Văn chương kể lại sự thật
Julian
Patrick Barnes (sinh 19 tháng 1 năm 1946 tại Leicester) là một nhà văn
Anh đương đại độc đáo. chúng tôi xin trích dịch cuộc trò chuyện giữa Barnes và Shusha Guppy để
hiểu rõ hơn những quan niệm về nghề của nhà văn Anh này. Cuộc phỏng vấn
được đăng trên tạp chí The Paris Review, số Mùa Đông năm 2000, No 165.
***
* Shusha Guppy: Sartre từng viết một tiểu luận có tên Qu’est-ce que la littérature (Văn chương là gì)? Với ông, văn chương là gì?
-
Barnes: Có rất nhiều câu trả lời. Nói ngắn gọn nhất, văn chương là cách
tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra những lời nói dối
lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ mớ dữ kiện
thực tế nào. Ngoài ra, văn chương có thể là rất nhiều thứ, chẳng hạn như
niềm khoái cảm trong ngôn ngữ, sự chơi với ngôn ngữ; nó cũng là một
cách thức gần gũi đến kỳ lạ để giao tiếp với những người mà anh sẽ chẳng
bao giờ gặp mặt. Trở thành một nhà văn mang lại cho anh ý thức về cộng
đồng lịch sử, điều mà tôi thấy đang tồn tại khá yếu ớt trong con người
xã hội bình thường ở nước Anh đầu thế kỷ XXI. Ví dụ, tôi chẳng hề cảm
thấy bất kì mối ràng buộc đặc biệt nào với thế giới của Nữ hoàng
Victoria hay với những người can dự vào Nội chiến Anh hoặc Cuộc chiến
Hoa hồng, nhưng lại cảm thấy rất rõ một sự ràng buộc rất đặc biệt ở
nhiều nhà văn và nghệ sĩ với những giai đoạn, những sự kiện đó.
Shusha Guppy: Ông có ngụ ý gì khi nói “văn chương kể lại sự thật”?
Barnes:
Tôi nghĩ một cuốn sách vĩ đại – bỏ qua những phẩm chất khác như nghệ
thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật, phong cách v.v… – là một cuốn sách
mô tả thế giới theo một cách thức chưa từng có; và người đọc nhận thấy
nó đã nói lên những sự thật mới – về xã hội, hay về con đường mà đời
sống tình cảm được dẫn dắt, hoặc là cả hai – những sự thật chưa từng có,
chắc chắn không phải đến từ những hồ sơ pháp quy hay các văn bản chính
phủ, hay từ báo chí hoặc ti vi. Ví dụ, ngay cả những người lên án Bà Bovary, cho rằng cuốn sách cần bị cấm, cũng phải công nhận sự chân thực
của bức chân dung về kiểu phụ nữ ấy, trong kiểu xã hội ấy mà trước đó
họ chưa từng gặp trong văn chương. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết lại
nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng ở văn chương, có một sự thành thực tối cao,
mang ý nghĩa tiên phong, điều làm nên sự lớn lao của nó. Hiển nhiên điều
này ở mỗi xã hội là khác nhau. Trong một xã hội áp bức, sự thật mà văn
học muốn nói lên thuộc về một trật tự khác, và đôi khi nó còn được đánh
giá cao hơn những thành tố khác trong một tác phẩm nghệ thuật.
S.Guppy: Văn
học có thể có rất nhiều hình thức: tiểu luận, thơ ca, hư cấu, báo chí,
tất cả chúng đều nỗ lực để nói lên sự thật. Ông từng là một cây bút tiểu
luận và là nhà báo có tài trước khi bắt đầu viết tiểu thuyết hư cấu.
Tại sao ông lại chọn văn chương hư cấu?
Barnes:
Nói thành thật thì tôi nghĩ khi viết báo, tôi nói ra ít sự thật hơn là
khi viết tiểu thuyết. Tôi vừa viết văn vừa viết báo và thích thú với cả
hai, nhưng nói trắng ra, khi anh viết báo, công việc của anh là đơn giản
hóa thế giới, khiến nó trở nên dễ hiểu ngay trong một lần đọc; còn khi
sáng tác văn chương hư cấu, công việc của anh lại là phản ánh trạng thái
phức tạp của thế giới một cách trọn vẹn nhất, là nói ra những điều
không thể hiểu thẳng tuột như khi anh đọc những bài báo tôi viết, là tạo
nên thứ mà người ta hi vọng có thể bộc lộ những lớp sâu hơn của sự thật
ở lần đọc thứ hai.
S.Guppy: Metroland
có tính chất tự truyện khá rõ ràng, giống như hầu hết những sáng tác
đầu tay. Có phải ngay từ đầu ông đã định viết theo cách đó không?
Barnes:
Tôi không chắc lắm. Tất nhiên phần đầu tiên của cuốn sách có mối liên
hệ gần gũi với thời thiếu niên của tôi, đặc biệt là không gian diễn ra
sự kiện và tâm lý nhân vật. Sau đấy tôi bắt đầu hư cấu và nhận ra mình
có thể làm được. Phần thứ hai và thứ ba chủ yếu là hư cấu. Có một chi
tiết lý thú thế này- năm năm trước, khi cuốn sách của tôi được xuất bản
tại Pháp, tôi được một đoàn làm chương trình truyền hình của Pháp đưa
đến một địa điểm nào đó ở phía Bắc Paris để thực hiện phỏng vấn. Họ ngồi
với tôi trong công viên – tôi nghĩ chỗ đó là công viên Parc de
Montsouris, ít nhất là nó cũng chả quen thuộc gì với tôi cho lắm. Thế là
tôi hỏi họ, “Tại sao các anh lại phỏng vấn tôi ở đây?” và họ nói, “Vì
chỗ này, theo như sách của ông, chính là nơi ông mất tân”. Đúng là kiểu
Pháp! “Nhưng tôi chế ra hết đấy”, tôi trả lời, và họ rất kinh ngạc. Thật
là thú vị, bởi cuốn sách khởi đầu chủ yếu bằng phương thức tự thuật, đã
chuyển sang hư cấu mà chẳng có bất kỳ ai để ý đến điều đó.
S.Guppy: Chuyển sang sự hư cấu như vậy, ông hi vọng đạt tới điều gì? Ông muốn truyền đạt điều gì trong cuốn tiểu thuyết ấy?
Barnes: Metroland là
câu chuyện về sự thất bại. Tôi muốn viết câu chuyện về khát vọng tuổi
trẻ cuối cùng đi đến một kết cục thỏa hiệp như thế nào. Tôi muốn viết
một tiểu thuyết nằm ngoài truyền thống của Balzac, nghĩa là, thay vì kết
thúc với người hùng đứng trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố mà anh ta
biết, hay ít nhất là tin rằng, mình sẽ chinh phục nó, cuốn sách lại kết
thúc với nhân vật phi anh hùng chẳng hề chinh phục được thành phố mà chỉ
có thể chấp nhận những luật lệ của thành phố đó.
Ẩn
dụ trung tâm của tác phẩm là Metroland – một khu dân cư được hình thành
vào thời kỳ hệ thống tàu điện ngầm phát triển vào cuối thế kỉ 19 ở
London. Ý tưởng của tôi là có một đường hầm nối, và những chuyến tàu
xuyên Châu Âu sẽ chay từ Manchester và Birmingham, đón khách tại London
và tiếp tục đi qua những thành phố lớn của châu lục. Vậy nên vùng ngoại ô
London này, nơi tôi lớn lên, đã được hình dung trong hy vọng, trong
khao khát về những chân trời rộng mở, những hành trình vĩ đại. Nhưng
thực tế thì hy vọng đó chưa bao giờ thành hiện thực. Đó chính là nền
tảng của cuốn sách: ẩn dụ về sự tuyệt vọng của Chris, nhân vật chính
trong tác phẩm, và của cả những nhân vật khác nữa về cuộc đời.
S.Guppy: Balzac
không phải là hình mẫu tiểu thuyết gia mà ông hướng đến. Dường như ông
phải lựa chọn giữa Balzac và Flaubert hơn là giữa Tolstoy và
Dostoyevsky. Alain Robbe-Grillet không thích Balzac vì ông ấy nghĩ rằng
thế giới của Balzac quá trật tự và gắn kết; trong khi thế giới của
Flaubert phản ánh bản chất hỗn loạn, bất khả đoán của thế giới. Ông có
cảm thấy như vậy không?
Barnes:
Nếu thế giới này bị phân chia thành một bên là kiểu Balzac còn một bên
là kiểu Flaubert, thì tôi thuộc về thế giới thứ hai. Một phần là bởi ở
thế giới theo kiểu Flaubert, tính nghệ thuật nhiều hơn. Theo cách nào đó
thì Balzac là một tiểu thuyết gia tiền hiện đại. Bà Bovary lại
là tiểu thuyết đích thực đầu tiên của thời hiện đại, ý tôi là cuốn tiểu
thuyết đầu tiên được viết liền mạch. Vào thế kỉ 19, rất nhiều tiểu
thuyết, đặc biệt là ở Anh, được xuất bản dưới hình thức truyện dài kì
trên tạp chí; tác giả viết tiểu thuyết tình trạng luôn bị người của
xưởng in thúc đòi bản thảo. Một tiểu thuyết Anh có phẩm chất tương tự
như Bà Bovary nhưng có cấu trúc và kết cấu thô sơ hơn là cuốn
Middlemarch của George Eliot. Điều này, theo tôi, là vì tác phẩm của
Eliot được cấu trúc theo hình thức truyện dài kỳ. Tôi chắc rằng về khả
năng mô tả xã hội thì Balzac và Flaubert hoàn toàn ngang hàng nhau. Thế
nhưng, về mặt xử lý nghệ thuật (artistic control) – bao gồm khả năng
kiểm soát giọng trần thuật và sử dụng hình thức đối thoại gián tiếp tự
do – Flaubert là người mở ra một lối viết mới. Ông như muốn nói : “Nào,
giờ thì chúng ta bắt đầu lại từ đầu”.
S.Guppy: Một hình thức mới khá thời thượng là lấy một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử và dựng lên một đài hư cấu xung quanh nó. Ví dụ như The Blue Flower [Bông hoa xanh] của Penelope Fitzgerald, dựa trên cuộc đời của Novalis, hay cuốn sách đoạt giải Prix Goncourt năm ngoái, La Bataille [Trận đánh], dựa trên trận Evleu của Napoleon. Phải chăng ông là người khởi đầu cho kiểu viết này với cuốn Flaubert’s Parrot [Con vẹt của Flaubert]?
Barnes: Hay có lẽ Flaubert mới là người mở đầu khuynh hướng này với Salammbô?
Hay Walter Scott?…Với câu hỏi của anh, tôi muốn nói thế này: tôi không
hư cấu hóa Flaubert. Tôi cố gắng tái tạo chân thực hình ảnh của ông ở
mức cao nhất.
Chắc
chắn tiểu thuyết dựa trên sự kiện lịch sử đang là một khuynh hướng văn
học tại thời điểm này. Tuy vậy nó không phải là quá mới. John Banville
đã viết về Kepler nhiều năm trước. Gần đây hơn có Peter Ackroyd viết về
Chatterton, Hawksmoor và Blake. Blake Morrison vừa mới xuất bản một tiểu
thuyết về Gutenberg. Tôi nghĩ sự nổi lên của khuynh hướng này một phần
nhằm thỏa mãn nhu cầu “lấp chỗ trống”. Đối với người đọc phổ thông,
nhiều tác phẩm lịch sử nặng tính lý thuyết và quá mức hàn lâm. Các sử
gia tin vào thứ đức hạnh tưởng tượng của tự sự, nhân vật, phong cách
v.v… như Simon Schama là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các sách tiểu sử
cũng rất phổ biến. Đấy có lẽ là chỗ mà phần độc độc giả của thể loại văn
chương phi hư cấu muốn ghé vào, thế nên các tác giả của loại tiểu
thuyết tiểu sử chỉ cần lang thang ở góc phố, hi vọng cám dỗ được vài độc
giả đức hạnh phá giới .
S.Guppy: Nhưng tiểu thuyết lịch sử theo kiểu truyền thống –như The King Must Die [Nhà vua phải chết] của Mary Renault, một trường hợp điển hình – vẫn bị xem là cuốn sách ba xu đấy thôi.
S.Guppy: Có phải ông định nói mình thuộc về truyền thống hiện thực chủ nghĩa?
Barnes:
Tôi luôn thấy mấy cái nhãn hiệu thật vô nghĩa và khó chịu – dù thế nào
đi nữa thì chúng ta cũng đã cạn kiệt những nhãn hiệu kể từ sau chủ nghĩa
hậu hiện đại. Một nhà phê bình từng gọi tôi là “tiền-hậu hiện đại” –
theo tôi thì nó không rõ ràng và chẳng có ích lợi gì. Tiểu thuyết, về cơ
bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả khi nó được diễn dịch
theo phương thức kỳ ảo nhất. Tiểu thuyết không thể trừu tượng như âm
nhạc được. Có lẽ nếu tiểu thuyết bị ám ảnh bởi lý thuyết (như Tiểu
thuyết Mới ở Pháp) hay trò chơi ngữ nghĩa (xem Finnegans Wake), nó có thể thôi không còn hiện thực nữa, nhưng như thế đồng thời nó cũng không còn thú vị nữa.
S.Guppy: Điều
này dẫn chúng ta đến câu hỏi về hình thức. Ông từng nói rằng sẽ cố gắng
làm cho mỗi tác phẩm của mình trở nên khác biệt. Khi ông phá vỡ khuôn
thước của tự sự truyền thống, tôi cảm giác ông phải thay đổi không ngừng
– ông không thể cứ liên tục, nói thế nào nhỉ, tìm những nhân vật và sự
kiện lịch sử mới và dựng những câu chuyện xung quanh chúng như thế được.
Barnes:
Có thể chứ. Tôi nhớ hồi những năm 60, chúng tôi được một thầy giáo văn
chương rất thông minh, khi đó còn trẻ tuổi, mới từ Cambridge chuyển về,
dạy về Ted Hughes. Thầy tôi bảo “Tất nhiên ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ
xảy ra khi Ted Hughes chẳng còn con thú nào cả để đưa vào thơ”. Chúng
tôi nghĩ đấy là một câu nói dí dỏm nhất mình từng được nghe. Nhưng tất
nhiên là Ted Hughes chẳng bao giờ hết những con thú cả; ông ta có thể
hết những thứ khác, nhưng các con thú thì không. Nếu người ta muốn tiếp
tục viết về những hình tượng lịch sử, họ luôn luôn có thể tìm thấy đối
tượng của mình.
S.Guppy: Nhưng chẳng phải là ai cũng muốn thử cái gì đó mới mẻ sao?
Barnes:
Mọi thứ không diễn ra như vậy. Tôi không hề cảm thấy bị sức ép vì những
thứ mình đã viết trong quá khứ. Nói một cách thô thiển, tôi không cảm
thấy sức ép vì mình đã viết được Flaubert’s Parrot nên nhất định mình phải viết “Tolstoy’s Gerbil” [Con chuột nhảy của Tolstoy]. Tôi không tự nhốt mình trong chiếc hộp mà chính mình tạo ra. Khi viết The Porcupine,
tôi cố ý sử dụng một phương thức tự sự truyền thống bởi tôi cảm thấy
bất kì mánh lới nào cũng có thể làm mạch truyện tôi đang cố gắng kể lại
trở nên xao lãng. Với một nhà văn, cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự bắt đầu
khi anh ta tìm ra một hình thức tương hợp với câu chuyện. Tất nhiên chị
có thể vặn lại và bảo, “Tôi tự hỏi đâu là những hình thức mới tôi có thể
tìm cho cuốn tiểu thuyết của mình”, nhưng đấy là một câu hỏi rỗng cho
đến khi nào ý tưởng đích thực xuất hiện; những sợi dây điện hình thức và
nội dung chập vào nhau và tóe lửa. Chẳng hạn, cuốn Talking It Over
nương vào một câu chuyện mà tôi được nghe năm hay sáu năm trước. Thế
nhưng nó chỉ là một giai thoại, một khả năng, một ý tưởng thuần túy
không hơn cho đến khi tôi cảm thấy rõ một hình thức riêng biệt cần thiết
cho câu chuyện riêng biệt ấy.
S.Guppy: Có
lẽ vì mối bận tâm của ông với hình thức, nhiều nhà phê bình đã so sánh
ông với Nabokov và Calvino, những nhà văn chơi với hình thức để sáng tạo
ra không gian văn xuôi của riêng họ. Họ có phải là những người mà ông
chịu ảnh hưởng?
Barnes:
Ảnh hưởng là thứ khó định nghĩa. Tôi đã đọc hầu hết sáng tác của
Nabokov và một số của Calvino. Tôi có thể nói hai điều: Thứ nhất, người
ta thường có khuynh hướng phủ nhận sự ảnh hưởng. Để viết cuốn tiểu
thuyết như một mệnh lệnh nhất quyết của nội tâm, tôi phải vờ như nó
không chỉ biệt lập khỏi mọi thứ tôi viết trước đó, mà còn biệt lập khỏi
bất kì thứ gì mà bất kỳ người nào trên thế giới này đã từng viết trong
lịch sử. Đấy là một sự tự dối mình kỳ quặc, một sự tự tôn thô thiển,
nhưng đồng thời đó cũng là điều cần thiết để sáng tạo. Thứ hai, khi được
hỏi về sự ảnh hưởng, một nhà văn có xu hướng đưa ra một danh sách các
tác phẩm/tác giả mà anh ta đọc và rồi đến lượt mình, độc giả hay nhà phê
bình tự quyết định xem nhà văn kia chịu ảnh hưởng ai hay cuốn sách nào.
Có thể hiểu được điều này. Nhưng theo tôi, anh dường như cũng có thể bị
ảnh hưởng bởi một cuốn sách mà anh chưa từng đọc, bởi ý tưởng về thứ gì
đấy mà anh mới chỉ nghe qua. Anh có thể bị ảnh hưởng từ nguồn thứ cấp,
hay từ một nhà văn anh chẳng hề ngưỡng mộ nếu họ đang làm điều gì đó đủ
táo bạo. Ví dụ, tôi có đọc vài tiểu thuyết và nghĩ, “Cuốn sách thực sự
chưa tới, chưa đã” hay “Thực ra nó có phần nhạt nhẽo”; nhưng rất có thể
sự thái quá hay sự táo bạo về hình thức ở đó lại gợi ý rằng một điều như
thế – hoặc một biến thể của nó – trong trường hợp khác lại có thể gây
được hiệu quả
S.Guppy: Ông
sáng tạo những nhân vật của mình như thế nào? Họ dựa phần nhiều vào
những người ông biết hoặc từng gặp, hay là ông hư cấu những nhân vật ấy
ngay từ đầu? Tính cách của họ phát triển như thế nào theo mạch tự sự?
Barnes:
Rất ít các nhân vật của tôi dựa trên những người tôi biết. Làm vậy thì
cứng nhắc quá. Một cặp nhân vật được xây dựng nương theo những người tôi
chưa từng gặp. Petkanov trong The Porcupine [Con nhím] rõ ràng có liên hệ với Todor Zhivkov, ông trùm trước đây của Bulgaria và ngài Jack Pitman trong England, England
thì có dính dáng đến Robert Maxwell. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến
việc tìm hiểu con người Maxwell – nó sẽ chẳng giúp gì cho cuốn tiểu
thuyết của tôi cả. Cùng lắm là ta lấy một nét ở đây và một nét ở kia,
chỉ thế thôi. Có thể những nhân vật phụ – những nhân vật ngay từ đầu chỉ
cần được xây dựng bằng đôi ba nét chấm phá – có thể được lấy toàn bộ từ
đời thực; nhưng tôi không ý thức khi làm vậy. Sự sáng tạo nhân vật, như
ta thấy ở hầu hết tác phẩm hư cấu, là một hỗn chất của cảm xúc chủ quan
và sự kiểm soát khách quan. Nabokov khoe rằng ông quất vào các nhân vật
của mình như lũ tù khổ sai; những tiểu thuyết gia bình dân đôi khi lại
lên gân (cứ như kiểu làm vậy chứng tỏ họ là nghệ sĩ) rằng một nhân vật
nào đó “chạy trốn cùng họ” hay “sống thay đời sống của chính anh ta/chị
ta”. Tôi chẳng thuộc trường phái nào cả: tôi thả lỏng dây cương của mình
với nhân vật, nhưng dù gì tôi vẫn giữ một dây cương.
S.Guppy: Trong tập truyện Cross Channel [Băng qua eo biển], ông già trong truyện ngắn Tunnel [Đường hầm]
nói rằng để trở thành một nhà văn anh cần từ khước cuộc đời theo nghĩa
nào đó. Ông có nghĩ rằng mình phải lựa chọn giữa văn chương và cuộc đời
không?
Barnes:
Không, tôi không nghĩ chúng ta có thể chọn lựa. “Hoặc cuộc đời hoàn
hảo, hoặc là sáng tác hoàn hảo” – với tôi, đó là một tuyên ngôn làm dáng
theo kiểu của William Butler Yeats. Tất nhiên nghệ sĩ có hi sinh – các
chính trị gia, thợ làm phó-mát hay các bậc phụ huynh cũng thế. Nhưng
nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống – làm cách nào mà nghệ sĩ có thể tồn
tại nếu không ngừng đắm mình trong cái bình thường của đời sống? Vấn đề
là anh có thể dấn sâu tới đâu. Flaubert từng nói nghệ sĩ nên lội vào đời
sống như lội xuống biển cả vậy, nhưng chỉ là tới thắt lưng mà thôi. Một
số bơi quá xa tới mức quên đi ý định ban đầu của mình là làm một nghệ
sĩ. Hiển nhiên, làm một nhà văn bao gồm cả việc dành rất nhiều thời gian
cho bản thân, và làm một tiểu thuyết gia đòi hỏi những thời kỳ cô độc
dài hơn khi anh làm một nhà thơ hay một nhà soạn kịch. Với tiểu thuyết
gia, sự dao động sáng tạo giữa cô độc và dấn thân phải diễn ra bên
trong. Nhưng chẳng phải cùng lúc chúng ta vẫn, một cách thường xuyên và
hàm ơn, quay trở về với hư cấu để thấy được bức tranh chân thực nhất về
cuộc đời hay sao?
ĐỨC ANH trích dịch
VĂN NGHỆ TRẺ
No comments:
Post a Comment