Monday, September 30, 2013

Đối thoại



YVES  CITTON (1) --- CHÂN PHƯƠNG dịch và chú thích

 Cuối hè 2009 tạp chí LA QUINZAINE LITTÉRAIRE (2)ra số chủ đề “ La Critique Littéraire en  question”(Chất vấn phê bình văn học) gồm nhiều bài nhận định, biên khảo, phỏng vấn khoảng hơn hai mươi văn gia, học giả, giáo sư ở Pháp như Marc Fumaroli, Jacques Dubois, Jean Bellemin-Noel, Gérard Dessons, Dominique Mainguenau…
Bài nhận định “Etudes Littéraires et Société de l’Interprétation” của Yves Citton nằm trong phần tạm kết và định hướng tương lai văn học của số báo đặc biệt này. 


Các môn nghiên cứu văn học đang đứng trước một ngã rẽ. Với thế kỷ đang đến, một đàng chúng có nguy cơ lặp lại số phận của ngành thần học. Ngày nay còn ai tiếc nuối cái thời khi  thần học đứng chung với các bộ môn đại học khác? Ai mà không nhìn các đồng nghiệp thần học với nụ cười hơi thương hại - những phế tích lỗi thời từ một quá khứ nặng tín ngưỡng giữa cõi nhân gian thế tục vô thần? (3)
Nhiều chẩn đoán về “xã hội của hình ảnh” , về “suy giảm độc giả”, về “văn hóa mì ăn liền (instantané)” đã hứa trước với chúng ta một thế giới ở đó văn học sẽ không còn chỗ đứng. Tương tự như súng thần công thẳng nòng chỉ còn là di vật lịch sử lạ mắt đối với phần lớn thiên hạ hôm nay, ta cũng có thể tưởng tượng đa số dân chúng Pháp vào năm 2100 hay 2050 ( và có thể sớm hơn là 2010) sẽ không còn hiểu được sự bổ ích của việc viết sách, đăng báo, tổ chức các hội thảo, hoặc dành ra một lục cá nguyệt để giảng dạy vài bài thơ Rimbaud hay một tiểu thuyết của Diderot.Các môn nghiên cứu văn học trong một mức độ nào đó dựa trên sự linh thiêng hóa văn bản, dưới mắt của các thế hệ tương lai điều này rất có thể bị xem là trò dị đoan huyễn hoặc.
Nghiên cứu văn học có thể làm gì để khỏi phải nối bước thần học về nhà kho của những kiến văn cũ càng? Liên kết mật thiết với nhau có ba điều khả dĩ mở ra hướng đi khác trong thế kỷ đang đến.
Trước nhất ta nên nhận diện chính xác những động lực nằm trong lòng các hình thái sản xuất của cải mới tiêu biểu cho thời đại chúng ta. Phần lớn các phạm trù chính trị, kinh tế, nhân học của chúng ta bắt đầu với kỷ nguyên tư bản công nghiệp từng ngự trị hai thế kỷ 19 và 20. Các quan niệm thống soái  và các cách đo lường “lao động”,“phát triển”, “thịnh vượng” của chúng ta trật nhịp hoàn toàn với những gì đang (và nhất là sẽ) tạo nên sức sản xuất thực sự vào thời đại của chủ nghĩa tư bản tri thức(capitalisme cognitive) đang bước đầu thành hình.(4) Kể từ đây chỉ đạo các lĩnh vực sản xuất vật chất sẽ là lô gíc của sự truyền thông/truyền đạt cái phi-vật chất ( logique de la communication de l’immatériel); trong các xã hội dư thừa ( dư thừa tương đối do phân phối bất công) của chúng ta những bài toán về khan hiếm và những xung đột về quyền lực từ đây phần lớn tùy vào mức thu hút sự chú ý (captation de l’attention) hơn là sự chiếm đoạt “đồ vật”.
Điều quan trọng thứ hai là đừng nên mù quáng tin theo các cách nói về “xã hội của kiến thức” , “xã hội của thông tin”, “xã hội của truyền đạt” , thường được dùng để gọi tên các lôgíc xã hội mới. Trái ngược với lối suy nghĩ sáo mòn do mấy từ ngữ ấy chuyển vận, điều xứng đáng được đặt ở trung tâm của năng suất và những xung đột quyền lực đang nổi lên hiện giờ không phải “kiến thức”, “thông tin”, “truyền đạt” mà là  diễn giải (interpretation). Theo đà tự động hóa ngày càng nhiều các hoạt động trí tuệ dựa vào quyền năng của máy tính (ghi nhớ, tính toán, hệ thống hóa, sao chép, nhận diện-nhận dạng), kháng cự lại sự thay thế bằng máy móc một cách mạnh mẽ là các loại công việc liên quan đến sự diễn giải, như một hoạt động phức hợp cao cấp, đa chiều kích, giàu sáng kiến, chủ yếu mang tính dự phóng (une activité éminemment complexe, multidimensionnelle, inventive et essentiellement projective). Một bộ máy có thể  đọc các dữ kiện (“thông tin”), có thể phân loại chúng (“kiến thức”), có thể truyền đạt chúng (“truyền thông”) nhưng không thể diễn giải chúng – có nghĩa là suy tư trên phương diện tính thích ứng phong cách về mặt nghĩa lý, nội hàm, giá trị ứng dụng của một tập hợp ký hiệu trong khuôn khổ một tình huống cùng thực tiễn đã định sẵn (réfléchir en termes de pertinence et de style sur la signification, les connotations, la valeur et l’applicabilité d’un ensemble de signes dans le cadre d’une pratique et d’une situation données).
Sau cùng nên công nhận rằng các môn nghiên cứu văn học và nói rộng ra -- các “khoa nhân văn” -- tạo thành lĩnh vực kiến thức được trang bị tốt nhất để hiểu và thực hành những gì mà hoạt động diễn giải có thể làm một cách phức tạp nhất và phong phú nhất. Khi người ta nhận thức được việc quản trị/điều tiết sự chú ý và những cảm xúc (économie de l’attention et des affects), các vấn đề về phong cách, nghĩa lý, giá trị cùng tính thích ứng đảm trách đến mức nào cả hai vai trò động cơ và hoa tiêu trong mọi phát triển xã hội của chúng ta, làm sao không thấy rằng những gì giới văn học thực hiện trên  các tạp chí, trong những hội thảo với giảng khóa văn học nằm ngay tâm điểm sinh tử nhất  của các vấn nạn hiện nay của chúng ta? Thay vì chịu chung bản án với ngành thần học bị vứt vào nhà kho lịch sử, các môn nghiên cứu văn học trái lại phải được chiếm vị trí xứng đáng ngay trung tâm các cơ chế giáo dục và nghiên cứu về thế giới tương lai, khi mà thế giới ấy hoạt động đồng nhịp với một xã hội của sự diễn giải.
Tuy nhiên với yêu sách về vị trí trung tâm như thế đòi hỏi giới văn học về phần mình phải bỏ công sức suy xét và tổ chức lại công tác giảng dạy và nghiên cứu của họ. Không xếp cùng hàng các “bộ môn” (discipline) khác (đang còn tìm kiếm tính khoa học hay các bằng cớ về tính nghiêm túc thực chứng), các môn nghiên cứu văn học phải được quan niệm như một bình đồ phi chuyên ngành (une plate-forme indisciplinaire)  có nhiệm vụ liên kết, hợp nhất, phê phán, làm bật tung và tách đôi (faire rebondir et bifurquer) các tri kiến bắt nguồn từ những bộ môn “khoa học”. Nghiên cứu văn học phải đúc kết các hậu quả từ sự kiện này: không thể đo lường những ưu điểm của việc diễn giải văn học bằng các ý niệm về chân lý (tương ứng với một dữ kiện đã có) mà phải bằng các ý niệm về gợi tưởng/suggestivité (năng lực làm hiện ra những thế giới khả dĩ khác).
Sau ba thập niên dưới sự thắng thế của duy sử luận /historicisme ( nhiều lúc ngột ngạt, không còn động viên và thiếu sức gợi hứng cho học thuật), đã đến lúc ta phải nhớ lại rằng công việc nghiên cứu các văn bản (văn học hoặc phi-văn học) chỉ dùng đến kiến thức về quá khứ để đóng góp tốt hơn vào cuộc tranh luận về hiện tại và kiến tạo tương lai. Đúng là các môn nghiên cứu văn học đang đứng trước ngã rẽ: bên phải là con đường nền nếp của loại kiến thức thực nghiệm/thực chứng (savoir positiviste) đang dẫn về lối bí của thần học nếu không chịu chất vấn vị thế của mình; bên trái là con đường phi chuyên ngành của các cách đọc hoạt khởi /lectures actualisantes(5) lấy lịch sử và văn bản tính làm dưỡng chất để đóng góp tốt hơn vào những cuộc tranh luận đang định đoạt hướng đi cho các xã hội diễn giải của chúng ta./.
CHÂN PHƯƠNG dịch và chú thích, Xuân Canh Dần, Cambridge, Massachusetts.

CHÚ  THÍCH

1.Sinh năm 1962 ở Genève, nay là giáo sư  tại đại học Stendhal-Grenoble, Yves Citton là một rising star về tư tưởng chính trị và lý thuyết văn học ở Pháp. Chuyên trị về tư tuởng thế kỷ Khai Sáng Pháp vừa là học giả hàng đầu về Spinoza, ông vận dụng kiến thức về triết học và lịch sử của mình vào cách đọc các loại tác phẩm. Bài nhận định ngắn “Nghiên cứu văn học và Xã hội diễn giải” tóm lược nội dung của quyển khảo luận tác giả hoàn thành mấy năm trước đây LIRE,INTERPRÉTER,ACTUALISER, Paris, Ed. Amsterdam,2007.

2.Do nhà phê bình và nghiên cứu văn học Pháp Maurice Nadeau sáng lập, tạp chí văn học và tư tưởng La Quinzaine Littéraire (Bán Nguyệt San Văn Học) đã có mặt từ hơn bốn mươi năm qua bên cạnh các tạp chí văn hóa hàng đầu ở Pháp như Critique, Esprit, Magazine Littéraire, Le Débat, Les Temps Modernes, Nouvelle Revue Francaise…Không chỉ là diễn đàn của giới nghiên cứu, phê bình văn học ,tạp chí này còn được xem như một loại bách khoa về triết học, mỹ thuật và các ngành khoa học nhân văn.

3.Đoạn này là lời mở đầu của ban biên tập La Quinzaine Littéraire cho bài nhận định của Yves Citton. Mấy ý kiến không được lạc quan này phản ảnh sự khủng hoảng hiện nay của các phân khoa văn học càng ngày càng bị mất sinh viên, nhất là từ cuộc suy thoái kinh tế lớn đang diễn ra ở các nước Âu-Mỹ. Tình hình này càng đen tối hơn ở Hoa Kỳ , nơi mà học phí đại học quá đắt đỏ (trung bình vài ba chục nghìn đô la mỗi năm) càng khiến cho các sinh viên cùng phụ huynh tránh né các ngành văn học như English Studies, hoặc Comparative Literature…không có nhiều giá trị kinh tế bằng các môn học thực dụng khác. Tạp chí The American Scholar (mùa thu 2009) vừa đăng một bài nhận định của William M. Chace, “The Decline of the English Department” phân tích các nguyên nhân khiến cho giáo dục đại học chuyên về nghiên cứu văn học ở Mỹ đang xuống cấp (decline) cả về phẩm chất lẫn số lượng sinh viên. Sự mất giá của môn lý luận văn học là một trong các hậu quả của tình trạng mất phương hướng trong học thuật đi kèm với thiếu hụt ngân quĩ ngày càng nghiêm trọng đang kéo các phân khoa Anh văn và ngoại văn đi xuống.

Cũng như Citton biện hộ cho việc diễn giải văn bản, giáo sư Chace đề cao việc đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học lớn. Đây là niềm vui và ý nghĩa của môn văn học, là nền móng cho các phân khoa đại học chuyên về nghiên cứu văn học. Nếu được kết hợp chặt chẽ với môn viết văn và tu từ học, theo Chace, các cách đọc và tiếp cận văn bản sẽ đem lại giá trị thực dụng cho các bộ môn văn học, đồng thời cũng mở ra sinh lộ cho ngành đại học này.

4.Capitalisme cognitive là một khái niệm của giới kinh tế học mác xít Pháp, tương đương với từ knowledge economy ở Mỹ. Đây là hình thái sản xuất cao cấp của chủ nghĩa tư bản ngày nay, liên kết mật thiết với nghiên cứu đại học và tận dụng chất xám như trong kỹ thuật và công nghệ tin học hoặc sinh học

5.Từng giảng dạy nhiều năm ở Mỹ ( tại các đại học Yale và Pittsburg), Citton đề ra một tổng hợp mới cho lý thuyết tiếp nhận văn học (reader-response và reception), một mặt kết hợp minh giải luận (herméneutique) của Gadamer với cộng đồng diễn giải (interpretive community) của Stanley Fish, mặt khác tiếp thu các thành tựu nghiên cứu và phê bình văn học từ Ecole de Genève(Poulet, Starobinski…)với cách đọc sáng tạo của Barthes trong khảo luận đang gây nhiều tiếng vang trong học thuật văn học ở Pháp, Lire, Interpréter, Actualiser, Pourquoi les Études Littéraires? với khái niệm then chốt lecture actualisante.Cách đọc hoạt khởi (lecture actualisante) là cách tiếp cận sinh động với văn bản khi người đọc làm sống lại nội dung của tác phẩm bằng kinh nghiệm văn hóa và nghiệm sinh đặc thù của mình. Đây là một phương pháp triết học minh giải mà Yves Citton đặt tên là ontologie herméneutique, khi văn bản với độc giả hòa nhập thành một thực thể được thăng cấp về nhận thức và nhân cách xuyên qua nỗ lực diễn giải các trang viết phức tạp và giàu ý nghĩa.

No comments: