Tại sao tôi không thích tranh luận? Nói cho rõ hơn là, thường thì
không thích tranh luận, chứ không phải là không bao giờ muốn tranh luận,
còn phải tùy trường hợp nữa. Đơn giản là vì tôi không có cái ham muốn
bắt ai phải nghe theo quan điểm của mình. Nếu quan điểm của bạn khác
tôi, tốt thôi, không sao, tôi tôn trọng quan điểm đó.
Nếu quan điểm của
tôi khác bạn, tôi nghĩ bạn cũng nên biết tôn trọng quan điểm đó. Đừng
bắt ai phải nghe theo ai. Hãy cho nhau tự do. Hãy nói không với bạo lực.
Mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau, điều đó là hoàn toàn bình
thường. Một ý kiến cá nhân thì không phải lúc nào cũng là sự thật, là
chân lý, như 1 + 1 = 2. Khổ nỗi nhiều khi ai cũng cho là ý kiến của mình
là chân lý. Ý kiến của bạn có thể đúng trong trường hợp của bạn, nhưng
có thể sẽ không đúng trong trường hợp của tôi. Nó có thể đúng trong thời
điểm này, nhưng không đúng trong thời điểm khác. Nó có thể đúng trong
môi trường này, nhưng không đúng trong môi trường khác.
Đến với tranh luận có hai loại người, một là những người chỉ muốn hơn
thua, tôi thấy câu tục ngữ ngựa non háu đá rất thích hợp để nói về
những người này. Loại người này có thể thấy nhan nhản, rất nhiều. Khi
tôi nói tôi không thích tranh luận là đang có ý nói về những người này.
Loại người kia, những người thật sự có tinh thần hợp tác, đóng góp, xây
dựng, giọng điệu nói chuyện của họ khác với những con ngựa non háu đá
kia. Đó là những người chúng ta có thể thật sự nói chuyện được. Tính tôi
không bao giờ thích hơn thua, bởi vậy nếu có gặp ai thích hơn thua thì
tôi sẽ để mặc cho người đó hơn thua, tôi thấy hoàn toàn thoải mái với
chuyện đó. Tôi cho người đó tự do. Có một câu nói của Yoda mà tôi luôn rất thích, “Một chiến binh Jedi biết sử dụng Nguồn Lực để trau dồi kiến thức và phòng thủ, không bao giờ tấn công.”
Khi bạn muốn tranh luận với tôi thì bạn đang hạ thấp chính mình để đi
đôi co với tôi, vì bạn nghĩ là quan điểm của bạn cao hơn tôi. Nếu bạn
hiểu được như vậy thì bạn có còn muốn tranh luận nữa không? Hy vọng là
không.
Tranh luận phải có cái nghệ thuật của tranh luận. Rất tiếc không phải
ai cũng là một nghệ sĩ. Từng câu nói một của bạn phải có dẫn chứng, số
liệu, thống kê, khoa học. Nếu không, tất cả những gì bạn nói ra đều sẽ
được liệt vào danh mục “ý kiến cá nhân”. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta
không bao giờ nên áp đặt ý kiến cá nhân của mình lên người khác.
Ken Wilber đã từng nhiều lần nhắc nhở, “Không một ai đủ thông minh để nói gì cũng sai.”
Đó cũng là một ý kiến của ông, cũng như tất cả những gì bạn vừa mới đọc
được ở trên của tôi. Nếu một ý kiến không phải là chân lý thì giá trị
của nó sẽ được tính bằng cái khoảng cách từ nó tới chân lý. Khoảng cách
càng ngắn thì giá trị càng lớn. Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại là đừng
cố gắng tranh giành so sánh nhau cái khoảng cách đó. Hãy để cho thời
gian trả lời. Vâng, thời gian sẽ trả lời, chắc chắn. Cái gì đi ngược lại
với quy luật tự nhiên ắt sẽ bị loại trừ. Có khi sẽ là vài năm, chục
năm, trăm năm, thậm chí tôi còn nghĩ rằng có nhiều sự thật về loài người
vẫn còn đang nằm dưới lớp cát của thời gian nhiều ngàn năm này chưa tới
lúc được phơi bày. Online nhiều nên thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một
câu nói được bọn nước ngoài cho là của Phật Thích Ca Tất Đạt Đa Cồ Đàm
(nhưng tôi hơi nghi ngờ điều đó), “Ba điều không thể bị che giấu mãi: mặt trời, mặt trăng, và sự thật.”
No comments:
Post a Comment