Monday, September 30, 2013

Bạn đọc và Đêm Thánh Nhân





  Trò chuyện với “đêm thánh nhân”*

 Hoàng Hữu Các
Căn phòng khách của Nguyễn Đình Chính ở 11 Cao Bá Quát bây giờ ngày trước là một xó bếp, lợp phi-brô-ximăng, ở đó có kê một cái bàn nhỏ và một cái giường phản kiểu giường có chân mễ của bộ đội. Đó là nơi trong khuya khoắt Nguyễn Đình Chính viết Đêm Thánh Nhân.
Chính viết nhanh, ngòi bút cuống quít lia trên mặt giấy. Sau mỗi đêm ram giấy in báo Liên Xô trên bàn vơi đi nhiều và những trang viết bị loại bỏ gạt xuống đất cũng nhiều. chính không tỉa tót, tìm từ này, thay chữ nọ. Với Chính, văn chương, hỏng hay được là từng chương, từng mảng chứ không phải từng chữ.
Mỗi cuốn tiểu thuyết là cả một núi công việc, Chính cắm cúi làm một mình, một nhà văn kiêm nhà biên tập, kiểm duyệt và kiêm luôn cả việc tổ chức in ấn, phát hành. Có khi sáng dậy,Chính khoe với tôi: “Đêm vừa rồi viết được hai chương nhưng một chương phải viết lại, để như thế chắc không in được”.
Sách in ra tất cả các trang không có dấu phẩy. Đó không phải là lỗi nhà in. Trên bản thảo của Chính nó vốn đã như thế. Sau này, có một biên tập viên, do yêu quý tác giả đã còng lưng cắm cúi suốt mấy ngày đến đặt lại các dấu phẩy sau các mệnh đề và Nguyễn Đình Chính lại phải mất mấy ngày cặm cụi xóa những dấu phẩy kia đi.
- Đêm Thánh Nhân nói về cái gì?
Một trăm bạn đọc thì có 99 người hỏi câu đó. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên. ở trường tiểu học, khi soạn bài tập làm văn, học trò được dạy điều đầu tiên là “tìm đại ý”. Học lên các lớp trên thì được dạy cách “tìm tư tưởng chủ đề của tác phẩm”. Bao thế hệ đã được dạy như thế và nó đó là trở ngại chính khi họ đọc Đêm Thánh Nhân. Nghệ thuật như ánh nắng, như giọt mưa. Nắng nói gì? Mưa nói gì? Chả nhẽ ánh nắng chỉ nói ấm và giọt mưa chỉ nói mát. Nhân vật của Đêm Thánh Nhân là bác sĩ Cần, một người chuyên trông coi các xác chết, có nhiều người tình nhưng lại bị liệt dương. Những điều ông Cần nói, những điều ông Cần làm đều nửa mê nửa tỉnh, nửa thực nửa hư và thật khó đặt vào một khuôn thước nào.
       Tôi hỏi Nguyễn Đình Chính:
- Người ta nói Đêm Thánh Nhân có hằng số ảo lớn, vậy tính hiện thực của tác phẩm có bị nhẹ đi chút nào không?
- Hiện thực nằm ngay trong cái hằng số ảo ấy. Theo Chính, hiện thực là cái mà người ta cảm thấy chứ không phải cái ta nhìn thấy. Những gì ta nhìn thấy bằng mắt có lẽ chỉ là cái hiện diện chứ chưa phải là hiện thực.
Những ngày viết Đêm Thánh Nhân kỷ niệm chiến tranh ồ ạt hiện về với Nguyễn Đình Chính. Nguyễn Đình Chính thường kể về những chuyện đó - kể liền mạch không ai phanh lại được. Đó là những câu chuyện rất xúc động, bản thân câu chuyện thật đã có cái gì đó lay động tâm hồn ta. Song, trong Đêm Thánh Nhân không hề có những câu chuyện đó. Nhưng không phải vì thế mà cuộc chiến tranh chống Mỹ mà Nguyễn Đình Chính đã từng nếm trải với tư cách là một người lính lại không phả vào Đêm Thánh Nhân, nó còn rất đậm, rất dữ dội nữa là đằng khác.
Đêm Thánh Nhân là cuốn sách khó đọc. Ai đã đọc một trang thì đều muốn đọc tiếp những trang sau. Người đi họp mong chóng tan họp, người đi làm mong mau hết giờ để về nhà đọc tiếp. Số phận các nhân vật lôi cuốn ta, mạch văn, mạch truyện lôi cuốn ta, nhưng khi đọc xong 600 trang sách (tập I) ta lại rơi vào một trạng thái mơ hồ, hình như khó nắm bắt được một cái gì rõ ràng, tất cả đều hư hư thực thực. Ai cũng có thể đọc một mạch hết 600 trang sách nhưng thật khó đọc Đêm Thánh Nhân cho dù người đó là một nhà văn, một nhà thơ, một nhà văn hóa hay một nhà triết học. Cái mà ta có được sau khi đọc Đêm Thánh Nhân có lẽ chỉ là những cảm nhận.
- Trong tập II, số phận của bác sĩ Cần như thế nào? – Tôi hỏi Nguyễn Đình Chính.
- Ông ta gặp một người đàn bà Nam Bộ rất nhiều con. Một phần ba những đứa con của bà chết trong làn đạn của quân ta (vì họ ở phía bên kia chiến tuyến). Một phần ba nữa chết trong làn đạn của quân địch (vì họ ở bên này chiến tuyến). Số còn lại thì giết nhau vì ganh ghét, vì đố kị, vì hãnh tiến… và cũng chết hết. Thế là bà mẹ ấy trắng tay. Vì không còn đứa con nào nên bà ấy vẫn khao khát được làm mẹ, đã 70 tuổi rồi mà bà vẫn như thiếu nữ, da thịt vẫn tươi tắn, mắt vẫn đen láy, vú vẫn tròn căng, rắn như đá cẩm thạch, mái tóc vẫn xanh mướt, bà ấy yêu bác sĩ Cần lắm, nuôi nấng, chăm sóc, chiều chuộng. Nhưng bác sĩ Cần lại bất lực. Tuy thế, bà ấy cũng không nản. Cạnh đó có một khu rừng cùng một bầy vượn. Con vượn đầu đàn là một gã đực rựa vô địch, chấp hết thảy nhu cầu của đám vượn cái. Bà ấy vào rừng, tha thẩn cùng bầy vượn. Hễ con vượn đực ăn lá gì thì bà hái ngay lá ấy, nó ăn quả gì thì bà hái ngay quả ấy đem về làm thuốc cho ông Cần. Nhưng bác sĩ Cần vẫn không khỏi liệt dương. Vậy mà không hiểu vì sao bà ấy lại có thai. Sau chín tháng mười ngày bà ấy đẻ. Vừa vỡ ối xong, bà ấy bỗng như người lột xác. Cái lốt thiếu nữ biến đi đâu mất, hiện nguyên hình một bà già 70 tuổi, tóc như mây, da thịt nhăn nheo, vú lép kẹp như cái vỏ thị.
- Như thế thì cuộc đời của bác sĩ Cần vẫn còn dài?
- Chắc chắn ông bác sĩ dở hơi này sống dai như đỉa cho đến hết trang cuối cùng của quyển sách này.

Nhà văn H.H.C
Hà Nội – Xuân 2000.




“Đêm thánh  nhân “  cõi nào  giữa trần gian

Hàn QuangTự

Cảm tưởng đầu tiên khi đọc xong Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính cho ta một hình ảnh của một sân khấu trên đó diễn viên là những nhân vật nửa người nửa ngợm:
Kẻ thì cụt cả chân lẫn tay, còn lại duy nhất cái thân… cóc.
Kẻ thì đẻ ra quái thai 3 chân 4 tay lều nghều, loằng ngoằng như những cái vòi của con bạch tuộc.
Kẻ thì hiện nguyên hình ma cô, ma cậu, lưu manh, côn đồ, đĩ đực, đĩ cái…
Kẻ thì khóc dở, mếu dở, nửa tức, nửa cười, mặt mày méo mó.
Đó là những con người, sự kiện có thể đã xảy ra ở đâu đó, ở rất xa, và cũng có thể là rất lâu rồi. Nhưng khi gom chúng lại một chỗ và cho chúng nhảy múa, trông chúng thấy khiếp đảm. Nó gợi lại cho ta hình ảnh địa ngục trong các truyện cổ dân gian Việt Nam.
Và lẽ dĩ nhiên một số người rất dị ứng trước màn diễn như vậy.
Đơn giản là tâm trí của họ ưa cái thiện, ghét cái ác. Họ sẵn sàng chấp nhận những hình ảnh của thiên đàng, nhưng cảnh xuống địa ngục thì khó chấp nhận. Và rất có thể họ sợ, khi xem những điệu vũ quái đản đó, quái nhân sẽ nhảy ra vồ lấy họ. Các quái vật ở trên sàn diễn của Nguyễn Đình Chính xem ra có cái thế hung hăng và ngông cuồng lắm.
Rồi tiếng la hét, đánh cồng, đánh chiêng, đập bàn, đập ghế, quỳ bò lê lết, ăn xin, ăn mày, liếm gót, huyênh hoang, khoác lác… nghĩa là đủ các trò đời.
Một lý do đơn giản nữa là họ giật mình (người có tật vẫn thường hay giật mình). Các quái vật trong lúc trình diễn các vũ điệu tự chọn sao trông giống họ đến thế. Cứ như hai giọt nước vậy.
Vậy thì không thể là một màn trình diễn để mua vui cho thiên hạ được. Song khi ta để tâm xem kỹ thêm một chút nữa, ta nhận ra đám nửa người, nửa thú đó chính là loài mặt người dạ thú sống chen lẫn trong xã hội để hù dọa, ăn hiếp, cướp bóc, làm tình, làm tội những kẻ yếu bóng vía. Và Nguyễn Đình Chính đã dùng ngòi bút của mình để lột tả những dã tâm đen tối của chúng. Như vậy, thông qua tác phẩm Nguyễn Đình Chính đã phơi trần bộ mặt thật của những kẻ không có văn hóa và trình bày dưới dạng tác phẩm văn học. Những kẻ dị ứng với tác phẩm Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính không phải lo và giật mình đến thế. Vì những sự kiện, địa danh, tên nhân vật trong truyện đều phi thực tế, phi địa lý và bất tiện dụng. Như vậy là ảo tưởng, Không một ai bị phạm vào danh dự, không một địa phương nào bị bôi xấu, không bóng gió một việc gì. Như vậy là mơ hồ, hai yếu tố ảo tưởng và mơ hồ rất đậm đặc trong tác phẩm. Đáng lẽ điều đó phải làm cho tác phẩm trở nên không giá trị. Nhưng khi đọc lại, ta thấy nó có sức gợi cảm lạ kỳ. Hình như cuộc sống của các dị nhân trong truyện có nguồn gốc từ xa xưa, hình như ta có nghe ở đâu đó. Hình như những hình bóng vật vờ, lởn vởn trong truyện ta thấy ở chỗ này chỗ khác. Những điều làm ta rất ghê khiếp hình như nó là một thế lực mà ta phải kiêng sợ. Như vậy, Nguyễn Đình Chính đã đặt ra một vấn đề triết học: nhân bản – con người trình bày dưới dạng văn học.
Những điều mà Đêm Thánh Nhân trình bày liệu có làm hổ thẹn ai đó không? Không thể biết \.
Thực chất Đêm Thánh Nhân không phải là sân khấu của các quái nhân mà đó là phiên tòa của địa ngục trần gian.
Văn học Việt Nam từ xưa vẫn có thế mạnh miêu tả cảnh bồng lai ở trên trời hoặc cảnh báo ân oán dưới địa ngục. Nhưng thật lạ ở đời nay các thi sĩ vẫn tiếc cảnh trăng, núi, gió, mây, tiên nữ, bồng lai. Đó là cảnh cung trời Đâu-suất. Họ muốn thăng thiên. Nhưng tại sao họ không dám nhìn xuống địa ngục. Thiên đàng và địa ngục là hai mặt đối lập song song tồn tại như hai mặt của một tờ giấy, có cái này mà không có cái kia. Đấy là nét đặc trưng rõ nhất trong văn hóa cổ điển của chúng ta. Và nếu chúng ta tìm lại, chúng ta sẽ thấy những áng văn hay nhất đều thuộc về những đề tài này. Đọc Đêm Thánh Nhân ta thấy các âm hưởng đó vang lên, và ta không thể không rùng mình sợ hãi. Bất ngờ, ta nhận ra tâm linh đang chuyển động. Không như các thi sĩ đời nay, Nguyễn Đình Chính đã chọn con đường đi xuống địa ngục. Hay đúng hơn là anh chọn bác sĩ Trương Vĩnh Cần đi xuống thay anh.
Là một trí thức hiền lành, yêu vợ, bác sĩ Trương Vĩnh Cần đang sống yên ổn, bình yên thì bỗng dưng mắc chứng liệt dương. Đó là trời giáng họa hay đúng hơn là    Nguyễn Đình Chính thay trời giáng một đòn cân não vào tâm hồn bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Cái kiểu trong họa có phúc là quyền năng của trời đất, chuyển họa thành phúc lại là tài năng của con người. Nhưng đối với Trương Vĩnh Cần thì họa rồi vẫn không có phúc vì Trương Vĩnh Cần là người có tội mà khi đã có tội thì dù là tài năng cũng khó được đắc dụng ở đời. Cái tội lớn nhất của Trương Vĩnh Cần là tội hèn nhát. Đó là cái tội trời không dung, đất không tha của một kẻ được coi là đàn ông. Nhưng dù là người có tội cũng có chỗ đắc dụng của nó và Nguyễn Đình Chính đã chủ ý dùng Trương Vĩnh Cần đi gặp các tội nhân. Để đúng như ý của người xưa: Có văn phải biết dụng võ.
Để thông hiểu nỗi nhọc nhằn của thuộc hạ, Nguyễn Đình Chính đã cho Trương Vĩnh Cần được truy hoan với một cô gái rừng chưa tròn 16 tuổi trước khi đi học. Đó là ân huệ riêng của Nguyễn Đình Chính ban cho Trương Vĩnh Cần. Còn người đời với các lề luật riêng của mình thì khép Trương Vĩnh Cần vào trọng tội: Hủ bại, hủ hóa.
Bác sĩ Cần là người không thông hiểu luật trời, cũng như không thông hiểu lòng người nên đã hóa điên lên giữa miền hoan lạc và tội danh.
Người đời nói chung vẫn là vậy. Cái trời ban cho họ đâu biết, cái tội mang tiếng ở đời dễ gì một sớm một chiều gỡ cho ra.
Trong cái ngờ vực của một người ngô nghê, Trương Vĩnh Cần đã đi trong đời với một tâm thức lúc tỉnh lúc mê, gặp hết người này người khác, nghe hết chuyện này đến chuyện khác, để dần dần vỡ ra, dần dần nhận ra: ở trong đời còn có trời đất và cả âm ti địa ngục. Đó là cái lý chính để Nguyễn Đình Chính dệt nên tác phẩm của mình. Nhưng dù lý thuyết có tuyệt vời đến đâu nếu không có nghệ thuật thì tác phẩm cũng là thứ cặn bã của lý trí mà thôi. Với sự hiểu biết sâu sắc về luật cân bằng âm dương, cùng với nghệ thuật của cú pháp, Nguyễn Đình Chính dùng tài năng của mình đã dệt nên một tác phẩm hoàn chỉnh miêu tả công đường dưới địa ngục.
Câu hỏi được đặt ra là: Trong tác phẩm có Diêm Vương đâu? Đao phủ đâu? Có vạc dầu đâu?…
Tất cả có hết, từ Diêm vương đến Đao phủ. Tất cả không thiếu một ai, không thiếu một thứ gì. Tất cả chứa ở trong đầu Trương Vĩnh Cần cũng như trong đầu mỗi độc giả chúng ta. Diêm vương là khái niệm của người xưa để chỉ hỏa ngục mà tượng trưng bằng vạc dầu sôi và lửa. Cho nên khi ta cáu giận ta có cảm giác của sự nóng bỏng sôi sục. Đó chính là lửa hỏa ngục đang dâng lên trong ta. Như vậy, Diêm vương là khái niệm tiêu hủy thể xác. Cho nên ta đâu ngờ: trong đầu ta vẫn thường xuyên xuất hiện nhiều ước mơ. Rồi trí óc giúp ta hiểu rằng nếu ta gắng sức, ta sẽ đạt được những điều cao đẹp đáng quí và ta nhận ra có những điều nếu ta phạm vào ta sẽ bị khép vào hình phạt. Như thế ngay trong đầu ta con đường thiện và con đường ác đã bày hiện. Vấn đề là ta sẽ chọn con đường nào, nếu ta chọn con đường ác thì tất yếu đó là con đường dẫn xuống địa ngục.
   Nguyễn Đình Chính đã sai Trương Vĩnh Cần đi gặp các tội nhân để ta thấy các tội danh của chúng.
Do đó, mặc dù địa ngục là thế giới âm, đời là dương gian. Âm dương cách trở không dễ gì biết được nhau. Nhưng với việc để một người mắc chứng tâm thần đi lang thang lúc tỉnh, lúc mê, Nguyễn Đình Chính đã rất có lý làm cho âm dương đan xen vào nhau trong trạng thái đồng đồng, cốt cốt, tỉnh tỉnh, mê mê của Trương Vĩnh Cần. Lúc tỉnh,  Trương Vĩnh Cần nghe các vui sướng, khổ buồn của các tội nhân, khi mê quá khứ đó mới là nguyên nhân dẫn đến sự thọ lãnh các nghiệp quả, nhân duyên: ác giả, ác báo, luân hồi, bể khổ của kiếp người trầm luân. Đó mới thực là cái vòng khép kín của một kiếp người trong thế giới âm dương ở mảnh trời Nam đất Bắc này. Và cũng như thế ân oán vay trả đã được phơi bày.
Trong Đêm Thánh Nhân, Nguyễn Đình Chính đã sai Trương Vĩnh Cần đi bắt các tội nhân về quỳ chung trong một công đường: trong cái đầu của Trương Vĩnh Cần. Những kẻ bướng bỉnh, ương ngạnh, khó dạy, khó uốn nắn. ở đó, chúng ta nghe thấy có tiếng rên rỉ, tiếng oán trách, tiếng quằn quại vì dát, bỏng… với một thủ pháp như vậy, Nguyễn Đình Chính đã bày trước mặt độc giả những tội ác dẫn đến địa ngục, cũng như cái cần phải trả của một kẻ tội lỗi muốn làm lại cuộc đời để trở nên lương thiện. Để cho lời của cổ nhân được ứng nghiệm:Thiên đàng tại tâm  .Địa ngục tại tâm
Đó là điều rất kỳ diệu, và đó cũng là lần đầu tiên văn học Việt Nam hiện đại có thể giúp người đọc giơ tay chạm tới địa ngục mà không hề sợ bị tổn thọ. Đó cũng là điều mà những nhà văn chúng ta qua Nguyễn Đình Chính có thể tự hào : rằng thế giới nội tâm là thế giới mà chỉ có nghệ thuật văn chương mới miêu tả được. Đó phải là vinh hạnh riêng cho các nhà văn. Vì không một nghệt thuật nào có thể làm thay nó được.
Lại nữa, cái chìa khóa để Nguyễn Đình Chính có thể dắt bạn đọc hào hứng đi hết 600 trang sách mà không biết mệt mỏi, đó là nhân vật Trương Vĩnh Cần. Như đã nói y là người có tội, nhưng y cũng là người vô can. Vì y có liệt dương đâu, y chỉ liệt dương với mụ vợ già nua lúc nào cũng chỉ lên mặt dạy chồng. Mụ đàn bà đó đã trở thành đàn ông từ lâu rồi. Trong khi đó cái khao khát làm tình của người đàn ông đã dày vò làm khổ sở Trương Vĩnh Cần và y đã phạm tội. Nguyễn Đình Chính đã thấu hiểu, chính vì thấu hiểu mà thông cảm, chính vì thông cảm mà  Nguyễn Đình Chính đã tìm cách gỡ tội cho Trương Vĩnh Cần. Cho nên trong 600 trang sách ta luôn thấy sự hóa thân của Nguyễn Đình Chính vào  những kẻ cặn bã của xã hội để giúp Trương Vĩnh Cần đối mặt với tội lỗi, để giúp Trương Vĩnh Cần nhận ra…
.
Nhưng tâm hồn Nguyễn Đình Chính phức tạp hơn chúng ta tưởng. Với việc để Trương Vĩnh Cần truy hoan với Ma Thị Thảo 16 tuổi. Trong suốt câu chuyện, Nguyễn Đình Chính luôn đặt trong ta câu hỏi: Có đáng ra tay cứu vớt một con người tội đến như thế không? Một con người hủ bại đến như thế không? Và trong suốt câu chuyện, Nguyễn Đình Chính luôn lật ngược lại vấn đề cho ta nhận ra rằng cái khát khao được lưu truyền giống nòi vốn là bản tính tự nhiên của con người. Đó là công cuộc văn hóa. Như thế là Trương Vĩnh Cần là người có văn hóa bị bóp nghẹt. Và y đã gây tội với cô bé Ma Thị Thảo. Oán như thế có thể gọi là đã trả xong, nhưng ân thì chưa. Đó cũng là vòng ân, oán, vay, trả, luân hồi Đó là mũi dao chích vào lòng tự trọng của ta. đó là ảo giác, nó đọng lại trong tâm hồn ta, tuy ta luôn nghĩ là ta sẽ không làm như thế. Nhưng trong tâm thức ta thèm khát điều đó.Ta phải từ chối nó chỉ vì lề luật xã hội không cho phép. Những mâu thuẫn tình cảm, lý trí, đó là một thủ pháp: trong đó tác giả đối thoại với độc giả, độc giả đối thoại với tác giả, rồi bạn đọc nhận ra cuộc đời của các nhân vạt trong truyện và cuộc đời của bạn . Nguyễn Đình Chính đã đi đến lô-gích tâm lý hiện đại: phân-tâm-học-tâm-lý. Điều đó buộc chúng ta phải im lặng như ta vẫn thường tỏ thái độ im lặng trước những gì quá bất ngờ. Nó mới mẻ quá, lớn quá, ta bị ngập trong cảm giác rờn rợn khi ta nhận ra vũ trụ này bao la quá, náo nhiệt quá, còn ta đã cô đơn từ lâu rồi, từ rất lâu rồi! Như Nguyễn Đình Chính đã nhận ra trước ta.
        Đêm Thánh Nhân là một cuốn sách được đọc một cách âm thầm như số phận nó phải có. Những ảo giác nó gây nên làm linh hồn ta rung động. Những lời thoại của các nhân vật như những ánh đèn đỏ trong đêm tối giúp ta nhận ra lối đi, những ký ức từ dĩ vãng được dựng dậy làm bừng tỉnh tâm thức ta. Tất cả những điều phức tạp này có được là nhờ nghệ thuật ngôn từ sành điệu của Nguyễn Đình Chính. Đôi chỗ ta thấy anh đã cố tình bỏ quên những dấu phẩy, dấu chấm, những đại từ, trạng từ… Đó không phải là sai sót, mà đấy chính là nghệ thuật đã làm chủ kỹ thuật. Chính lúc đó ta thấy kỹ thuật chỉ là thứ dụng cụ phục vụ mục đích của nghệ thuật. Người nghệ sĩ thích quăng đi lúc nào thì quăng. tôi không có ý khen ngợi điều này vì đó không phải là điều hay cho số đông các nhà văn đang bì bõm học viết. Không phải là người phi thường không làm được điều đó mà kẻ giả cầy thì quá đông. Điều mà khiến tôi ngưỡng mộ là thái độ của anh. Khi gọi các tội nhân đến công đường, Nguyễn Đình Chính không đưa ra một hình ảnh Diêm vương, hay một kẻ luận tội nào. Làm như thế Nguyễn Đình Chính đã tự hạ mình xuống ngang hàng với độc giả, nhường phần phán quyết cuối cùng cho trí óc minh mẫn của bạn. Nhưng chính vì lẽ đó mà chúng ta phải nghiêng mình, khi ta nhận ra rằng ta không đủ sức phán quyết, ta bắt buộc phải tìm đến anh. Người đã cho ta biết thế nào là ân, thế nào là oán thì người cũng sẽ cho ta biết thế nào là công bằng. Đó là lý do tại sao ta phải lùi lại nghiêng mình tỏ lòng tôn kính để được chiếu cố.
H.Q.T - Hà Nội – Việt Nam 2000

No comments: