Sunday, September 22, 2013

Ralph Waldo Emerson


Ralph Waldo Emerson
(1803 - 1882)

Ralph Waldo Emerson, nhân vật hàng đầu trong thời kỳ của ông, đã có ý thức về một sứ mệnh có ý nghĩa tôn giáo. Mặc dù nhiều người lên án ông là đã phá hoại Thiên Chúa giáo, ông giải thích rằng, với ông “để phụng sự Chúa tốt hơn ông cần phải ra khỏi nhà thờ”. Bài diễn văn ông đọc năm 1838 ở trường học của mình, trường Harvard Divinity (Harvard Hiển Linh) khiến ông lại cấm cửa suốt 30 năm. Trong bài này, Emerson kết tội Giáo hội là đã hành xử “như thể Chúa đã chết” và đã nhấn mạnh các giáo điều đồng thời bóp nghẹt đời sống tinh thần của con người.

Triết lý của Emerson được gọi là triết lý ngược, và đúng là ông đã có ý thức tránh xây dựng một hệ thống lý luận logic vì một hệ thống duy lý như thế sẽ phủ nhận niềm tin lãng mạn của ông vào trực giác và tính bất định của tâm hồn con người. Trong tiểu luận Self-Reliance (Tự tin vào mình) của ông, Emerson nhấn mạnh: “Sự kiên định ngu si là lũ quỷ trong những đầu óc bé nhỏ”. Tuy vậy, ông đã kiên định một cách phi thường trong lời kêu gọi khai sinh chủ nghĩa cá nhân Mỹ, lấy tự nhiên làm cảm hứng sáng tạo. Hầu hết những ý tưởng chủ đạo của ông: nhu cầu về một tầm nhìn quốc gia có tính đổi mới, phát huy các kinh nghiệm cá nhân, khái niệm Linh-Hồn-Toàn- Năng của vũ trụ và chủ thuyết đền bù, được đề cập đến trong tác phẩm đầu tiên của ông, Nature (Tự nhiên - 1836). Tiểu luận này được mở đầu như sau:
Thời đại chúng ta đang quay nhìn lại quá khứ. Nó xây lăng tẩm cho thế hệ cha ông. Nó viết tiểu sử, lịch sử và phê bình. Những thế hệ đi trước chiêm ngưỡng Thượng đế và thiên nhiên một cách trực diện, còn chúng ta nhìn Thiên nhiên và Thượng đế qua cái nhìn của họ. Tại sao chúng ta lại không sẵn lòng trong mối quan hệ nguyên sơ với vũ trụ? Tại sao chúng ta lại không có loại thi ca kiến giải nội tâm mà không đi theo truyền thống, và một tôn giáo mặc khải cho chúng ta, chứ không phải lịch sử của các tôn giáo và truyền thống của họ. Được bao bọc suốt một mùa bởi thiên nhiên, những cơn lũ của dòng đời tuôn trào, tràn qua chúng ta, dùng hết quyền năng dồi dào của chúng để mời gọi chúng ta hành động hài hòa với tự nhiên, vậy thì tại sao chúng ta lại dò dẫm trong đám xương khô của quá khứ...? Ngày hôm nay mặt trời vẫn soi sáng. Ngoài kia trên cánh đồng có thêm nhiều len và bông. Có thêm những miền đất mới, những con người mới, những tư tưởng mới. Chúng ta hãy yêu cầu có được những tác phẩm, những luật lệ và sự tôn thờ của riêng ta.
Emerson yêu thích Montaigne, một thiên tài trác tuyệt người Pháp thế kỷ 16, chuyên viết tiểu luận. Ông đã từng nói với Bronson Alcott rằng ông muốn viết một cuốn sách giống như cuốn sách của Montaigne “đầy chất thơ, tràn ngập niềm vui, thần tính, triết lý, dụ ngôn và các truyện thông tục”. Ông trách cứ rằng văn phong trừu tượng của Alcott đã bỏ đi “cái ánh sáng lấp lánh trên nón của con người, và trên cái thìa của một đứa bé”.

Kiến quan tâm linh và cách diễn đạt vừa thâm thúy sâu sắc vừa thực tiễn khiến cho văn Emerson sinh động, đầy phấn khích. Một trong những nhà văn theo phái Siêu nghiệm ở Concord đã so sánh rất hay giữa việc nghe ông nói chuyện với cảm giác “vọt một phát lên tới trời”. Phần lớn những kiến giải tâm linh của ông bắt nguồn từ việc nghiên cứu tôn giáo phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ giáo, Khổng giáo và Đạo thần bí Hồi giáo (Sufi). Ví dụ, bài thơ Brahma của ông dựa trên nguồn gốc Ấn giáo để khẳng định trật tự của vũ trụ là vượt khỏi cảm quan giới hạn của con người có sinh có tử.
Nếu kẻ sát nhân hung ác biết hắn đang chém giết
Hay người bị tàn sát biết mình bị hại
Họ không hay biết những con đường huyền ảo
Tôi đã giữ, đã vượt qua, và rồi quay trở lại.

Cả những gì xa xôi, bị quên lãng với tôi đều quen thuộc
Bóng tối và ánh sáng, có gì đâu, là một
Những thiên thần biến đi lại trở lại tôi;
Nỗi ô nhục, niềm vinh quang với tôi cũng là một mà thôi

Họ đã nghĩ xấu và rời bỏ tôi
Khi họ bay đi, tôi chính là đôi cánh;
Tôi - kẻ nghi ngờ và mối hiềm nghi,
Tôi là khúc tụng ca vị giáo sĩ ngân nga

Những thần linh oai vũ mong muốn chốn trú ngụ của tôi
Và ước ao vô vọng về Bảy Đấng thiêng liêng.
Nhưng em, người yêu dịu hiền của điều thiện
Hãy tìm tôi, và cùng quay lưng lại với Thiên đường.
Bài thơ này, in trong số đầu tiên của tạp chí Atlantic Monthly (1857), làm cho độc giả bối rối ngỡ ngàng bởi Brahma, vị thần Ấn Độ giáo cao nhất, linh hồn vĩnh cửu và vô tận của vũ trụ còn xa lạ với họ. Emerson khuyên độc giả của mình: “Hãy bảo họ đọc tên Jehovah thay cho Brahma”.

Nhà phê bình người Anh Matthew Arnold nói rằng những tác phẩm quan trọng nhất viết bằng tiếng Anh của thế kỷ 19 là những bài thơ của Wordsworth và những tiểu luận của Emerson. Là một nhà thơ - văn xuôi vĩ đại, Emerson đã có ảnh hưởng lớn đến một loạt các nhà thơ Mỹ, bao gồm Walt Whitman, Emily Dickinson, Edwin Arlington Robinson, Wallace Stevens, Hart Crane, và Robert Frost. Ông cũng được thừa nhận là người ảnh hưởng đến tư tưởng triết học của John Dewey, George Santayana, Friedrich Nietzsche và William James.

KÌì sau : Henry David Thoreau
(1817 - 1862)

No comments: