẫn thả xuống
mặt đường Eight Street dòng chữ lạnh trắng,
những tâm hồn hung hãn húc tung mọi mâu thuẫn(5)
như lợn rừng càn rạp lau lách, như cá cháo già
tua tủa lưỡi câu gãy sứt trên mình, như con nai già
bị đám phê bình nịnh hót dồn lên mỏm đá lúc chiều tà,

và tiếng kêu của cặp sừng hóa làm đồ móc áo 
cho họ treo luận án. Tôi quá ngấy chữ nghĩa rồi!
Văn chương là chiếc ghế nệm cũ đầy rận rệp,
văn hóa là bộ lông thú nhét căng của kẻ nhồi da.
Nói về Âu châu tôi nghĩ đến cống rãnh ứ lá mùa thu
tựa mớ cảm tưởng mắc nghẹn trong cổ họng một bà lão.

Nhưng đó là quê nhà đối với vị lãnh sự công cán tận
tỉnh lẻ Phi châu trong bộ âu phục trắng tinh như tuyết,
và cũng gửi về thăm nhà những bức thư tương tự như tôi,
cũng sợ rét rừng như tôi nghi ngại màu tuyết âm u
khi nhìn cơn mưa thác đổ như mũi giáo tua tủa giữa đầm lầy (6).

Khi đời sống như thế một lần nữa hóa làm kiếp lưu đày,
khi sách, nhạc, công việc hoặc đàn bà --- không còn gì để giải khuây
và tôi đã chán dẫm lên thứ cỏ úa màu nâu
chẳng hiểu tên gọi ra sao mọc dài theo con dốc đá.

5.      

Quay lưng lại với con đường , xe cộ mùa đông,

Tránh đám người thuộc rành phương hướng giữa tối tăm

Tôi về nằm trên chiếc nệm lạnh trùm chăn
chịu trận sốt cúm trong xương bập bùng như ngọn bấc.

Dưới bầu trời Virginia xanh thẳm mùa đông
mấy ống khói gạch thổi trắng tỏa mấy thân đoạn gầy trơ
trong lúc con chó xù bới tung đống lửa lá đỏ bầm màu máu.

Nơi đây không có đài tưởng niệm Treblinka cho họ ---
Khi chiếc vận tải nhỏ chở giao bánh mì mới ra lò
nóng hổi như thịt da người, tiếng xe thắng rít cứa 
vào thính giác như một chữ vạn quay cuồng (7).

Chứng điên lịch sử phủ mờ cả thinh không quang đãng nhất,
một cái gì đang cháy khét, mùi vị tro quyến rũ buồn buồn.

Và khi nghe một giọng nói chậm chạp cuộn mình,
phản xạ tự động là nhảy né sang bên như đạp phải rắn
với sự hoang mang đầy nghi hoặc của kẻ nạn nhân.

Bóng ma đám kỵ mã áo trắng lênh đênh trên các tàn cây(8),
truy đuổi chủng tộc tôi nỗi thác loạn hãi hùng phi nước đại ---
như bất cứ đứa con nào của thời tứ tán tôi vẩn không quên 
điều ấy dù bông tuyết đang phủ trắng đôi vai tướng Sheridan
tôi nhớ lại có lần nhìn nét mặt bà cô mình
ngắm cặp mắt xanh lạnh lẽo, mái tóc màu hung sắc rỉ,
tôi nghĩ có thể chúng tôi mang một phần máu Do thái và 
cảm nhận sợi mạch xuyên qua trái đất quấn quanh cội rễ xa xưa
như một bàn tay nắm chặt, thôi thà tôi được đặc quyền thuộc về 
một chủng tộc bị ghét sợ hơn là đứng về phe sợ sệt và thù ghét

Bên trên cành nhánh guộc gầy, nền cỏ ối, cây cối trơ xương,


Các ống khói bình thản thổi một điệu Schubert nào đó ---

tựa vòng curon khói từ một người đang bị hỏa thiêu
dệt vào không khí một tiếng hét tôi khó lòng chế ngự.

Lộc non còn mai phục trong mớ nhánh trụi mùa đông,
thảo dã tháng Ba sẽ nổ bùng hoa củ nghệ,
từ các cánh rừng hè những sư đoàn ô liu sẽ quay về
chỉ huy ngọn gió. Trong đầu óc những người lính trận
mùa màng xoay quanh cực trái đất là chuyện kỷ luật nhà binh,
các vụ thảm sát mùa thu bị vùi dưới tuyết băng,
trong khi tiết đông khoác sắc trắng bệnh viện cựu chiến binh.

Một điều gì sâu xa hơn những cơn sốt thoáng qua của chúng ta---
có cái gì đó cựa động ngoài ý muốn trong huyết quản.

Nhưng trong mấy khu rừng Virginia còn có một ông già
dáng dấp bụi đời trong chiếc áo trận rách sờn thời Nội chiến(9)
vừa dạo bước vừa nghe lá cây ca hát,
và khi tôi nhận mớ tiền thối lại
cô thâu ngân tiệm thuốc tây tỉnh lẻ đã rút phắt mấy ngón
như thể da cô sẽ bị phỏng nếu chạm phải tay tôi.

Well,yes, je suis un singe, (10)

Tôi thuộc giống vượn người hăng tiết và sầu muộn,
cái bộ lạc sẽ còn làm ra âm nhạc cho cô trong nhiều mùa trăng nữa,
nhiều hơn đống bạc cắc ngổn ngang trong ngăn kéo đựng tiền.


CHÂN PHƯƠNG dịch và chú thích

Dù sáng tác từ khoảng một phần tư thế kỷ, bài thơ trên đây vẫn mang tính thời đại sâu rộng; đặc biệt sau các biến cố thời cuộc ở Pháp,Trung Đông và ngay tại nội địa Hoa kỳ mà các hình ảnh thảm thương từ các trận thiên tai vừa qua tiết lộ. Trong lúc tư bản toàn cầu rao bán sự đồng thuận Washington (Washington consensus), các hố sâu giữa Bắc-Nam, giàu-nghèo, trắng-đen …ngày nay vẫn còn nguyên, nếu không nói là trầm trọng thêm vì các chính sách cực hữu toàn cầu cộng với sự tiếp tay trá hình của những chế độ chính trị mafia.

1- Fort Charlotte là thành lính xưa của thực dân Pháp trấn giữ đảo Sainte Lucie, sau này bị Anh chiếm. Nhà thơ mượn hình tượng cờ trắng để nói về ngày tàn của đế quốc Anh. Sanite Lucie, nay gọi St Lucia, là quê hương của Derek Walcott.

2- “Delenda est Carthago” là mệnh lệnh của danh tướng la mã Scipio trong cuộc chiến Punic thề quyết “Tiêu diệt Carthago”.

3- Nhấn mạnh ý trên về hiểm họa chiến tranh hạt nhân với cộng sản, bài thơ này viết cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, nghĩa là vào cực điểm chiến tranh lạnh Reagan-Breznev.

4- Sau khi đánh bại Carthago quân La mã đổ muối vùi chôn thành phố, tiêu hủy sự sống của cả cây cỏ khi đã diệt sạch kẻ thù. Thi sĩ liên tưởng các hình tượng muối rắc, tuyết rơi,giấy rách cuốn bay để nhắc đến sự hưng vong của lịch sử.

5- Ở đoạn này và đoạn trên, nhà thơ phát biểu cảm tưởng về nền văn học bị thương phẩm hóa, nhân tạo và giả tạo của thứ ‘văn hóa nấu chín ‘ Hoa Kỳ với ‘đám hoàng oanh phá thể’ tiểu tư sản chen chúc bên cạnh ‘ các khổng quái’ như Faulkner, Hemingway, A. Miller… bị lối sống vật chất kiểu Mỹ dồn vào bế tắc.

6- Nhắc đến Caesar kéo quân sang chinh phục nước Anh vào đầu Công nguyên xa xưa. Thuở đó miền Nam nước Anh có nhiều đầm lầy úng ngập.

7- chữ Vạn là dấu hiệu quyền lực của Đức quốc xã đầy tham vọng. Đoạn này nói về các lò thiêu người Do thái như Treblinka ,và tội diệt chủng do Hitler và đảng Nazi thi hành.

8- Ai rành lịch sử Hoa kỳ đều nghe danh tổ chức KKK , đám ‘kỵ mã áo trắng’ chuyên lùng bắt giết hại dân da đen.

9- Có lẽ nhà thơ muốn gợi lại hình ảnh tổng thống Lincoln , người đã chính thức chấm dứt chế độ dùng nô lệ ở Mỹ dù phải chấp nhận cái giá đắt nhất về nhân mạng trong lịch sử chiến tranh của Hoa kỳ.
10 – Nguyên văn tiếng Pháp trong bài, nghĩa là: “Vâng, đúng vậy, tôi là con khỉ.”

No comments: