Ajahn Brahmavamso Mahathera ( Ajahn Brahm),sinh năm 1951, tại London, Vương quốc Anh .Ông là một tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy. Hiện nay là Viện Chủ Tu viện Bodhinyana, Serpentine, Western Australia, cha linh hướng của Hội Phật giáo Tây Úc, Cố vấn tinh thần cho Hội Phật Giáo Victoria, Cố vấn tinh thần cho Hội Phật Giáo Nam Úc, Quan Thầy tâm linh của Phật giáo Học bổng tại Singapore, Quan Thầy của các trung tâm Brahm tại Singapore, và bảo trợ tinh thần của Trung tâm Bodhikusuma tại Sydney.
69. Thầy phù thủy
Chuyện kể dưới đây là một sự thật về trí tuệ siêu việt của Ajahn Chah:
Ông cả của một làng nọ cùng với vị phụ
tá hớt hơ hớt hải chạy đến liêu Ajahn Chah để thỉnh ý Thầy. Số là trong
làng nọ có một phụ nữ bị ma hành quỷ ám rất nặng từ đêm hôm qua. Họ xin
đưa bà đến để nhờ thầy chữa trị. Bà đang la hét và tiếng bà nghe oang
oác khắp xóm.
Ajahn
Chah gọi bốn chú tiểu, bảo hai chú đi nấu một chảo nước sôi còn hai chú
kia đi đào một cái hố gần liêu của thầy. Không ai biết thầy định làm
gì!
Bấy
giờ bà được đưa vào tự viện. Bà tiếp tục chửi bới thô tục bất kể chốn
tôn nghiêm và giãy giụa như con cọp sa bẫy phải cần tới bốn nông dân lực
lưỡng mới kiềm giữ bà được.
Thấy
bà, Ajahn Chah bảo các chú tiểu đào hố và nấu nước sôi nhanh lên. Lời
hối thúc của thầy làm các sư trong tự viện và nông dân đi theo bà quýnh
lên và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Lúc
họ đưa bà vô cốc của Ajahn Chah, bà đã sùi bọt mép, mắt bà đỏ ngầu và
nhìn trừng trừng, mặt bà nhăn nhó dị thường và miệng bà không ngớt rủa
sả Ajahn Chah. Bà điên rồi! Phải thêm nhiều người nữa tiếp tay mới giữ
được bà.
“Hố
đào xong chưa? Nhanh lên! Nước sôi chưa? Chụm thêm củi, mau lên!” Ajahn
Chah gọi lớn át tiếng của bà điên. Rồi Ngài la lớn, “Phải thảy bà xuống
hố, đổ nước sôi lên bà và chôn bà. Chỉ có cách này mới trừ được tà ma
đang quấy phá bà mà thôi. Hãy nhanh lên, nhanh lên!”
Kinh
nghiệm cho biết không ai có thể đoán được ý định của Ajahn Chah. Ngài
là một nhà sư rất lạ đời. Các nông dân đinh ninh Ngài sẽ làm như Ngài
nói. Bà điên cũng nghĩ vậy nên bắt đầu có dấu hiệu bớt bạo động. Bà ngồi
xuống, im lặng và mệt nhừ. Ajahn Chah ra dấu như làm phép cho bà. Và bà
được đưa về, hết bệnh. Hay tuyệt!
Ajahn
Chah cho biết dầu có bị tà ma nhập hay điên điên khùng khùng gì, con
người lúc nào cũng sẵn có bản năng tự vệ trong nội tâm. Ngài đã khéo léo
khai thác điểm này: Ngài để sự sợ hãi cái đau đớn (vì nước sôi) và cái
chết (bị chôn sống) đánh đuổi các tà ma (hay sự điên khùng cũng thế) ra
khỏi bà.
Đó là trí tuệ: trực giác, không thể đoán trước và không lặp lại hai lần.
70. Cái lớn nhất thế gian
Đứa
con gái của một bạn học cũ vừa đủ năm tuổi và vào lớp 1. Thầy giáo của
lớp cháu hỏi các học trò tí hon của mình, “Cái gì lớn nhất trên thế gian
này?” Một bé nhanh nhẩu đáp:
“Ba con.”
“Coi voi,” là câu trả lời của một bé trai mới đi sở thú hồi cuối tuần.
“Núi.”
“Mắt con lớn nhất thế gian”, cháu gái của bạn tôi nói.
Cả lớp im lặng suy nghĩ câu trả lời vừa rồi. Cả thầy giáo cũng phải nhíu mày, thầy hỏi, “Tại sao con nghĩ như vậy?”
Nhà triết học tí hon của chúng ta chậm rãi giải thích:
“Thưa
thầy, mắt con có thể thấy ba của bạn con, thấy con voi, thấy trái núi
và các thứ khác. Vì mắt con có thể chứa đựng tất cả, mắt con lớn nhất
thế giới.”
Trí tuệ không thể học mà có; trí tuệ thấy được rõ ràng cái không thể dạy.
Tôi khâm phục cháu bé, con của bạn tôi. Tôi chỉ xin nói thêm rằng không phải mắt mà tâm là vật lớn nhất trên đời.
Tâm
nhìn thấy được tất cả những gì mắt thấy và cả những gì do tưởng tượng
cung cấp. Tâm còn biết được âm thanh và xúc giác mà mắt không thấy. Tâm
biết luôn thế giới ngoài năm giác quan. Lý luận như cháu bé nói trên,
tâm chứa tất cả nên tâm lớn nhất thế gian này vậy.
71. Tâm ở đâu?
Nhiều
bác học và học trò của các ông khẳng định rằng tâm chỉ đơn thuần là một
phụ phẩm của bộ óc. Tôi thường được thính chúng hỏi, “Tâm có thật
không? Nếu có thật, tâm ở đâu? Trong hay ngoài thân thể (sắc)? Hay ở
cùng khắp mọi nơi?”
Để trả lời, tôi chỉ dùng thí nghiệm sau:
Tôi đề nghị: “Ai hiện đang vui vẻ, hạnh phúc
xin giơ tay mặt lên. Ngược lại xin giơ tay trái vậy.” Hầu hết đưa tay
mặt lên - một số thật tình đang vui, số còn lại vì tự ái.
Tiếp
theo tôi nói: “Ai đang hạnh phúc, xin dùng ngón tay trỏ mặt chỉ điểm
hạnh phúc của mình. Ngược lại, xin dùng ngón tay trỏ trái vậy.”
Thính
chúng bắt đầu chỉ lên, chỉ xuống rồi nhìn trái, nhìn phải xem bạn mình
làm gì. Họ bối rối thấy rõ. Chừng hiểu ra ai cũng bật cười.
Hạnh
phúc cũng như đau khổ có thật, không ai chối cãi. Nhưng không ai biết
chúng nằm ở đâu, trong hay ngoài thân thể này. Lý do là vì hạnh phúc hay
đau khổ là những đặc trưng của tâm. Chúng thuộc tâm như hoa thơm, cỏ
dại thuộc ngôi vườn. Có hoa có cỏ chúng ta mới biết có ngôi vườn. Cũng
vậy, có hạnh phúc có đau khổ chúng ta mới biết có tâm. Tâm có thật nhưng
không ở trong thế gian ba chiều. Biết rằng tâm lớn nhất thế gian - tâm
không thể được thu gọn trong thế giới ba chiều mà ngược lại, thế giới ba
chiều nằm trong tâm. Tâm chứa cả vũ trụ.
72. Khoa học
Tôi
theo khoa học trước khi làm sư. Tôi tốt nghiệp Vật lý lý thuyết tại đại
học Cambridge, Anh quốc. Tôi nhận thấy khoa học và tôn giáo có nhiều
điểm tương đồng, mà giáo điều là một. Tôi còn nhớ rất rõ ràng câu nói
đầy hình ảnh mà tôi nghe được lúc ngồi trên ghế nhà trường: “Danh tiếng
của một nhà khoa học lớn được đo bằng thời lượng mà ông hay bà ấy đã cản
trở tiến trình của ngành mà ông hay bà ấy đang nghiên cứu.”
Trong
một cuộc tranh biện về khoa học và đạo giáo mới đây tại Úc Châu, tôi có
nhận được một câu hỏi hóc búa của một thính giả như sau: “Lúc nhìn qua
viễn vọng kính thấy sao đẹp trên trời, tôi luôn luôn có cảm tưởng đạo
tôi (đạo thiên chúa) đang bị đe dọa.” Tôi đáp rằng: “Thưa bà, khi nhìn
ngược ống viễn vọng kính từ đầu lớn ra đầu nhỏ để nhìn người đang nhìn,
khoa học bị đe dọa!”
73. Khoa im lặng
Có lẽ chúng ta nên ngưng sự tranh cãi tại đây là hơn. Ngạn ngữ phương đông có nói, “Người biết không nói; người nói không biết”
Câu nói trên có vẻ uyên thâm cho đến khi bạn tìm ra người nói, thật sự là không biết!
74. Tin tưởng mù quáng
Tuổi
già đến, mắt phải mờ, tai phải điếc, tóc phải bạc, răng phải long, chân
phải yếu và tay phải run; chỉ có miệng là khỏe, càng ngày càng nói
nhiều. Đó cũng là lý do tại sao ta thấy chánh khách ngày càng lớn tuổi
càng hay nói.
Ngày
xưa có một nhà vua không quyết định được việc triều chính vì mỗi năm
khi lâm triều bá quan văn võ đua nhau tranh nói và ai cũng bảo mình
đúng. Hôm nọ triều đình có tổ chức một lễ hội có đầy đủ trò vui chơi.
Nhà vua cho đem vào một con voi và bảy người mù bẩm sinh. Đích thân nhà
vua nắm tay mỗi người mù để họ rờ voi, và mỗi người rờ một phần của con
voi. Xong, Ngài hỏi cảm tưởng của mỗi người: voi có hình dáng như thế
nào?
“Theo sự hiểu biết chuyên môn của tôi,” người sờ vòi nói, “Con voi là một con trăn thuộc loài Python asiaticus”
“Tầm
phào!”Người rờ ngà chê và giải thích, “Voi cứng như vậy làm sao là trăn
được. Tôi chưa bao giờ nói sai và xin khẳng định nó giống tay cày của
nông dân ta.”
“Lố bịch,” người rờ tai voi cười khẩy vừa nói, “Giống cái quạt lá cọ.”
“Thiệt là đồ khùng,” người rờ mình cười lớn, đắc ý nói, rõ ràng giống cái thùng bự.”
“Tất cả đều là đồ ngốc,” người rờ đầu huênh hoang nói, “giống một khối đá lớn.”
“Khoác lác!” người rờ chân la lớn, “Giống thân cây.”
“Toàn thứ dốt,” người rờ đuôi bĩu môi nói, “Nghe tôi đây nè, nó giống cây phất trần. Tôi đã rờ và biết chắc như vậy”
Bảy
người mù rờ voi bắt đầu cãi vã, rồi chửi bới và sau cùng đi đến ẩu đả.
Họ chửi nhau vì tự tin - tin mình trúng và vì sự thật - sự thật của
riêng mình.
Trong
lúc quân ngự lâm ngăn can đám mù, các đại quan cảm thấy nhục nhã và cúi
đầu. Mọi người có mặt đều hiểu ẩn ý của “tấm hài kịch” và không quên
chế nhạo các đại thần. (viết theo Kinh Phật Tự Thuyết, Udana, chương 6, số 4)
Mỗi
người chúng ta chỉ biết được một góc nhỏ của sự thật. Nếu căn cứ vào
góc nhỏ ấy để nói rằng đó là sự thật, chúng ta không khác nào như người
mù rờ voi.
Thay
vì tự tin mù quáng, chúng ta nên chia sẻ. Ẩn dụ trên cho thấy nếu bảy
người mù chia sẻ kinh nghiệm mình, họ có thể đi đến kết luận là con voi
giống như một cái thùng rất to đặt trên bốn gốc cây lớn với cây phất
trần gắn phía sau và một tảng đá ở phía trước. Tảng đá có con trăn dài
quấn tòn ten đằng đầu, hai cây quạt lá cọ phất phất hai bên hông và hai
cán cày đâm xuống đất. Mô hình này không đến nỗi tệ, ít ra cũng giúp cho
người chưa bao giờ thấy con voi có khái niệm về con voi như thế nào.
No comments:
Post a Comment