Tuổi thơ bị nguyền rủa
Sinh năm 1910 tại Paris, Jean Genet bị mẹ bỏ rơi từ khi mới 7 tháng tuổi. Sau một thời gian sống trong viện mồ côi, ông được giao cho một gia đình lãnh nuôi ở vùng Morvan, miền trung nước Pháp. Thời còn nhỏ, Jean Genet học hành chăm chỉ siêng năng, nhưng sau đó ông lại không được cho đi học tiếp. Năm 13 tuổi, lần đầu tiên cậu thiếu niên trốn khỏi nhà cha mẹ nuôi. Bị bắt rồi bị xử phạt về tội ăn cắp vặt, Jean Genet phải lớn lên trong trại giam dành cho thiếu niên phạm pháp. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1981 do đạo diễn Antoine Bourseiller thực hiện, nhà văn Jean Genet hồi tưởng lại thời niên thiếu của mình :
"Viết văn, đối với tôi, tựa như một phương cách cuối cùng. Từ thuở thiếu thời, lúc đó tôi mới 14, 15 tuổi, tôi đã linh cảm là khi lớn lên tôi có thể trở thành một kẻ phạm pháp : tốt lắm thì cũng chỉ là một kẻ lang thang khất thực, tệ lắm là một tên du đảng trộm cắp. Sau cấp bậc tiểu học, người ta không cho tôi đi học thêm chữ nghĩa mà lại buộc tôi đi học nghề. Có thể nói là về mặt thăng tiến xã hội, cùng lắm thì tôi chỉ có thể trở thành một tài xế xe đò, một kẻ buôn hàng thịt hay một người đi khuân vác. Nói cách khác, đó chỉ toàn là những công việc chân tay, chứ không hề có chuyện sáng tạo bằng trí óc. Tôi căm ghét cái lớp áo nghèo hèn mà người ta muốn khoác trên lưng tôi. Tôi căm ghét cái tương lai mà người khác sắp đặt cho mình. Từ thuở nhỏ, tôi chỉ muốn làm chủ cuộc đời, tự định đoạt cho bản thân. Vì thế cho nên, tôi nuôi dưỡng những cảm xúc mãnh liệt nhất trong tâm trí, và chỉ có việc cầm bút mới có thể diễn đạt nổi những gì tôi cảm nhận. Sáng tác đối với tôi là chuyện sống còn, đó là phương cách cuối cùng để giúp tôi thoát khỏi cái khuôn khổ áp đặt".
Jean Genet chỉ rời trại giam dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp năm ông 18 tuổi. Một khi ra tù, ông liền đăng trình nhập ngũ, đi lính lê dương tại các nước thuộc địa ở Bắc Phi nên cũng từ đó mà ông có cảm tình đặc biệt với con người cũng như văn hóa Ả Rập. Một khi trở về quê nhà, ông lại không có điểm tựa, kiếp sống lang thang nay đây mai đó, nhiều lần ăn cắp vặt nên lại bị kết án tù giam. Nhưng cũng chính ở trong tù mà Jean Genet lại bắt đầu viết những tác phẩm mà sau này được xem như là quan trọng nhất. Trong đó có thi tập Le comdamné à mort (Kẻ tử tù - 1942), Querelle de Brest (1947), Pompes funèbres (tạm dịch là Nhà đòn - 1948) Le Journal du voleur (Nhật ký của thằng ăn trộm - 1949).
Nội dung táo bạo, bút pháp độc đáo
Jean Genet nổi tiếng ngay tức khắc với tiểu thuyết đầu tay là Notre Dame des Fleurs (Đức Bà Muôn Hoa) phát hành vào năm 1944, nhờ vào sự dìu dắt và gửi gấm của nhà văn Jean Cocteau. Theo ông Albert Dichy, chuyên gia nghiên cứu về Genet và hiện là giám đốc quản lý Viện lưu trữ văn học IMEC (l'Institut Mémoire de l’Edition contemporaine), nếu không có văn chương, thì Jean Genet có lẽ sẽ không còn lối thoát. Nhờ vào sáng tác mà nhà văn đã thoát khỏi án tù chung thân.
"Nếu không có sáng tác, có lẽ số phận của nhà văn Genet sẽ giống như bao thiếu niên phạm pháp khác, rơi vào cái vòng lẩn quẩn của ngục tù, bị tuyên xử kết án, sau đó được trả tự do để rồi tái phạm. Vào năm 1943, sau 3 lần bị kết án tù giam cho dù mỗi lần ông chỉ bị xử phạt nhẹ vì tội trộm cắp, nhưng do luật pháp thời đó rất nghiêm khắc, cho nên nhà văn này khi tái phạm suýt nữa lãnh án tù chung thân. Cũng may cho ông là gần nửa năm trước đó (vào tháng 9 năm 1942), tập thơ Le comdamné à mort (Kẻ tử tù) đã được in lén nhờ vào sự gửi gấm của nhà văn kiêm đạo diễn Jean Cocteau. Chính ông Cocteau đã chi tiền mướn luật sư biện hộ để giúp cho Jean Genet thoát khỏi án tù chung thân. Sở dĩ ông Cocteau làm như vậy bởi vì ông ý thức về tiềm năng sáng tác của Genet. Nhà văn Cocteau từng đọc một số bản thảo của Genet, trong đó có quyển tiểu thuyết Notre Dame des Fleurs (tạm dịch là Đức Bà muôn hoa). Một tác phẩm mà Cocteau đánh giá là táo bạo và xuất sắc, vì Genet dám thò tay bốc lên tất cả những gì mà người khác không thể nào ngửi nổi".
Nhờ quyển tiểu thuyết Notre Dame des Fleurs (Đức Bà muôn hoa), mà Jean Genet nổi tiếng trên văn đàn. Theo chuyên gia Caroline Daviron, có thể xem tác phẩm này là quyển tiểu thuyết đầu tiên mô tả cuộc sống về đêm của giới travesti (tức là những người đồng tính chuyên giả gái) trong bối cảnh của thủ đô Paris những năm trước đệ nhị thế chiến.
Jean Genet nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học vì ngoài chủ đề táo bạo, ông còn có một bút pháp độc đáo. Trong tác phẩm, Genet nâng lên hàng anh hùng các thiểu số bị đàn áp, tôn vinh những mẫu người bị gọi là cặn bã xã hội : những tên trộm cướp, những kẻ sát nhân, hay gái mại dâm. Tuy nhiên theo bà Daviron, không thể gán cho Genet cái danh hiệu ‘‘hạn hẹp’’ của một nhà văn đồng tính, vì sinh thời ông từng tuyên bố rằng : ông viết sách không phải là để giải phóng những người đồng tính, mà chỉ vì tình yêu chữ nghĩa.
Trong tác phẩm của mình, nhà văn Genet đã sáng chế một bút pháp lộng lẫy, cầu kỳ, đầy dẫy tiếng lóng đậm đặc chất thơ và phương ngữ đặc sắc. Ngoài việc thay đổi theo từng vùng miền, ngôn ngữ còn biến thể theo cách dùng của mỗi tầng lớp xã hội. Qua cách dùng phương ngữ độc đáo, Jean Genet lại trao tiếng nói cho những kẻ thấp cổ bé miệng, thành phần luôn bị bóp họng, chèn ép.
Cầm bút : gỡ bỏ mọi sự kiểm duyệt
Về phần mình, nhà phê bình Louis-Paul Astraud là tác giả quyển sách mang tựa đề Jean Genet, tuổi xuân đánh mất (Jean Genet, une jeunesse perdue) của nhà xuất bản Diable Vauvert. Theo ông, tinh thần nổi loạn là một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Jean Genet. Các hành vi phạm pháp cũng như thái độ bất phục tùng của Genet là một cách để cho nhà văn đập phá khuôn thước gia đình, trật tự xã hội. Điều đó theo nhà phê bình Astraud bắt nguồn từ những vết thương trong tâm hồn của nhà văn Genet thời ấu thơ.
"Một trong những kỷ niệm tuổi thơ mà sau đó Jean Genet có kể lại, là khi nhà văn còn đang ở trường tiểu học. Thầy giáo cho một bài tập làm văn, theo đó các học trò phải mô tả căn nhà và người thân trong gia đình. Thời còn nhỏ, ông Genet rất siêng năng và học giỏi, bài tập của cậu học trò này do được chấm điểm cao nhất lớp, nên được thầy giáo đọc cho các học sinh khác cùng nghe. Đến khi thầy đọc bài, cả lũ học trò nháo nhào hẳn lên, mách với thầy rằng : thằng Jean Genet chỉ biết nói láo, vì căn nhà được mô tả đâu phải là của hắn, và gia đình hắn đời nào mà yên ấm sung túc như vậy. Đến khi lớn lên, Genet cho biết là kỷ niệm này đặt nền móng cho sáng tác của ông.
Với thời gian, nhà văn không còn oán ghét những lời nói cay độc của lũ bạn cùng trường, mà lại căm thù các định chế của nhà nước, từ việc toà án phạt ông 3 tháng tù giam dù ông chỉ ăn cắp một cuốn sách, cơ quan cứu tế xã hội không cho ông học chữ chỉ vì một khi học nghề, đi làm sớm thì họ khỏi phải trợ cấp thêm. Quan trọng hơn nữa là các cơ quan có thẩm quyền ngăn không cho ông tham khảo hồ sơ để tìm lại người mẹ ruột. Nơi nhà văn Genet, không chỉ có mặc cảm của một đứa bé bị bỏ rơi, mà còn là nỗi uẩn ức của một người không được xã hội công nhận ngay từ ban đầu. Có lẽ cũng vì thế mà Genet trong sáng tác hay trong đời thường luôn thương những kẻ bị gạt ra bên lề, về già ông dấn thân đấu tranh bên cạnh triết gia Michel Foucault cho các tù nhân, hay lên tiếng ủng hộ lập trường của người Palestine và các dân tộc nhược tiểu. Có thể nói là động lực sáng tác bắt nguồn rất nhiều từ thời thơ ấu của nhà văn".
Nỗi bất hạnh tuổi thơ khiến cho nhà văn Genet nhiều lần bỏ nhà chạy trốn. Lần đầu tiên là vào năm 13 tuổi, đến lần thứ ba ông bị phạt và bị nhốt vào trại giam dành cho thiếu niên phạm pháp tại Mettray ở vùng Indre et Loire, miền Trung nước Pháp. Chính tại trại giam này, Jean Genet trải nghiệm những rung động đầu đời của lứa tuổi mới lớn và phát hiện định hướng đồng tính của ông. Giai đoạn ngục tù đối với người khác có thể là một địa ngục, nhưng trong hồi tưởng của Jean Genet lại là một thiên đường. Sinh thời, nhà văn Jean Genet cho biết :
"Một cách ngược đời, tôi lại cảm thấy hạnh phúc khi sống trong cái cảnh địa ngục trần gian. Điều này quả thật là lạ lùng, vì tôi học được những điều bổ ích từ những người ở trong cùng một hoàn cảnh với mình hơn là học hỏi từ những người cải huấn. Đáng lẽ ra, họ có nhiệm vụ rèn luyện nhân cách cho chúng tôi, nói theo họ là giúp cho chúng tôi chọn đúng đường, đi đúng hướng. Nhưng càng gần gủi với họ, thì tôi lại càng nhìn thấy sự khinh rẻ, miệt thị. Trong mắt họ thì chẳng bao giờ, tôi có thể trở thành một con người có giá trị. Ngược lại với những người bạn tù cùng lứa tuổi, tôi lại học được cách đối xử với nhau : người bị té ngã cần được nâng đỡ, người đang chết chìm thì đừng nên nhún đầu họ xuống sâu hơn. Theo tôi, giới du côn phạm pháp lại dạy cho tôi nhiều bài học có ý nghĩa hơn là đạo đức mà những người thánh thiện luôn rao giảng. Điều mà sau này tôi sẽ cố gắng đưa vào các tác phẩm của mình".
Người truy tìm vẻ đẹp trong ác tính
Theo chuyên gia Albert Dichy, thuộc Viện lưu trữ văn học IMEC, những tháng ngày trong ngục tù cũng là giai đoạn manh nha rất nhiều tác phẩm lớn sau đó của nhà văn Jean Genet. Thơ vần hay văn xuôi, khá nhiều tác phẩm của Genet lấy cảm hứng từ những kinh nghịêm từng trải, kể cả những quan hệ tình dục trong tù, một chủ đề còn nhạy cảm thời nay huống chi là vào đầu những năm 50, thời mà xã hội Pháp còn chưa được cởi trói
.
"Đây là một trong những nét đặc thù của Jean Genet. Trong lịch sử văn học Pháp, có nhiều tác giả đã từng chịu cảnh ngục tù. Đó là trường hợp của các tác giả như Paul Verlaine, Guillaume Apollinaire hay François Villon, nhưng không có tác giả nào xây dựng hầu như toàn bộ tác phẩm của mình xung quanh chủ đề nhà tù, từ nội dung, cách xây dựng nhân vật cho đến cách đặt tựa cho tác phẩm. Tiêu biểu nhất là quyển Journal du voleur (Nhật ký của thằng ăn trộm), L’enfant crimninel (Đứa bé phạm tội), Haute surveillance (Canh gác nghiêm mật), La douceur du bagne (Sự êm dịu của nhà tù khổ sai). Ngay cả chủ đề tình dục trong tác phẩm của Genet cũng thường được gắn liền với cái bối cảnh này. Trong tác phẩm đầu tay của mình là tập thơ Le Comdamné à mort (Kẻ tử tù), đã manh nha tất cả những chủ đề ưng ý mà Genet sẽ phát triển sau đó…
Trong tập thơ tình này, Genet ngợi ca cái chết với những vần thơ tuyệt vời nhục cảm. Ông dùng những hình tượng tuyệt đẹp nhưng ngôn từ vẫn không hoa mỹ khuôn sáo chẳng hạn như hình ảnh của kẻ sắp bị hành quyết cúi đầu chờ đợi lưỡi dao ngọt ngào của máy chém rơi trên cổ, như thể đang mong chờ vết cắn của tình nhân. Suốt đời, Jean Genet muốn sống với ý nguyện : tuyệt đối không che giấu, không nói dối với chính mình. Trong cái xã hội đầy phép tắc xã giao mà ông đang sống, đó đã là một hình thức nổi loạn. Sinh thời Genet đã từng tuyên bố, lúc còn nhỏ người ta định đoạt mọi thứ cho ông, khi lớn lên ông sẽ không để cho ai quyết định thay cho mình. Suy cho cùng, Genet một con người nhiều lần bị ngồi tù thấu hiểu hơn ai hết hai chữ tự do. Theo ông, ta phải tự giành lấy tự do, chứ không ai cho ta quyền tự do cả".
Chính cũng vì tư tưởng của tác giả đi trước thời đại ông đang sống, mà Jean Genet được nhiều người gọi là một nhà văn nằm trong ‘‘sự canh chừng nghiêm mật của xã hội’’. Theo nhà phê bình Pascal Fouché, đồng tác giả của quyển sách Jean Genet matricule 192.102 (Jean Genet số tù 192.102) nghiên cứu giai đoạn từ những năm 1910 cho đến 1944, tức là từ thuở ấu thơ cho đến những năm phát hành các sáng tác đầu tay, mỗi tác phẩm của Jean Genet tựa như một bản tuyên ngôn nhằm đập phá trật tự xã hội.
Khuynh đảo đa số bằng nghịch lý thiểu số
Theo quan niệm của Genet : cầm bút là gỡ bỏ mọi hình thức kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt đến từ bên ngoài là điều dễ nhìn thấy, nhưng hình thức tự kiểm duyệt do tâm trí đã bị nhồi sọ từ thuở nhỏ với luân lý giáo điều, mới thật sự là vô hình. Có lẽ cũng vì thế mà khi sáng tác, Genet rất triệt để trong cách trực diện vấn đề, không che giấu mà cũng chẳng tự kiểm duyệt.
Nhà nghiên cứu Michel Corvin thì đi xa hơn nữa khi nhận định rằng : Nhà văn Jean Genet là người đi truy tìm vẻ đẹp trong cái xấu. Ông dùng nghịch lý của thiểu số để khuynh đảo quan niệm phải đạo của đa số. Người khác thì hướng thiện, Genet thì chỉ thích tôn vinh cái ác. Michel Corvin cho rằng : điều này càng nổi bật hơn trong các vở kịch của Genet, có những điểm gần giống với kịch của Antonin Artaud, chuyên đề cao sự độc ác của con người.
Theo ông, để hiểu Genet thì nên đọc sách của Jean Paul Satre. Nhà văn Sartre đã từng viết hơn 500 trang (quyển Saint Genet : comédien et martyr) để giải mã hiện tượng Genet và làm lộ rõ chân tướng của nhà văn đồng tính, qua việc đối chiếu hai hình tượng : một bên là ‘‘thánh nhân’’ và bên kia là ‘‘tội phạm’’. Chỉ khi nào họ chết một cách thảm thương thì họ mới được phong thánh tử vì đạo.
Có lẽ cũng vì vậy mà yếu tố dục vọng không thể thiếu trong tác phẩm của Genet vì đối với nét thanh cao chỉ là sự thăng hoa của cái tục, linh hồn học hỏi từ trải nghiệm xác thịt. Nói theo Oscar Wilde, một nhà văn đồng tính khác : đạo đức thanh khiết chỉ là một loại thuốc tẩy, để rửa sạch linh hồn.
Tuấn Thảo
Sinh năm 1910 tại Paris, Jean Genet bị mẹ bỏ rơi từ khi mới 7 tháng tuổi. Sau một thời gian sống trong viện mồ côi, ông được giao cho một gia đình lãnh nuôi ở vùng Morvan, miền trung nước Pháp. Thời còn nhỏ, Jean Genet học hành chăm chỉ siêng năng, nhưng sau đó ông lại không được cho đi học tiếp. Năm 13 tuổi, lần đầu tiên cậu thiếu niên trốn khỏi nhà cha mẹ nuôi. Bị bắt rồi bị xử phạt về tội ăn cắp vặt, Jean Genet phải lớn lên trong trại giam dành cho thiếu niên phạm pháp. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1981 do đạo diễn Antoine Bourseiller thực hiện, nhà văn Jean Genet hồi tưởng lại thời niên thiếu của mình :
"Viết văn, đối với tôi, tựa như một phương cách cuối cùng. Từ thuở thiếu thời, lúc đó tôi mới 14, 15 tuổi, tôi đã linh cảm là khi lớn lên tôi có thể trở thành một kẻ phạm pháp : tốt lắm thì cũng chỉ là một kẻ lang thang khất thực, tệ lắm là một tên du đảng trộm cắp. Sau cấp bậc tiểu học, người ta không cho tôi đi học thêm chữ nghĩa mà lại buộc tôi đi học nghề. Có thể nói là về mặt thăng tiến xã hội, cùng lắm thì tôi chỉ có thể trở thành một tài xế xe đò, một kẻ buôn hàng thịt hay một người đi khuân vác. Nói cách khác, đó chỉ toàn là những công việc chân tay, chứ không hề có chuyện sáng tạo bằng trí óc. Tôi căm ghét cái lớp áo nghèo hèn mà người ta muốn khoác trên lưng tôi. Tôi căm ghét cái tương lai mà người khác sắp đặt cho mình. Từ thuở nhỏ, tôi chỉ muốn làm chủ cuộc đời, tự định đoạt cho bản thân. Vì thế cho nên, tôi nuôi dưỡng những cảm xúc mãnh liệt nhất trong tâm trí, và chỉ có việc cầm bút mới có thể diễn đạt nổi những gì tôi cảm nhận. Sáng tác đối với tôi là chuyện sống còn, đó là phương cách cuối cùng để giúp tôi thoát khỏi cái khuôn khổ áp đặt".
Jean Genet chỉ rời trại giam dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp năm ông 18 tuổi. Một khi ra tù, ông liền đăng trình nhập ngũ, đi lính lê dương tại các nước thuộc địa ở Bắc Phi nên cũng từ đó mà ông có cảm tình đặc biệt với con người cũng như văn hóa Ả Rập. Một khi trở về quê nhà, ông lại không có điểm tựa, kiếp sống lang thang nay đây mai đó, nhiều lần ăn cắp vặt nên lại bị kết án tù giam. Nhưng cũng chính ở trong tù mà Jean Genet lại bắt đầu viết những tác phẩm mà sau này được xem như là quan trọng nhất. Trong đó có thi tập Le comdamné à mort (Kẻ tử tù - 1942), Querelle de Brest (1947), Pompes funèbres (tạm dịch là Nhà đòn - 1948) Le Journal du voleur (Nhật ký của thằng ăn trộm - 1949).
Nội dung táo bạo, bút pháp độc đáo
Jean Genet nổi tiếng ngay tức khắc với tiểu thuyết đầu tay là Notre Dame des Fleurs (Đức Bà Muôn Hoa) phát hành vào năm 1944, nhờ vào sự dìu dắt và gửi gấm của nhà văn Jean Cocteau. Theo ông Albert Dichy, chuyên gia nghiên cứu về Genet và hiện là giám đốc quản lý Viện lưu trữ văn học IMEC (l'Institut Mémoire de l’Edition contemporaine), nếu không có văn chương, thì Jean Genet có lẽ sẽ không còn lối thoát. Nhờ vào sáng tác mà nhà văn đã thoát khỏi án tù chung thân.
"Nếu không có sáng tác, có lẽ số phận của nhà văn Genet sẽ giống như bao thiếu niên phạm pháp khác, rơi vào cái vòng lẩn quẩn của ngục tù, bị tuyên xử kết án, sau đó được trả tự do để rồi tái phạm. Vào năm 1943, sau 3 lần bị kết án tù giam cho dù mỗi lần ông chỉ bị xử phạt nhẹ vì tội trộm cắp, nhưng do luật pháp thời đó rất nghiêm khắc, cho nên nhà văn này khi tái phạm suýt nữa lãnh án tù chung thân. Cũng may cho ông là gần nửa năm trước đó (vào tháng 9 năm 1942), tập thơ Le comdamné à mort (Kẻ tử tù) đã được in lén nhờ vào sự gửi gấm của nhà văn kiêm đạo diễn Jean Cocteau. Chính ông Cocteau đã chi tiền mướn luật sư biện hộ để giúp cho Jean Genet thoát khỏi án tù chung thân. Sở dĩ ông Cocteau làm như vậy bởi vì ông ý thức về tiềm năng sáng tác của Genet. Nhà văn Cocteau từng đọc một số bản thảo của Genet, trong đó có quyển tiểu thuyết Notre Dame des Fleurs (tạm dịch là Đức Bà muôn hoa). Một tác phẩm mà Cocteau đánh giá là táo bạo và xuất sắc, vì Genet dám thò tay bốc lên tất cả những gì mà người khác không thể nào ngửi nổi".
Nhờ quyển tiểu thuyết Notre Dame des Fleurs (Đức Bà muôn hoa), mà Jean Genet nổi tiếng trên văn đàn. Theo chuyên gia Caroline Daviron, có thể xem tác phẩm này là quyển tiểu thuyết đầu tiên mô tả cuộc sống về đêm của giới travesti (tức là những người đồng tính chuyên giả gái) trong bối cảnh của thủ đô Paris những năm trước đệ nhị thế chiến.
Jean Genet nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học vì ngoài chủ đề táo bạo, ông còn có một bút pháp độc đáo. Trong tác phẩm, Genet nâng lên hàng anh hùng các thiểu số bị đàn áp, tôn vinh những mẫu người bị gọi là cặn bã xã hội : những tên trộm cướp, những kẻ sát nhân, hay gái mại dâm. Tuy nhiên theo bà Daviron, không thể gán cho Genet cái danh hiệu ‘‘hạn hẹp’’ của một nhà văn đồng tính, vì sinh thời ông từng tuyên bố rằng : ông viết sách không phải là để giải phóng những người đồng tính, mà chỉ vì tình yêu chữ nghĩa.
Trong tác phẩm của mình, nhà văn Genet đã sáng chế một bút pháp lộng lẫy, cầu kỳ, đầy dẫy tiếng lóng đậm đặc chất thơ và phương ngữ đặc sắc. Ngoài việc thay đổi theo từng vùng miền, ngôn ngữ còn biến thể theo cách dùng của mỗi tầng lớp xã hội. Qua cách dùng phương ngữ độc đáo, Jean Genet lại trao tiếng nói cho những kẻ thấp cổ bé miệng, thành phần luôn bị bóp họng, chèn ép.
Cầm bút : gỡ bỏ mọi sự kiểm duyệt
Về phần mình, nhà phê bình Louis-Paul Astraud là tác giả quyển sách mang tựa đề Jean Genet, tuổi xuân đánh mất (Jean Genet, une jeunesse perdue) của nhà xuất bản Diable Vauvert. Theo ông, tinh thần nổi loạn là một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Jean Genet. Các hành vi phạm pháp cũng như thái độ bất phục tùng của Genet là một cách để cho nhà văn đập phá khuôn thước gia đình, trật tự xã hội. Điều đó theo nhà phê bình Astraud bắt nguồn từ những vết thương trong tâm hồn của nhà văn Genet thời ấu thơ.
"Một trong những kỷ niệm tuổi thơ mà sau đó Jean Genet có kể lại, là khi nhà văn còn đang ở trường tiểu học. Thầy giáo cho một bài tập làm văn, theo đó các học trò phải mô tả căn nhà và người thân trong gia đình. Thời còn nhỏ, ông Genet rất siêng năng và học giỏi, bài tập của cậu học trò này do được chấm điểm cao nhất lớp, nên được thầy giáo đọc cho các học sinh khác cùng nghe. Đến khi thầy đọc bài, cả lũ học trò nháo nhào hẳn lên, mách với thầy rằng : thằng Jean Genet chỉ biết nói láo, vì căn nhà được mô tả đâu phải là của hắn, và gia đình hắn đời nào mà yên ấm sung túc như vậy. Đến khi lớn lên, Genet cho biết là kỷ niệm này đặt nền móng cho sáng tác của ông.
Với thời gian, nhà văn không còn oán ghét những lời nói cay độc của lũ bạn cùng trường, mà lại căm thù các định chế của nhà nước, từ việc toà án phạt ông 3 tháng tù giam dù ông chỉ ăn cắp một cuốn sách, cơ quan cứu tế xã hội không cho ông học chữ chỉ vì một khi học nghề, đi làm sớm thì họ khỏi phải trợ cấp thêm. Quan trọng hơn nữa là các cơ quan có thẩm quyền ngăn không cho ông tham khảo hồ sơ để tìm lại người mẹ ruột. Nơi nhà văn Genet, không chỉ có mặc cảm của một đứa bé bị bỏ rơi, mà còn là nỗi uẩn ức của một người không được xã hội công nhận ngay từ ban đầu. Có lẽ cũng vì thế mà Genet trong sáng tác hay trong đời thường luôn thương những kẻ bị gạt ra bên lề, về già ông dấn thân đấu tranh bên cạnh triết gia Michel Foucault cho các tù nhân, hay lên tiếng ủng hộ lập trường của người Palestine và các dân tộc nhược tiểu. Có thể nói là động lực sáng tác bắt nguồn rất nhiều từ thời thơ ấu của nhà văn".
Nỗi bất hạnh tuổi thơ khiến cho nhà văn Genet nhiều lần bỏ nhà chạy trốn. Lần đầu tiên là vào năm 13 tuổi, đến lần thứ ba ông bị phạt và bị nhốt vào trại giam dành cho thiếu niên phạm pháp tại Mettray ở vùng Indre et Loire, miền Trung nước Pháp. Chính tại trại giam này, Jean Genet trải nghiệm những rung động đầu đời của lứa tuổi mới lớn và phát hiện định hướng đồng tính của ông. Giai đoạn ngục tù đối với người khác có thể là một địa ngục, nhưng trong hồi tưởng của Jean Genet lại là một thiên đường. Sinh thời, nhà văn Jean Genet cho biết :
"Một cách ngược đời, tôi lại cảm thấy hạnh phúc khi sống trong cái cảnh địa ngục trần gian. Điều này quả thật là lạ lùng, vì tôi học được những điều bổ ích từ những người ở trong cùng một hoàn cảnh với mình hơn là học hỏi từ những người cải huấn. Đáng lẽ ra, họ có nhiệm vụ rèn luyện nhân cách cho chúng tôi, nói theo họ là giúp cho chúng tôi chọn đúng đường, đi đúng hướng. Nhưng càng gần gủi với họ, thì tôi lại càng nhìn thấy sự khinh rẻ, miệt thị. Trong mắt họ thì chẳng bao giờ, tôi có thể trở thành một con người có giá trị. Ngược lại với những người bạn tù cùng lứa tuổi, tôi lại học được cách đối xử với nhau : người bị té ngã cần được nâng đỡ, người đang chết chìm thì đừng nên nhún đầu họ xuống sâu hơn. Theo tôi, giới du côn phạm pháp lại dạy cho tôi nhiều bài học có ý nghĩa hơn là đạo đức mà những người thánh thiện luôn rao giảng. Điều mà sau này tôi sẽ cố gắng đưa vào các tác phẩm của mình".
Người truy tìm vẻ đẹp trong ác tính
Theo chuyên gia Albert Dichy, thuộc Viện lưu trữ văn học IMEC, những tháng ngày trong ngục tù cũng là giai đoạn manh nha rất nhiều tác phẩm lớn sau đó của nhà văn Jean Genet. Thơ vần hay văn xuôi, khá nhiều tác phẩm của Genet lấy cảm hứng từ những kinh nghịêm từng trải, kể cả những quan hệ tình dục trong tù, một chủ đề còn nhạy cảm thời nay huống chi là vào đầu những năm 50, thời mà xã hội Pháp còn chưa được cởi trói
.
"Đây là một trong những nét đặc thù của Jean Genet. Trong lịch sử văn học Pháp, có nhiều tác giả đã từng chịu cảnh ngục tù. Đó là trường hợp của các tác giả như Paul Verlaine, Guillaume Apollinaire hay François Villon, nhưng không có tác giả nào xây dựng hầu như toàn bộ tác phẩm của mình xung quanh chủ đề nhà tù, từ nội dung, cách xây dựng nhân vật cho đến cách đặt tựa cho tác phẩm. Tiêu biểu nhất là quyển Journal du voleur (Nhật ký của thằng ăn trộm), L’enfant crimninel (Đứa bé phạm tội), Haute surveillance (Canh gác nghiêm mật), La douceur du bagne (Sự êm dịu của nhà tù khổ sai). Ngay cả chủ đề tình dục trong tác phẩm của Genet cũng thường được gắn liền với cái bối cảnh này. Trong tác phẩm đầu tay của mình là tập thơ Le Comdamné à mort (Kẻ tử tù), đã manh nha tất cả những chủ đề ưng ý mà Genet sẽ phát triển sau đó…
Trong tập thơ tình này, Genet ngợi ca cái chết với những vần thơ tuyệt vời nhục cảm. Ông dùng những hình tượng tuyệt đẹp nhưng ngôn từ vẫn không hoa mỹ khuôn sáo chẳng hạn như hình ảnh của kẻ sắp bị hành quyết cúi đầu chờ đợi lưỡi dao ngọt ngào của máy chém rơi trên cổ, như thể đang mong chờ vết cắn của tình nhân. Suốt đời, Jean Genet muốn sống với ý nguyện : tuyệt đối không che giấu, không nói dối với chính mình. Trong cái xã hội đầy phép tắc xã giao mà ông đang sống, đó đã là một hình thức nổi loạn. Sinh thời Genet đã từng tuyên bố, lúc còn nhỏ người ta định đoạt mọi thứ cho ông, khi lớn lên ông sẽ không để cho ai quyết định thay cho mình. Suy cho cùng, Genet một con người nhiều lần bị ngồi tù thấu hiểu hơn ai hết hai chữ tự do. Theo ông, ta phải tự giành lấy tự do, chứ không ai cho ta quyền tự do cả".
Chính cũng vì tư tưởng của tác giả đi trước thời đại ông đang sống, mà Jean Genet được nhiều người gọi là một nhà văn nằm trong ‘‘sự canh chừng nghiêm mật của xã hội’’. Theo nhà phê bình Pascal Fouché, đồng tác giả của quyển sách Jean Genet matricule 192.102 (Jean Genet số tù 192.102) nghiên cứu giai đoạn từ những năm 1910 cho đến 1944, tức là từ thuở ấu thơ cho đến những năm phát hành các sáng tác đầu tay, mỗi tác phẩm của Jean Genet tựa như một bản tuyên ngôn nhằm đập phá trật tự xã hội.
Khuynh đảo đa số bằng nghịch lý thiểu số
Theo quan niệm của Genet : cầm bút là gỡ bỏ mọi hình thức kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt đến từ bên ngoài là điều dễ nhìn thấy, nhưng hình thức tự kiểm duyệt do tâm trí đã bị nhồi sọ từ thuở nhỏ với luân lý giáo điều, mới thật sự là vô hình. Có lẽ cũng vì thế mà khi sáng tác, Genet rất triệt để trong cách trực diện vấn đề, không che giấu mà cũng chẳng tự kiểm duyệt.
Nhà nghiên cứu Michel Corvin thì đi xa hơn nữa khi nhận định rằng : Nhà văn Jean Genet là người đi truy tìm vẻ đẹp trong cái xấu. Ông dùng nghịch lý của thiểu số để khuynh đảo quan niệm phải đạo của đa số. Người khác thì hướng thiện, Genet thì chỉ thích tôn vinh cái ác. Michel Corvin cho rằng : điều này càng nổi bật hơn trong các vở kịch của Genet, có những điểm gần giống với kịch của Antonin Artaud, chuyên đề cao sự độc ác của con người.
Theo ông, để hiểu Genet thì nên đọc sách của Jean Paul Satre. Nhà văn Sartre đã từng viết hơn 500 trang (quyển Saint Genet : comédien et martyr) để giải mã hiện tượng Genet và làm lộ rõ chân tướng của nhà văn đồng tính, qua việc đối chiếu hai hình tượng : một bên là ‘‘thánh nhân’’ và bên kia là ‘‘tội phạm’’. Chỉ khi nào họ chết một cách thảm thương thì họ mới được phong thánh tử vì đạo.
Có lẽ cũng vì vậy mà yếu tố dục vọng không thể thiếu trong tác phẩm của Genet vì đối với nét thanh cao chỉ là sự thăng hoa của cái tục, linh hồn học hỏi từ trải nghiệm xác thịt. Nói theo Oscar Wilde, một nhà văn đồng tính khác : đạo đức thanh khiết chỉ là một loại thuốc tẩy, để rửa sạch linh hồn.
Tuấn Thảo
No comments:
Post a Comment