Trần Thiện Huy
Trần gian là thế đấy ư?
Vậy thì, lại một lần nữa đi!
(“Zarathustra” – Nietzsche)
Mấy hôm trước lỡ dại nói chuyện thơ với biên tập viên – nhà thơ Đỗ Quyên, tôi liền bị phân công viết ngay một tiểu luận về thơ. Chẳng biết có phải anh Đỗ Quyên muốn tập cho tôi tính cẩn thận hơn khi lần sau mở miệng nói về một chuyện mình không biết chăng, vì thật sự anh biết rất rõ là tôi không có nghiên cứu về thơ, dù, cũng như những độc giả quan tâm đến các biến chuyển của văn học trung bình khác, tôi cũng có đọc thơ đôi khi.
Nói
như thế, không phải tôi cho là thơ hiện đại đã đánh mất sự thu hút và
không còn ý nghĩa đối với nhà phê bình. Những gì đã được nói ra có lẽ
chỉ là những gì có thể được nói ra; đối với chúng ta, thơ hiện đại vẫn
là một miền hoang hư kỳ ảo đầy những sinh vật kỳ lạ, mỗi loài có tiếng
nói riêng của chính mình. Những mỏm đá, bãi hoang, những dòng sông, vũng
lầy của nó biến hình liên tục truớc mắt nguời đọc, và bên ngoài phần
lãnh thổ nhỏ nhoi đã có một dạng bản đồ tuơng đối khả dĩ, miền đất ấy
vẫn thách đố chúng ta giải thích những đỉnh cao bí hiểm, cũng như những
lối ngầm tối tăm của nó, và đứng truớc miền đất này, độc giả chúng ta
lập lại những băn khoăn mà nguời Ấn Độ cổ xưa đã đặt vào lời nói của nữ
thần Devi:
Hỡi Shiva, đâu mới là thực tại của người?
Vũ trụ đầy kỳ diệu này thực ra là gì?
Cái gì tạo thành chủng tử?
Ai làm trụ quay cho bánh xe toàn thể?
Cái gì là sự sống cao hơn hình tướng và nằm trong mọi hình tướng?
Làm thế nào người ta buớc hoàn toàn vào nó,
trên cả không gian và thời gian
tên gọi và mô tả?
Hãy giải trừ nghi vấn của ta!
Đến
đây tôi bỗng gặp phải một cảm giác ngờ ngợ kỳ lạ, như mình vừa tìm thấy
một điều gì phảng phất quen thuộc. Sực nhận ra, đã có những ý niệm khác
tồn tại song song giữa thế giới của văn minh Ấn Độ cổ đại, và thơ ca
của chúng ta ngày nay. Chúng ta đang tranh cãi về những điều mà có lẽ đã
được tranh cãi từ ngàn xưa, vì cội cây trí tuệ được loài nguời thừa kế
mỗi mùa sẽ phải ra trái lại một lần. Nhất là trong thời đại của chúng
ta, không phải thiếu lý do để được coi là “thời của các tiên tri giả”,
khi những ảo tuởng, dối trá và những chân lý xương máu có hàng ngàn năm
tuổi va chạm quyết liệt với những gì mới mẻ - cũng bao gồm cả dối trá và
chân lý trộn lẫn – chúng ta không thể tìm chỗ trú ẩn trong bất cứ sự
khôn ngoan ước lệ nào, nhưng cũng cần được nhắc nhở là không một tập thể
nào trong lịch sử lại đơn độc hay đặc thù trong việc khám phá các ý
nghĩa bất tận của cuộc đời.
Đặc
biệt, chính từ một thảo luận trong môi trường diễn đàn Hội Luận này gợi
ngay cho tôi đến ý tưởng đặt song song ý tuởng của hai thời đại, không
phải để so sánh – một việc làm muôn đời khập khiễng – mà để đạt đến một
thái độ cảm thông muôn đời vốn là hành trang và nhu cầu thiết yếu nhất
của sự phê bình. Mấy ngàn năm truớc khi Nguyễn Đình Chính viết những
dòng này:
ối thơ ơi là thơ
cục cứt nát bay đi đâu bay giờ
cục cứt nát chỉ có chóp
cục cứt nát thì làm gì có cánh
và
giao hợp đi đồng bào ơi
phóng đạn tinh trùng
săn lùng tổ quốc
(những
dòng mà chính tôi cũng còn ngại không muốn ghi lại), các bậc hiền giả
của Ấn Độ đã kiến giải như sau về con đường giác ngộ:
“Người
khôn ngoan nên giải trừ những uế tạp trong tâm trí mình bằng sự uế tạp…
con người phải vươn lên bằng chính cái mà qua đó mình đã ngã xuống.” (Hevajra Tantra). Kinh Candamaharosana Tantra
liệt kê những tế vật mà hiền giả đuợc dâng cúng và phải thụ dụng (mà
người viết bài này chỉ dám trích dẫn một ít, để khỏi xúc phạm quá mức
đến sự nhạy cảm của con người văn minh: phân, nước tiểu, nước bọt, nước
rửa chén, đồ nôn mửa… Những kẻ “biến phân và nước tiểu thành vật thực,
sẽ đạt đuợc cực lạc”, kinh Guhyasamaja Tantra hứa hẹn. Ta tạm
dừng lại ở sự trùng hợp về chất liệu sống đuợc hai thế hệ, hai nhân cách
khác biệt nhau sử dụng để tạo ra hai ý nghĩa khác biệt; những ý nghĩa
này sẽ trở lại với chúng ta một cách tự nhiên hơn là sự phân tích, thông
diễn (hermeneutic) theo cái hiểu cá nhân hạn hẹp, và dĩ nhiên, có phần
khiên cưỡng của người viết bài.[1]
Có
lẽ sau hơn mấy trăm năm giáo dục Nho gia, và một thế kỷ của cái mà
Foucault gọi là “bio-politics” nhập cảng từ phương Tây, ở một đất nước
xa lạ với Ấn Độ, chúng ta mới bắt đầu manh nha nhìn nhận một khía cạnh
bị ức chế (kể cả trong một chủ đề bị ức chế là tình dục!) - đó là những
hình ảnh xấu xí và “ô uế” gắn liền với sinh lý của tình dục. Và trong
một khuôn khổ thi ca, hay bất cứ loại hình văn hoá nào có tính cách tư
tưởng, trí thức, những nội dung ấy đều nhận được sự đánh giá rất ư khuôn
khổ, “giai cấp” rằng nó tối nghĩa và hỗn độn. Với thái độ cấp tiến,
chúng ta có thể khuyến khích những phát biểu mới lạ, hy vọng trong đó có
một vài viên ngọc sẽ được đãi ra bởi ai đó, (nhất là trong thời kỳ hậu
hiện đại này, khi mà mọi sự tối nghĩa, bí hiểm được hứa hẹn là đều có
một ý nghĩa sâu xa cần phải giải mã), nhưng người đó chắc hẳn sẽ không
phải là chúng ta. Xa hơn nữa, chúng ta có thể ưa thích những ngôn từ
“cứt, cặc, vân vân” như một sự nổi loạn, một thách thức những ngột ngạt
của xã hội, nhưng ngay từ chính sự ưa thích đó đã nói lên rằng, người
làm thơ, viết văn hay nghị luận kiểu ấy sẽ không dễ gì được coi là bình
đẳng và là đồng nghiệp với những nhà thơ lãng mạn, vẫn trung thành với
mắt huyền, với mây mùa thu, hoa buổi sớm. Hai loại người viết có hai địa
vị xã hội khác nhau; và hai loại ngôn từ cũng theo đó mà không thể đứng
chung trong một sự xếp loại. Gạt bỏ đi những yếu tố thời thượng, thơ
vẫn là thơ phản kháng đối mặt với thơ chính thống, và sẽ khó có ai nhắc
đến Nguyễn Đình Chính hay Bùi Chát, Lý Đợi cùng với Xuân Diệu trong một
đoạn văn, nếu không có dụng ý bài bác nào.
Là
những người thừa kế những nền văn hoá phát triển cao về truyền thống
hành chính, văn hoá Trung Quốc và Âu châu, chúng ta đã quá quen sống với
những hình thức kiểm duyệt và lệ thuộc vào sự phán xét của những tiền
lệ nó đã tạo ra trong quá khứ [2].
Đối với lãnh vực tình dục, sự kiểm duyệt đã đóng khuôn nó, và những sự
phát biểu về nó, trong cái scientia sexualis của Foucault, nghĩa là
trong một ý thức hệ thăng hoa, cao cả và lành mạnh đối với sự thăng bằng
xã hội. Trong hệ thống ấy, sự diễn đạt những đối tượng “ô uế”, như
Freud giải thích, là một sự ngưng cố (fixation) vào những ẩn ức tuổi
thơ, mà con người không lớn vượt lên khỏi đó đuợc, một khiếm khuyết hay
bệnh lý tồn tại cơ hữu trong con người (dù là trong mọi con người!). Đối
lập với nó là cái mà Foucault gọi là ars erotica, của những nền văn hoá
như Ấn Độ, tìm đến sự chuyển đổi ý thức cố hữu cho con người, sự giải
trừ tri kiến, tìm về cội nguồn những quy luật lớn lao hơn của sự sống.
Đối với họ, mọi hình tướng đều là hư ảo, và mọi pháp đều bình đẳng; mỗi
hiện tượng đều chứa đựng cái toàn thể và không có gì tồn tại ở bên ngoài
bất cứ hiện tuợng nào. Tinh thần trực quan, chỉ chứng, Tat tvam asi
(Ngươi là y như thế) của họ đuợc đại chúng hoá qua cách diễn đạt nổi
tiếng của Thiền học: “Phật (hay vô vị chân nhân, Tạ Tốn, tùy theo ngữ
cảnh) hay cục phân bò cũng thế, chẳng khác gì nhau”.
Đối
với tôi, thơ của chúng ta ngày nay vẫn chưa đi đến chỗ đó, dù rằng
tương lai của nó đi về đâu vẫn chỉ là sự phỏng đoán của mọi người. Khi
Nguyễn Đình Chính viết “phóng đạn tinh trùng, săn lùng tổ quốc”, ông đã
nghĩ đến “tổ quốc” trước rồi mới nghĩ đến “tinh trùng”, sự khác biệt
giữa chủ đề và tu từ. Có lẽ đó chính là lý do làm nhiều người ghét thơ
ông và nhiều người ủng hộ, vì thái độ chính trị, vì quan điểm văn nghệ. Ở
đây, sự “dơ bẩn” và sự “vô nghĩa” lại hơi có chiều hướng trái ngược
nhau; một diễn ngôn chính trị-xã hội quá rõ ràng chính là cái làm cho
thơ Nguyễn Đình Chính “dơ bẩn” và xúc phạm với nhiều người. Cũng vậy,
“cứt” chẳng qua chỉ là một phương tiện cho ông diễn đạt sự thất vọng với
“thơ” hay nghiệp thơ. Ý nghĩa ở đây chẳng có gì mới lạ hay lập dị;
chúng ta nhận ra nó ngay, và chúng ta căm ghét hay ủng hộ nó vì thế. Có
thể nói, chúng ta đã bắt đầu he hé mở cánh cửa đã bị đóng chặt sau lưng
những người Ấn Độ kia, và đã ghé mắt nhìn vào, lợi dụng chút ánh sáng từ
bên ngoài, nhưng không biết đến bao giờ chúng ta mới dám bước hẳn vào
trong ấy và phát hiện ra cái nửa còn lại của thế giới biến mất từ lâu
dưới cái nhìn của chúng ta, bị nhấn chìm trong vùng đen vô thức và chỉ
trong các giấc mơ về đêm mới hiện được ra dưới những hình ảnh biến dạng,
huyễn tưởng mơ hồ.
Thử nhìn thêm vào một vài ví dụ khác, mà tôi đã vội vàng thu thập đuợc khi chuẩn bị bài này:
Những
lời văn gây sốc vang lên như những cái đập đầu vô vọng vào bức tường
kiêng kị trong tính dục; âm điệu và ngôn ngữ của một nhân cách thơ trong
cơn điên loạn, cọ xát lý trí để tìm cảm giác tối đa:
hay
tôi đưa em ra thị nghè đêm ba mươi. để em dạng cẳng làm thi sĩ. để là
chính mình trong các câu thơ tứ tuyệt. để em chảy máu sau mỗi một bài
thơ.
(“Tôi còn nứng, tôi cứ chơi” – Lynh Bacardi)
Tiếng rên rỉ dòng nước trắng ứ bầu vú.
Em vật vã cánh cửa mình chưa kịp khép kìa…
(“Chở thuê” – Lynh Bacardi)
Hay dòng “chửi” từ đó tuôn ra những âm thanh chen lấn, ồ ạt đến nghẹn cổ trong cơn tức giận lồng lộn:
Và ngày mai lại biểu tình nứng (…) cùng một bìu.
(“Cặc đương thời” - Nguyễn Quốc Chánh)
Thơ
của Nguyễn Đình Chính, của Lynh Bacardi, của Nguyễn Quốc Chánh đã thực
hiện được tác động công phá ít nhiều vào bức tường thành ngôn ngữ và ý
thức của con người Việt Nam, bên cạnh những công phá vào thượng tầng
chính trị và luân lý/ xã hội. Chúng ta, trong những giây phút công bình
và khai phóng nhất của mình, nhớ đến họ, và dành cho họ sự tôn trọng có
thể như đối với những con người bức xúc đến mức phẫn uất truớc cái ngột
ngạt đè nén có thể mang hay không mang một khuôn mặt. Rồi sau họ một
ngày nào đó sẽ có những thử nghiệm mới, những thách thức mới nhằm thẳng
vào ý thức văn minh của chúng ta, buộc chúng ta phải nhìn nhận những đối
tượng “tục tĩu”, không phải chỉ là ẩn dụ, mà là những thực tế sống
động, bị che dấu, sợ hãi lâu nay. Để làm gì, một sự chuyển biến mà gần
như không có gì khác hơn là “nói tục” vô tội vạ trong thơ, một sự nói
tục mà thế hệ Nguyễn Đình Chính có khi không hình dung nổi vì nó chẳng
nhằm “đập phá” cái gì cả? Hẳn là nó sẽ đưa đến gần hơn với lý tưởng của
thơ ca, là một ngôn ngữ trong vắt của một thế giới không ai đến đuợc,
một ngôn ngữ mà sau khi mọi xung động đã trầm lắng xuống, vẫn giữ được
âm điệu an nhiên tự tại và bao dung.
Có lẽ còn lâu lắm chúng ta mới vòng trở lại được đến chỗ cái hồn nhiên quái quỷ của Nguyễn Đức Sơn:
Anh đứng đó cởi quần cho em đái,
Đái đi em, đái nữa đi em.
Ôi, em chưa đái mà lòng anh đã ướt.
(Người viết chép từ trí nhớ, không nhớ tên bài thơ cũng như không chắc lắm về ngôn từ chính xác).
Dĩ
nhiên, Nguyễn Đức Sơn cũng muốn tạo ra một phát biểu đối kháng (dù là
nhẹ nhàng) với những quy ước xã hội. Dĩ nhiên, đó cũng không phải là một
cảnh tượng trực quan, một phát ngôn chỉ chứng. Nhưng người ta tuởng
tuợng rằng cái cảnh ấy rất thật trong đầu óc ông chứ không phải một ẩn
dụ, rằng nếu tìm được một “em” nào cho phép, ông sẽ làm thế thật, và
rằng có lẽ trên một cõi địa đàng nào đó, có lẽ có những cặp tình nhân
đang thản nhiên làm điều ấy trước con mắt rình trộm của nhà thơ. Những
sự “ô uế” tồn tại trong trạng thái rất tự nhiên, không mang theo một giá
trị luân lý nào, một phản xạ có điều kiện nào được ghi sẵn vào não
trạng. Ở đây người ta cuời, rất ngô nghê nhưng cũng rất thoải mái, như
trong những khung cảnh sung suớng và yêu đương thời nguyên thủy. Nó gợi
nhớ lại cái trâng tráo trinh bạch, cái tự nhiên tính trong ca dao cổ:
Hôm qua lên núi hái chè,
Gặp thằng phải gió….
Lịch sử kể rằng, tại các thành phố Rome và Pompeii
cổ, người ta dựng bên đường những tuợng dương vật thẳng đứng, dưới có
khắc dòng chữ: HIC HABITAS FELICITAS (hạnh phúc cư trú ở đây). Có một
khuynh hướng vẫn đi theo loài người từ những nền văn minh cổ xưa đến bây
giờ, đó là sự hoài niệm trạng thái nguyên sơ, niềm hạnh phúc viên mãn
giữa cái Đại tự nhiên không nảy sinh một ý niệm phân biệt. Không ai biết
được trên thực tế, những trạng thái ấy có nhất thiết đối lập với sự
nhạy cảm văn minh của chúng ta, quan niệm lành mạnh xã hội của chúng ta;
vì vậy, không một sự lãng mạn nào kêu gọi sự hủy bỏ những nguyên tắc,
mực thước trong ngôn ngữ xã hội hoá, quy ước hoá. Nhưng thơ ít nhiều là
kẻ kế thừa của những chủ nghĩa bí nhiệm; nó luôn hoài nghi mọi sự áp đặt
và mọi hình tướng, và dù đang ở trên chặng đường nào, thì đích cuối
cùng của nó cũng hướng về sự thanh thản và phóng nhiệm của con nguời.
Xét nghĩ không nhà thơ nào cho rằng cứu cánh của mình là làm “dơ bẩn”
ngôn ngữ như nhiều người đã phê phán; có thể nói, trên con đường mà ngày
xưa các đạo sỹ Ấn Độ cổ đã đi để đến nơi gặp gỡ một ý thức mới, các nhà
thơ của chúng ta ngày nay có vẻ như đang đập phá và công kích một cách
quá khích, chính là vì từ bấy đến nay, lịch sử đã dựng nên vô số những
chướng ngại dọc đuờng. Tôi tin là cần phải cho họ thời gian, và như trên
đã nói, khi những mâu thuẫn đã lắng dịu trong tâm hồn, thì thơ đã trở
nên trong suốt hơn và sẽ phản ánh rất chân thật sự bình an và khát khao
cuộc sống mà nhà thơ và những người đọc kiên nhẫn vừa mới tìm thấy
đuợc.
Houston, 28/5/2008
________
[1]
Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy khắp nơi những ví dụ trong sự tế tự
của Ấn Độ cổ xưa, và một hoá thân của nó là Mật tông Tây tạng, về việc
sử dụng những biểu tượng từ kém thanh khiết đến dơ bẩn, cả trong nghi lễ
lẫn trong nhân thân của các vị thần, được coi như những ẩn dụ về vũ trụ
và về con người đúng nghĩa. Chẳng hạn như sự tôn thờ nhóm nữ thần đuợc
gọi chung là mười vị Mahavidyas, hình dáng xấu xí, hung dữ, và có những
hành vi gắn liền với sự dơ bẩn, thấp kém, vô luân theo quan niệm văn
minh. (Kinsley, David. The Ten Mahavidyas, Berkeley, 1997)
Trong
Phật giáo Tây Tạng, Ngũ trí Như lai cũng được liên hệ với năm thứ “vật
thực” ô uế: Bảo Sanh Phật với máu, Vô Luợng Quang Phật với tinh dịch,
Bất Không Thành Tựu Phật với thịt người, Bất Động Phật với nước tiểu,
Đại Nhật Phật với phân. (Wayman, Alex, The Buddhist Tantras: Light on Indo-Tibetan Esotericism, New York 1973)
[2]
Tuy nhiên, cũng nền văn hoá ấy đã hun đúc một phong thái phản kháng
luôn tiềm ẩn trong cung cách kẻ sỹ, và biểu lộ qua nhiều tài năng sáng
chói nhất của nó – phong thái ngông ngạo, phá cách xen lẫn chua chát,
tuyệt vọng. Chẳng hạn như phong thái của Nguyễn Hữu Huân trong bài thơ
vĩnh biệt: “Phản thần, đ.m. đứa cười ông”. Văn học hiện đại của chúng ta có lẽ là một mảnh đất rất tốt cho hạt giống ấy từ những mùa trái quá khứ nảy mầm.
No comments:
Post a Comment