CHÂN
PHƯƠNG, LỮ KHÁCH BLUES
TRONG THƠ ĐƯƠNG ĐẠI
Buồn.
Đó là chuyện muôn đời của thi sĩ. Đông hay Tây, kim hay cổ.
Cảm
giác không gian bao la, một sinh thể nhỏ bé mong manh mang tên con người trôi
bềnh bồng trên mặt đất mong manh đang bềnh bồng trôi, Huy Cận cảm được nỗi lạnh
và, buồn. Trực cảm trời đất vô cùng, xa và dài là thời gian, Trần Tử Ngang buồn
rơi nước mắt. Tiễn người, khi tàu đi bỏ lại sân ga chênh vênh một góc trời,
Hoài Khanh đối mặt với khoảng trống cô đơn – buồn. Xa, buồn tha phương của Thôi
Hộ; gần hơn, buồn không hiểu vì sao buồn của Xuân Diệu. Thi sĩ nòi nhạy cảm với
thân phận, buồn chưa bao giờ làm vắng mặt suốt hành trình thơ của họ.
Đó
là buồn của đời xưa, thời xưa. Cảm nhận khoảng cách, xa hay gần, dài hay ngắn,
là điều dễ nhận thấy. Nhưng thời nay đã khác. Thi sĩ hiện đại bị bó hẹp trong
không gian chật chội, đến như là không có khoảng trống, dù bé nhỏ và riêng tư
nhất. Căn nhà đầy tiện nghi chưa bao giờ biết đủ này chật hẹp thì đành, phố xá
đèn đường, bảng hiệu, người xe như nêm chật ních đã đành, cả châu Âu mênh mông
kia bây giờ cũng không chừa khoảng trống cho tâm hồn được thanh thản. Di cư tìm
đất lạ náu thân, càng vô ích. Bởi cả thế giới cũng đang trở nên rất chật hẹp.
khách
điếm tầng cao
những
chân trời lạ
canh khuya hao mòn
từng
cơn say cô đơn
trăng tròn Athena
rằm Luân Đôn
chuyến
tàu ngày đêm quanh quẩn Âu châu
(“Lữ khách Blues”, Vết Chồn Hoang
giã
từ biên giới này bắt tay màu cờ khác
đổi
tiền nước này xài tiền nước khác
không
đổi
được
nỗi
sầu
(“Lữ khách Blues”, Vết Chồn Hoang)
sĩ buộc phải ở lại để chịu đựng sự cô độc tê hại. Không phải cô đơn mà là, cô
độc. Huy Cận “chia biệt người xa từng xứ cô đơn”vẫn còn thơ mộng, lãng mạn quá.
Ngay đến Nguyễn Đức Sơn: “Đây với đó chỉ dựng chòi cô độc”, ta vẫn thấy sự chủ
động của đối thể: Con người ích kỉ hay kiêu ngạo, đã tự dựng hàng rào phân cách
với nhau và thế giới bên ngoài. Thời hiện đại, Chân Phương đã rất khác - cô đơn
và cô độc ở trong thế buộc. Thi sĩ không có chọn lựa. Hắn bị cầm tù chung thân
trong một thế giới thù nghịch bất khả vượt thoát, ở đó mọi hoạt động và nỗ lực
đều trở nên vô nghĩa. Các cuộc thay đổi hay cách mạng chỉ xảy ra lớt phớt ngoài
rìa, như là một màn diễn tồi.
kéo màn hạ màn
dăm đoạn kịch tồi
đã làm hỏng mẹ cuộc đời
(“chuyện phào”)
Con
người sinh ra để chết, là sự phi lí của định phận: phi lí siêu hình. Sự phi lí
càng bị đẩy đến tận cùng khi con người tiếp tay định mệnh ra sức triệt tiêu con
người. Triệt tiêu tâm hồn, tinh thần và thể xác. Tàn bạo và phi nhân đến vô
phương cứu chữa, khi nó có hệ thống, và đầy tính toán. Khi các cuộc cách mạng
nhân danh chủ nghĩa và ý thức hệ, nhân danh đạo đức, luân lí, truyền thống, dân
tộc, văn minh, tự do dân chủ và công lí. Con người nhân danh tình thương và lòng
bác ái, để tàn bạo.
tôi ký tên tán thành phòng giam có trang bị hơi ngạt
tôi ký tên quyên góp nhẫn cưới của vợ chồng tôi
tôi ký tên ưng thuận cho kỹ nghệ xà phòng sử dụng mỡ của tôi với con tôi
tôi ký tên bằng lòng cho công nghiệp mỹ phẩm khai thác hàm răng mái tóc vợ tôi
tôi ký tên phấn đấu cho ban điều hành trại được vui lòng
tôi ký tên sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn hơn
tôi ký tên và vận động mọi người cùng ký
(“tôi ký tên”, Chú Thích Cho Những Ngày Câm Nín)
Trước
lạnh lùng của vũ trụ, sự phi nhân của con người, sự phi lí của định mênh, nghệ
sĩ ảo vọng tìm lối thoát trong nghệ thuật. Hi vọng nghệ thuật cứu chuộc con
người, hay ít ra nó cũng là nơi ẩn trú cho một tâm hồn cô đơn. Nhưng không.
Trong thế giới chật ních này, không còn nơi chốn an bình cho cá thể tìm gặp cá
thể, tâm hồn tìm đến tâm hồn. Nghệ sĩ đã mất tự do toàn phần trong cuộc sống
hiện đại. Nổi tiếng và được tôn vinh trên các phương tiện thông tin đại chúng
không khỏa lấp nỗi trống vắng. Lắm lúc nó còn làm tù ngục thui chột những đọt
mầm sáng tạo. Trong thế giới phi nhân này, nghệ thuât không là gì cả. Thơ bất
lực và ngôn ngữ bất lực.
chữ lời và im lặng
Ảo vọng về sự vĩnh cửu của nghệ thuật càng vô nghĩa và cũng chẳng an ủi nổi ai. Ngay một nơi chốn được cho là dễ tìm thấy sự đồng cảm hơn cả: tình yêu, đó cũng là một bất hạnh mang hình hài khác.
hạnh phúc đi vớt rong bên ghềnh bão
bằng nẻo trăng mờ nào vĩnh viễn xa nhau ?
(“ý nghĩa của em và biển”, Biển là Một Tờ Kinh)
Cảm
thức hiện đại gần như xuất hiện đủ đầy và xuyên suốt các sáng tác của Chân
Phương. Nhưng khác với nhiều nhà thơ hiện đại, Chân Phương không bị ẩn dụ và
“tính trí thức” bí bức trong vòng quẩn khó hiểu và tối nghĩa của thơ. Vẫn hình
thức phân mảnh và không liên tục, tính tự phát và ngẫu hứng được đẩy tới, nhưng
đằng sau sự đứt quãng và rời rạc trong thơ anh vẫn hiện diện vô hình dấu kết
nối để người đọc có thể ráp nối chúng qua ngôn từ chắt lọc không quá xa cách và
thi ảnh gần gũi đời thường, từ đó tạo sự hiểu và đồng cảm.
Ít
ra cũng với kẻ cùng hội cùng thuyền. Có trải nghiệm nỗi tha phương thế nào mới
hiểu và cảm thông được Nh. Tay Ngàn như Chân Phương đã cảm và hiểu.
“Hơn
cả Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng… còn có thân nhân, đồng bào khi hoạn nạn, Nh. Tay Ngàn
hoàn toàn tứ cố vô thân ở Pháp trong những năm tháng túng thiếu, nghiện ngập,
lao phổi, điên khùng… Không hiểu những bóng hình phụ nữ (gái Việt, đầm Pháp,
đàn bà Tây ban nha) trong những trang bản thảo của ông có an ủi, khỏa lấp được
chút nào niềm tuyệt vọng và ám ảnh hư vô chủ nghĩa đã thấm vào máu thịt nhà
thơ?”
(Chân Phương, “Một vệt sao mờ”, viết về thi sĩ Nh. Tay Ngàn)
Chân
Phương đã đặt câu hỏi như thế về một nhà thơ bất hạnh trước anh. Còn anh, hình
bóng nữ nào, trang bản thảo nào có thể an ủi khỏa lấp buồn anh, hôm nay?
mọi tọa độ và địa chỉ cũng đã thất lạc lâu rồi
(“chuyện phào”)
Sinh tại Nam Vang, Cambốt; sống ở Boston, Hoa Kì, viết bằng tiếng Việt, các trang viết này rồi sẽ có ai nhớ? “Thôi sắp bốn mươi đến nơi/ hơi đâu lo chuyện xếp câu đặt lời” (“chuyện phào”). Nhưng nghĩa vụ của thi sĩ là viết. Dù thế giới sắp đổ rụm ngày mai. Ta vẫn viết. Không mơ mộng không hi vọng.
Cả
tôi nữa. Sinh ở Chakleng - Phan Rang, sống Sài Gòn, viết cả tiếng Chăm lẫn Việt
Nghiên cứu, sưu tầm và dịch thuật, làm thơ và viết văn. Tôi biết, mớ công trình
văn học và ngôn ngữ dày cộm này, mấy tập thơ mỏng tang kia, một ngày nào đó sẽ
bị lãng quên. Có thể ngay hôm nay chẳng ma nào quan tâm đến nó nữa, không
chừng. Nhưng tôi vẫn trì trì miệt mài trình bày nền văn chương đang nguy cơ
trầm một này đến thế giới bên ngoài; kiên nhẫn phận sự canh giữ ngôn ngữ dân
tộc bằng “chơi trò ráp chữ, xếp câu đặt lời”.
Con
người trong thế giới hiện đại luôn bị đánh bật khỏi gốc rễ và chịu phận lưu
đày. Nhất là nhà thơ. Lưu đày khỏi quê cha đất tổ, khỏi tiếng mẹ đẻ, khỏi bổn
phận canh giữ. Cả khi ta vẫn ở lại quê hương, vẫn viết bằng tiếng mẹ đẻ, ta cứ
phận lưu đày. Ta bị lưu đày khỏi bản thể mình. Đó là một thứ lưu đày tinh thần,
lưu đày tâm linh spiritual exile.
Thi
sĩ muôn đời không “thoát khỏi diện tích chiếc giày lấm bụi” (“chuyện
phào”), dù bạn sống bất kì đâu, bất kì thời đại nào, chế độ chính trị nào.
Chiếc giày lấm bụi đeo bám bạn, như là định phận. Nghịch cảnh buộc bạn lưu đày
đã đành, có khi chính bạn chọn định phận lưu đày. Chủ động lưu đày, như là một
phản kháng lại định mệnh:
đế
giày lại kết bạn với bàn chân
(“Đêm ở Marseille”, Vết Chồn Hoang)
Thi
sĩ đẩy mạnh cánh cửa để bước ra, làm cuộc lưu đày một lần và muôn ngàn lần nữa.
Để qua lưu đày L’Exil – đây là hi vọng cuối cùng của bạn – bạn tìm thấy
quê nhà le Royaume. Bởi dấu chân hay vết tích rơi rớt nơi vô trụ xứ cũng
là cơ duyên của câu kinh hoặc bài thơ.
tay
phải nắm vỏ sò biển thái bình
tay
trái lần sỏi cuội đại tây dương
ngày
nhìn sóng bạc
tối
ngắm đá đen
miệng
lầm bầm
sự
phá sản của mọi thần chú
xếp
bằng thế hoa sen
luyện
tối hậu công phu
cõi
lòng trống hoát mênh mông
bao
nhiêu sầu não lênh đênh
vẫn
thừa chỗ chứa
(“Phù thủy ca”, Vết Chồn Hoang)
Sài
Gòn, Ba mươi Tết
2009.
No comments:
Post a Comment