Lê Đạt |
Phạm Tường Vân
Câu
chuyện của chúng tôi bắt đầu từ giữa năm 2002 cho đến tháng 1/2003,
trên căn gác bé nhỏ chứa đầy tạp phẩm số 9 Lãn Ông, trong những lần tôi
có dịp ra Hà Nội thăm ông, “lợi dụng” tư cách một học trò nhỏ để rón
rén gợi lại một ký ức nặng nề. Có thể nói đó là lần đầu tiên ông vượt
qua những trở ngại tâm lý để có một cái nhìn toàn diện về quá khứ. Một
câu chuyện dài hoàn toàn thiếu vắng tiếng cười bất hủ thường ngày của
Lê Đạt, nhiều lần bị ngắt quãng khiến cho tôi không dám đào sâu …
…Tiếc rằng sau đó, vì nhiều lý do khác nhau
mà chúng tôi phải tạm ngưng việc công bố để đợi một dịp thích hợp.
Nhưng giờ đây, tôi muốn chia sẻ cuộc trò chuyện này với mọi người như ý
nguyện của ông lúc sinh thời, và chỉ công bố những thông tin đã được
ông chấp thuận.
Tuy nhiên, cũng xin độc giả thứ lỗi vì một
đoạn ngắn đã được trích dẫn sử dụng cho phần tiểu sử của ông tại Hội
thơ Văn Miếu Quốc Tử Giám Xuân 2007 và một số thông tin đã không còn
tươi mới như mong muốn.
Sau đây là thư riêng của nhà thơ Lê Đạt cho ý kiến về bài phỏng vấn này:
Hà Nội 16/3/2003
Vân,
Bác đã xem và chữa lại. Cháu không cần chữa nữa. Kể cả phần câu hỏi của cháu.
Những từ nghệ sĩ chiến sĩ kêu to quá và
không có lợi. Chúng dễ khiến người ta hiểu lầm và sinh sự không cần
thiết. Hơn nữa nó không hợp với không khí của bài viết.
Cháu lưu ý cho bác.
Có gì hay viết thư cho bác.
Chúc hai mẹ con khoẻ vui và hạnh phúc
Thân,
LĐ
P/S : Nhận được thư, điện ngay ra cho bác
Đây là phần Intro của tôi đã bị BBC cắt bớt.
“Người thiểu số”, “mồ côi tuổi trẻ”, “kẻ khổ
sai tự nguyện”, “kẻ lưu đày nội xứ”, “người lạc quan ngoan cố”, “kẻ phi
thân phận” …v.v ngày càng nhiều biệt danh ông tự đặt cho mình, để rồi
“hóa giải” bằng một tiếng cười đầy sảng khoái. Nhưng nối các mắt xích
đó, ta sẽ nhìn thấy một bức họa lập thể – một bức chân dung kém vui về
ông và các bạn của ông.
Bóng buồm khuất cõi xanh biển nhớ
Nẻo trần vàng vỡ mộng chồn chân…(thơ Lê Đạt)
Thật ra, ông là ai?
Phần còn lại trên BBC:
Hồi tháng Giêng 2003, nhà báo Phạm Tường
Vân, hiện sống tại Sài Gòn, có cuộc phỏng vấn với nhà thơ Lê
Đạt (1929-2008) nhưng toàn bài nói chuyện chưa được đăng tải
trên các báo Việt Nam.
Nay BBC Tiếng Việt xin giới thiệu bài với sự đồng ý của người phỏng vấn. Trước câu hỏi của nhà báo “Thật ra, ông là ai?“
Lê Đạt: Thú thật với chị tôi
cũng chưa xác định được tôi là ai. Con người vừa là “một” vừa là
“nhiều”. Chỉ khi đậy nắp quan tài đi sang thế giới bên kia người ta mới
biết đích thực mình là ai. Việc xách định ấy bao giờ cũng quá muộn vì
chẳng ai có thể trở về từ thế giới bên kia để trả lời những người sống
mình đích thực là ai. Tôi đành giới thiệu với chị một chân dung phần
nào chính thức về Lê Đạt: Chị đừng nghĩ tôi nói đùa. Có một nhà thơ lớn
người Bồ Đào Nha tên là Fernando Pessoa, ông viết dưới nhiều bút danh,
mỗi bút danh có một tiểu sử một phong cách khác nhau. Ông tâm sự “tôi
tự cảm thấy gần những người mình đã tạo ra hơn là gần chính bản thân
mình.”
Nửa thám tử tự chung thân theo rõi
Nửa xổng tù thơ đổi chứng minh thư
…Theo khai sinh, thì tôi sinh năm 1929, tức
tuổi Rắn. Nhưng bà cô ruột nuôi tôi từ bé lại khẳng định tôi sinh năm
1928, tức là tuổi Rồng. Để vừa lòng chính quyền cũng như vừa lòng người
đã nuôi mình, tôi xin phép nhận mình là tuổi Rồng-Rắn.
Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh…
Không biết có phải do vậy mà tôi thích làm thơ từ rất sớm chăng?
Cho anh tìm
những vùng quên tuổi dại
Thuở trăng sim soi lại bãi ú tim khờ
Phạm Tường Vân:Thời “tuổi dại” của ông như thế nào, trước khi nó vĩnh viễn bị tước đoạt?
Lê Đạt: Giá ai tịch thu tuổi
dại cho tôi thì hay biết mấy, vì chị biết không, mặc dầu năm nay đã
ngoài 70 tuổi, tôi vẫn thấy mình chưa chấm dứt được tuổi dại.
Ngoan cố thất tình tim vẫn mải
Khờ biết bao giờ hết dại yêu
Phạm Tường Vân:Ba mươi năm “lưu đày nội xứ” , quá dài trong cuộc đời một con người. Giả sử điều đó không xảy ra, bây giờ ông là ai?
Lê Đạt: Đúng, 30 năm không là
gì với lịch sử nhưng là quá dài với đời sống mỗi con người. Khi tôi và
anh Trần Dần cùng các bạn khởi xướng tập Giai Phẩm Mùa Xuân, châm ngòi
cho phong trào Nhân Văn Giai Phẩm sau này, tôi mới 25 ngót nghét 27
tuổi. Có thể nói là tuổi trẻ của tôi bị ngắt ngọn quá sớm, tôi đã mồ
côi tuổi trẻ.
Giả sử điều đó không xảy ra, bây giờ tôi là ai
ư? Tôi không phải thầy tướng số để có thể trả lời chị. Chắc chắn tôi
vẫn là Lê Đạt, nhưng là Lê Đạt một cách khác.
Phạm Tường Vân: Trong khi hoàn toàn không có khả năng thay đổi tình thế, ông đã làm gì để cho nó ngắn lại?
Lê Đạt: 30 năm ấy thật là
dài, nhưng không phải không có lợi đối với tôi. Tôi đã “chạy” được một
tấm thẻ đọc ở Thư viện Uỷ ban Khoa học Xã hội. Vừa may lúc đó, các đoàn
thể Việt Kiều tại Pháp gửi về rất nhiều sách mới. Và ngoài thời gian
đi lao động, ngoài thời gian dịch sách –kiếm tiền, tôi đã đọc sách từ 8
đến 10 giờ một ngày. Nhiều khi tối về phải ăn cơm nguội, con gái cả
của tôi đã nói nửa đùa nửa thật: “Bố mê cô nào mà đi miết thế?” Những
năm đó là những năm hạnh phúc nhất đời tôi – Đó là những năm du học
tuyệt vời mà không cần chạy chọt Ban Tổ chức.
Phạm Tường Vân: Ông nổi
tiếng là người lạc quan. Nhưng hình như sự “lạc quan ngoan cố” mà ông
luôn tỏ ra ấy không cứu nổi những giây phút cực kỳ cô đơn và tuyệt
vọng. Ông từng có ý định tự tử?
Lê Đạt: Tôi đã hơn một lần có
ý định tự tử, nhưng gay gắt nhất không phải là vào thời kỳ bị kỷ luật –
thời kỳ đó tôi còn mải đọc, mải viết, mải lo nghĩ đến vợ con và nhất
là nghĩ đến việc phải làm được một cái gì đó để chứng tỏ cho những
người hành hạ khinh bỉ tôi lúc bấy giờ biết rằng tôi không phải một
“tên phản động vứt đi” như họ tưởng. Sau chuyến đi Pháp thứ hai năm
1999 về nước, tôi bỗng bị bệnh tật triền miên. Tôi có mấy câu thơ tự
hoạ được nhiều người yêu thích:
Tuổi lú lẫn, ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngơ không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba…
Lúc này tôi có cảm giác như thượng đế đã phát
hiện ra tôi đi nhầm tầu, bắt buộc tôi phải lấy vé về già. Hàng tuần
liền thức trắng – lại thêm bệnh viêm đại tràng, động ăn chút gì khác lạ
là bị tào tháo hành hạ…
Tôi có thói quen ngày nào cũng đi bộ mấy vòng
Bờ Hồ và viết mấy câu thơ để tập luyện. Trong những ngày chán nản ấy,
tôi cũng vứt bỏ luôn thói quen hàng 40, 50 năm này. Tôi đã tìm hết cách
chạy chữa cả Đông y lẫn Tây y nhưng đều vô hiệu. Tôi cảm thấy cuộc
sống của mình bắt đầu vô dụng, mình đã bắt đầu làm phiền mọi người. Tôi
hay nghĩ đến cái chết của Hemingway:
“Người ta có thể chết nhưng không thể bị thua”
Tôi đã viết sẵn một lá thư vĩnh biệt:
“Như mọi người đã biết trong mấy năm nay, tôi
hết sức chống đỡ bệnh tật nhưng không có kết quả. Cái gì người ta khen
tôi người ta cũng đã khen rồi, cái gì người ta sỉ vả tôi, người ta cũng
đã sỉ vả rồi. Tôi chủ động đi trước cái chết bệnh tật một bước. Tôi
không oán thán ai cả, chỉ e mỗi một điều làm phiền lòng những người
thân, bạn hữu và những độc giả yêu mến tôi…”
Phạm Tường Vân: Nghĩa là ông đã mấp mé cái chết. Điều gì đã ngăn cản ông không ra đi?
Lê Đạt: Vợ tôi, không phải vì
những lời khuyên can hay khóc lóc của Thúy (tên vợ tôi), vì Thúy có
biết gì về dự định ấy của tôi đâu. Để các bạn hiểu rõ thêm, tôi xin
phép được nói đôi điều về vợ tôi. Gia đình Thuý là một gia đình nông
dân nghèo, mẹ, bị chồng bỏ theo vợ lẽ, phải lần mò lên tận Thái Nguyên
(thuở đó Thái Nguyên là xa lắm) cùng với đàn con nhỏ khai hoang kiếm
sống. Vợ tôi phải ăn mày cửa Phật một thời gian khá dài.
Nhà mẹ vợ tôi là cơ sở cách mạng, hai anh của
Thuý một người làm bí thư chi bộ xã, một người đi bộ đội. Hồi cải cách
mẹ vợ tôi bị quy là gián điệp và anh cả bị quy là Quốc Dân Đảng chờ đem
ra xử bắn. Thuý đương được ở Đoàn Kịch Trung Ương, lúc nào cũng nơm
nớp bị đưa về xã để đấu tố. Thì vừa lúc sửa sai bắt đầu – cả nhà may
mắn thoát nạn, và Thuý trở thành nữ diễn viên trẻ xuất sắc nhất của
Đoàn kịch nói Trung Ương.
Xem Thuý diễn “Chiến thắng Nghĩa Lộ” và “Hàng
ngũ Hoà Bình” Nguyễn Huy Tưởng đã bốc đồng nói với tôi: “Cô Thuý đúng
là một tài năng!”. Vừa hết hạn của mẹ và anh, thì Thuý lại lâm vào hạn
của chồng. Khi ấy, Thuý mới 18 tuổi. Ngày nào cũng có những cán bộ tốt
bụng đến vạch rõ “bộ mặt phản động của Lê Đạt” và khuyên cô cắt đứt với
tôi.
Người ta luôn lục balô của cô để xem có chứa
chấp tài liệu phản động gì không… Các anh của Thuý cũng khuyên cô nên
cắt đứt… Chỉ có bà mẹ là không nói gì, thỉnh thoảng bà chỉ nói nhỏ nhẻ
một câu: “Con người không nên ăn ở thất đức”. Bà cũng chỉ dám nói khẽ
vậy thôi. Người ta đã vẽ ra trước mắt Thuý một tương lai tươi sáng như
thế nào nếu Thuý cắt đứt với tôi và ngày nào cô cũng “được kiểm thảo”
để phân rõ đúng sai. Nhưng Thuý nhất định không chịu chỉ vì một lý do:
“Tôi thấy anh Lê Đạt không giống những lời các anh nói”. Và lập tức cô
không được làm diễn viên nữa, bị đẩy xuống làm phục trang và bị đối xử
như một con chiên ghẻ.
Có một điều chắc chắn là không có vợ tôi, thì
tôi có lẽ đã thân tàn ma dại rồi. Tôi đã làm lỡ cả cuộc đời nghệ thuật
của cô và cô vì tôi mà mắc bệnh suy nhược thần kinh cho đến bây giờ.
Khi tôi được phục hồi danh dự, chị Song Kim có
nói với Thuý: “Em làm giấy khai thành tích đi, chị sẽ chứng nhận để em
được công nhận là nghệ sỹ ưu tú, không có thiệt quá”. Thuý cảm ơn chị
Song Kim nhưng nhất định không làm: “Mình đã mất cả một cuộc đời, danh
mác mà làm gì”.
Suốt đời đối với vợ tôi mang nặng một mặc cảm
tội lỗi. Được phục hồi, tôi còn nhúc nhắc sáng tác được, nhưng Thuý thì
được cái gì ngoài chứng bệnh suy nhược thần kinh tê buốt khắp mặt đến
mức nhiều khi không thể hé được miệng. Nhưng Thuý vẫn vui vẻ và nhất là
chăm chỉ luyện tập thể dục. Nhiều đêm mất ngủ tôi thấy Thuý tập “Suối
nguồn tươi trẻ” và ngồi thiền cho đến khi rất khuya, rồi sáng lại dậy
sớm kiên trì tập không hé răng phàn nàn một câu vì sợ làm phiền tôi và
các con.
Chính nghị lực ấy, chính bài học không lời ấy
đã trụ tôi lại với cuộc sống. Tôi thấy mình lẳng lặng bỏ đi như thế là
không phải đối với vợ. Và tôi bỗng nhớ đến đoạn kết một truyện ngắn “Lá
thư tuyệt mệnh” tôi viết năm 1994:
“Phàm mọi việc trên đời nhất thiết không nên vội, đặc biệt khi làm chữ và khi sắp tự tử.”
Phạm Tường Vân: Khi 20 tuổi, ông tâm niệm điều gì?
Lê Đạt: Khi 20 tuổi, tôi đã khát khao cách tân thơ Việt. Đến tuổi ba mươi, bốn mươi vẫn thế.
Phạm Tường Vân: Và bây giờ, khi đã ở tuổi U80?
Lê Đạt: Sức khoẻ tôi đã giảm
sút nhiều, bệnh tật triền miên, nhưng tôi vẫn “lạc quan ngoan cố” vẫn
ngày ngày đi bộ quanh Bờ Hồ và cố gắng khoẻ để tiếp tục làm thơ như tôi
đã từng làm một nửa thế kỷ qua.
Phạm Tường Vân: Gia nhập sớm
nhưng có vẻ như thơ ông được biết tới khá muộn, cách những người như
Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán một khoảng khá xa về thời gian lẫn
không gian. Trong thâm tâm, ông nhìn nhận đóng góp của họ cũng như của
ông ra sao đối với giai đoạn lịch sử này ? Với nền văn học nói chung và
nhóm Nhân Văn nói riêng? Vị trí, vai trò, sứ mệnh mà ông tự nhận thức
đối với thế hệ của mình? Đối với nền thơ Việt?
Lê Đạt: Năm 1951 tôi tham gia
chiến dịch giải phóng Lào Cai và gặp Trần Dần tại đó. Hai anh em bàn
rất nhiều về thơ thế giới và trong nước. Lúc ấy chúng tôi đều rất thích
nhà thơ Nga Mayakovski và những bài thơ cách mạng của ông. Ngoài rất
nhiều ý kiến tản mạn có một ý kiến quan trọng về thơ Tố Hữu – cả hai
chúng tôi đều nhất trí cho rằng anh Tố Hữu là một nhà thơ của cách mạng
chứ không phải một nhà cách mạng thơ vì bút pháp của anh căn bản là
bút pháp của thơ Mới năm 1930.
Hoà bình lập lại, tôi không ngờ rằng ý kiến đó
đã khởi xướng lên một cuộc phê bình thơ tập Việt Bắc. Cùng với việc phê
bình thơ Việt Bắc, Trần Dần và tôi rủ Văn Cao, Hoàng Cầm, Tử Phác ra
một tập thơ trên cơ sở tự do sáng tác. Bài của ai người đó chịu trách
nhiệm với chủ đề chống công thức quan liêu và một phong cách khác thơ
tiền chiến. Chính trong các cuộc trao đổi này hẳn anh Trần Dần đã đề ra
khẩu hiệu làm mất lòng rất nhiều nhà thơ lớp trước “Hãy chôn thơ tiền
chiến” và ít lâu sau tập Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời.
Lúc này Phùng Quán chưa tham gia nhưng Quán đã
là một nhà văn trẻ hết sức nổi tiếng với cụm cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn
Đảo”. Bản thân tôi cũng chưa biết mặt Phùng Quán. Một hôm đương làm
việc tại toà soạn báo Văn Nghệ – số 2 Hai Bà Trưng, tôi thấy một anh bộ
đội cấp Trung sĩ đến tìm và tự giới thiệu “Em là Phùng Quán”. Vui
chuyện tôi hỏi Phùng Quán: “Bọn mình định ra một tập thơ, cậu có muốn
tham dự không?” Quán rất thú vị và đưa cho tôi bài “Chị quét rác”. Tôi
quen và thân với Phùng Quán từ đó. Nhưng khi đưa việc Phùng Quán tham
gia, có mấy anh không bằng lòng. Một anh nói “Phùng Quán nó là đàn em
không ngồi cùng chiếu với anh em mình được”. Tôi nói đùa (tôi vốn có
tật hay nói đùa): “Đây là việc làm thơ chứ có phải việc làng đâu mà
chia ra chiếu trên, tiên chỉ với thứ chỉ”. Lời nói đùa ấy đã làm phiền
đến một người bạn, nó trở thành biệt hiệu của anh.
Tưởng làm chung với nhau một tập thơ cho vui,
ai ngờ hậu quả của nó lại nặng nề đến thế. Tập thơ ra đời được ít ngày
đi đâu cũng thấy người ta xì xào hai câu thơ:
“Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà/Chỉ
thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” của anh Trần Dần và mấy câu “Những kiếp
người sống lâu trăm tuổi/Ỳ như một dãy bình vôi/ Càng sống càng
tồi/Càng sống càng bé lại” của tôi.
Trần Dần, Tử Phác đương đi tham gia cải cách
ruộng đất thì bị Cục Quân Pháp bắt, tôi bị “giữ” ở Ban Tuyên Huấn Trung
ương 15 ngày để kiểm thảo và cuốn “Giai Phẩm Mùa Xuân” bị tịch thu.
Thú thật nhận được giấy triệu lên Ban Tuyên
Huấn tôi vốn vẫn cho là một việc hiểu lầm. Khi tôi lên trụ sở Ban Tuyên
Huấn Trung ương ở phố Lý Thường Kiệt thì anh Tố Hữu còn bận làm việc
trên gác. Tôi thấy cuốn Giai Phẩm Mùa Xuân để trên bàn với chi chít
những dấu hỏi, những dấu chấm than và những lời nhận xét của chính Tố
Hữu. Tôi rất thuộc nét chữ của anh vì chúng tôi đã làm việc bên anh
nhiều năm.
Bên mấy câu thơ vô hại của tôi: “Bay cho cao!
Bay cho xa!”. Tôi thấy nhận xét của anh ghi bằng bút bi đỏ: “Bay đi
đâu? Hay là bay vào Nam với Mỹ Diệm”. Tôi giật mình biết rằng cái công
việc “làm vui” của mấy anh em đã vô tình trở thành một vụ án chính trị
nguy hiểm.
Phạm Tường Vân: Từ Giai Phẩm
Mùa Xuân đến tờ báo Nhân Văn, từ chủ trương “chôn thơ Tiền chiến” đến
đấu tranh đòi quyền dân chủ và tự do sáng tác, các ông đã đi một bước
khá xa: từ nghệ sĩ lên chiến sĩ. Liệu nó có phải là con đẻ của một trào lưu dân chủ mà các ông du nhập qua sách báo? Xin ông cho biết thêm chi tiết về vụ án này
Lê Đạt: Về vụ án này, nhà văn
Pháp George Boudarel đã phân tích rất nhiều trong cuốn “Trăm hoa nở
trong màn đêm nước Việt”. Và anh có nhận xét rằng Giai Phẩm Mùa Xuân bị
ảnh hưởng của phong trào “trăm hoa đua nở” bên Trung Quốc vì Trần Dần
đã sang Trung Quốc và chịu ảnh hưởng của Hồ Phong.
Khi sang Paris năm 1997, tôi có gặp Boudarel và
đã trình bày để anh rõ rằng Trần Dần và tôi đều bị ảnh hưởng nặng nền
văn hoá Pháp, đặc biệt là Voltaire và Russeau, chúng tôi mít đặc tiếng
Trung Quốc và có thể Trần Dần chỉ vô tình đã nghe thấy nhắc đến tên Hồ
Phong tại một quán sủi cảo hay vịt quay nào đó. Hơn nữa, Giai Phẩm Mùa
Xuân xuất bản vào tháng Giêng năm 1956 mà phong trào “trăm hoa đua nở” ở
Trung Quốc đến tháng 5 năm 1956 mới mở màn. Nghe nói lần tái bản
Budarel có sửa lại.
Tháng 6 năm 1956 khi ở Trung Quốc bắt đầu phong
trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” thì ít thời gian sau ở Việt
Nam cũng bắt đầu có phong trào “mở rộng dân chủ” trong văn nghệ. Anh
Tố Hữu tự kiểm điểm về công tác lãnh đạo văn nghệ và không khí trong
giới Văn nghệ chưa bao giờ sôi nổi như vậy. Nổi bật lên trong phong
trào đó là anh Nguyễn Hữu Đang, anh gần như là người phát ngôn của lớp
học. Tôi xin giới thiệu mấy nét về anh Nguyễn Hữu Đang. Anh là cán bộ
văn hoá lâu năm của Đảng, có một vai trò hàng đầu trong Phong trào
truyền bá Quốc Ngữ do Đảng phát động trước Cách mạng. Trong kháng chiến
chống Pháp, do bất đồng ý kiến với một số cán bộ lãnh đạo, anh Đang bỏ
công tác về ở Thanh Hoá và cũng thôi không sinh hoạt Đảng.
Sáng kiến ra một tờ báo là của Nguyễn Hữu Đang.
Anh nói với Nguyễn Đình Thi đại ý “tao sẽ ra một tờ báo để bọn Giai
Phẩm Mùa Xuân” làm.
Do hoạt động lâu năm ở Hà Nội trước cách mạng
nên anh Đang quen biết rất nhiều trong giới in ấn. Lúc này Trần Dần, Tử
Phác đã được thả và “Giai Phẩm Mùa Xuân” cũng đã được tái bản. Nhưng
anh em chỉ mới nghĩ đến việc tiếp tục ra tập san chứ không nghĩ đến
việc ra báo vì đa số chúng tôi đều là người sáng tác mà ra một tờ báo
thì quá có rất nhiều việc phức tạp vượt quá sức mình.
Tuy thế chúng tôi ủng hộ việc Nguyễn Hữu Đang
ra báo. Vì Trần Dần và tôi đều bận việc riêng nên anh em Giai Phẩm Mùa
Xuân cử Hoàng Cầm tham gia với Nguyễn Hữu Đang.
Lúc đó tờ báo chưa có tên và không biết Đang
hay Hoàng Cầm đã nghĩ ra tên Nhân Văn. Được ít ngày trước không khí hết
sức sôi nổi của anh em với việc ra báo, Trần Dần nói với tôi: “Hoàng
Cầm nó dễ bị lôi kéo, mày phải tham gia mới được”. Vì anh em vẫn đánh
giá tôi là người có nhãn quan “chính trị” nhanh nhạy và “lập trường”
tương đối vững, có thể “đối trọng” với Nguyễn Hữu Đang được.
Vậy là ban phụ trách của tờ Nhân Văn gồm Nguyễn
Hữu Đang, Hoàng Cầm và tôi. Anh Hoàng Cầm phụ trách việc lấy sáng tác
của anh em văn nghệ sĩ, còn Đang và tôi thì chịu trách nhiệm về đường
hướng chung của tờ báo. Đang nói với tôi: “Hay là cậu làm chủ nhiệm”.
Tôi trả lời “Mình là đảng viên sao có thể làm chủ nhiệm được, có lẽ ông
nên đứng tên vì ông thôi sinh hoạt Đảng đã lâu rồi”. Nguyễn Hữu Đang
lắc đầu “Mình cũng không làm được”… Và Đang bất ngờ (?) đưa ra sáng
kiến đề cử cụ Phan Khôi. Đó là một sáng kiến cực hay và cũng hết sức
đột ngột.
Tôi lại phải nói một vài lời về cụ Phan Khôi.
Cụ Phan quen tôi từ kháng chiến chống Pháp và ở cùng cơ quan Văn nghệ
với tôi đến ba bốn năm, nhưng hai bên ít có quan hệ, một là tôi thuộc
lớp hậu sinh, hai là cụ Phan rất khó tính và ít muốn giao tiếp với
người khác. Nhưng sau khi Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, cụ Phan rất thích
bài “Bình vôi” của tôi nên quan hệ giữa hai người có “ấm” hơn.
Không biết Nguyễn Hữu Đang hay Hoàng Cầm là
người đến mời cụ, chỉ thấy Đang nói lại với tôi là: “Cụ Phan tỏ ra hết
sức hào hứng”. Là một trong mấy người phụ trách chính của tờ báo, tôi
thấy có trách nhiệm phải đến thông báo với cụ một cách sòng phẳng: “Tờ
báo làm việc trong hoàn cảnh rất du kích nên chúng tôi không có điều
kiện đưa cụ duyệt các bài với tư cách là chủ nhiệm đâu”. Cụ Phan trả
lời ngay “Tôi đứng tên là để chịu trách nhiệm, còn mọi việc là do các
ông làm”. Rồi cụ cười rất to.
Báo Nhân Văn đương in số 5 thì bị đình bản.
Người trong nước, ngoài nước, rồi giới hữu trách đã có ý kiến rất nhiều
về tính chất của tờ báo Nhân Văn. Tôi phải nói khẳng định với chị
rằng: tất cả anh em Giai Phẩm Mùa Xuân chỉ muốn ra tờ Nhân Văn nhằm đấu
tranh với những hiện tượng quan liêu và mất dân chủ trong sinh hoạt xã
hội. Trần Dần và tôi (tôi nghĩ cả Nguyễn Hữu Đang nữa) quá rõ lực
lượng của Đảng để làm một chuyện rồ dại là “chống lại” sức mạnh hùng
hậu đó bằng một tờ báo. Hơn nữa trước sau chúng tôi vẫn là những người
làm thơ, coi thơ là sự nghiệp chính của đời mình và không có tham vọng
chính trị. Tôi rất tin ở tính khách quan của thời gian và sự công minh
của lịch sử.
Chúng tôi chưa làm được gì nhiều cho văn học vì chúng tôi bị “hoạn nạn” quá sớm.
Phạm Tường Vân: Trong trường
hợp này, ta có thể lý giải thế nào: bi kịch tạo nên nhân cách hay nhân
cách tạo ra bi kịch? Sau những gì đã xảy ra, ông có nghĩ rằng, bi kịch
đôi khi chính là nguồn dinh dưỡng hay một thứ vắc – xin của tâm hồn,
mà mỗi nhà thơ (trẻ) để phòng ngừa chứng hoang tưởng hoặc ưa làm dáng,
trước hết nên dọn một món cho mình?
Lê Đạt: Bi kịch không tạo ra
nhân cách và nhân cách cũng không tạo ra bi kịch. Bi kịch đứng về mặt
khách quan mà nói, ít nhiều đều có tính chất bất hạnh. Bi kịch có thể
tôi luyện một tính cách nhưng cũng có thể huỷ diệt một tính cách. Tôi
chưa bao giờ coi bi kịch là một chất dinh dưỡng cho tâm hồn. Bi kịch
không phải là phép thể dục dưỡng sinh. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi
nhạt nhẽo sáo mòn tuyệt đối không nên đến khách sạn 5 sao, cửa hàng đặc
sản gọi cho mình một món bi kịch. Và càng không nên tự bịa ra một bi
kịch để tập dượt.
Muốn tránh khỏi nhạt nhẽo và sáo mòn nhà thơ
phải tha thiết với nghiệp thơ của mình, luôn nuôi dưỡng tình chữ bằng
một lao động chữ cần mẫn, khổ luyện, và một quá trình học hỏi (nên học
thêm một hai ngoại ngữ để có thể đọc được nguyên bản vì đọc thơ dịch là
một việc vạn bất đắc dĩ). Mayakovski khuyên nhà thơ phải luôn sẵn sàng
ở tư thế người làm thơ, nẩy được một ý hay, chụp được một hình ảnh
đẹp, một tập hợp từ đắt phải ghi ngay vào sổ coi như một kho hậu cần
dồi dào thường xuyên cho thơ.
Một trong những khuyết điểm của các nhà thơ trẻ
là còn làm thơ chơi bời quá, chưa coi nó là một việc nghiêm túc nhất
của đời mình. Các nhà thơ trẻ còn quá quen với cách làm thơ ngẫu hứng.
Ai cũng biết cảm hứng là cần nhưng cảm hứng chỉ là khởi đầu, sau đó là
mồ hôi và sự vật lộn với từng con chữ. Một nhà thơ đã nói đùa: “thơ là
một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi.”
Lẽ dĩ nhiên không phải người nào cũng được như
Đỗ Phủ “làm một câu thơ quỷ thần không khiếp kinh, chết không nhắm được
mắt”. Trong các sách người ta thường nêu gương nhà văn hào Nga
L.Tolstoy viết đi viết lại bốn lần bộ tiểu thuyết khổng lồ “Chiến tranh
và hoà bình” và thường nhưng lại nêu gương Tào Thực đi bảy bước làm
bảy câu thơ, làm như người làm thơ càng nhanh càng tài giỏi.
Nếu vậy thơ là một cuộc chạy đua tốc độ còn gì.
Đó là hình ảnh sai lạc về người làm thơ. Tào Thực đã phải thức nhiều
đêm trắng, đọc hàng bồ sách Thánh hiền, và luyện tập vã mồ hôi mới đạt
được cái trình độ thượng thặng đó.
Và các bạn trẻ cũng chẳng phải đi tìm bi kịch ở đâu xa. Nó ở ngay trước mặt các bạn khi các bạn đã chọn nghiệp làm thơ.
Hai chục thế kỷ đã có bao nhà thơ có tài, tưởng
họ đã tiêu thụ hết kho chữ, mình là kẻ sinh sau đến muộn lại nhặt
chiếc găng thách đấu lên tay, kiên quyết tìm cho ra một góc nhìn mới
lạ, một cách nói lạ, một ngôn ngữ của riêng mình, bản thân nó đã là một
bi kịch hết sức to lớn.
Công cuộc cách tân thơ Việt và các nhà thơ
tiếng Việt nhiều tham vọng cách tân hiện nay thì sao? Một nền thơ muốn
sống phải luôn luôn thay đổi hay như người ta quen nói “luôn luôn phải
cách tân”.
Cuộc cách tân trong thơ Việt Nam đương đại tiếp
tục diễn ra ở thế hệ mới từ Nguyễn Quang Thiều đến các nhà thời thơ
của thời mở cửa như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh,… Họ chưa
có những thành tựu đáng kể nhưng người ta có quyền tin vì tất cả đều
thấy phải viết khác Thơ Mới năm 1930.
Ở các nhà thơ Việt Nam ngoài nước gần đây, tôi
cũng thấy cùng xu hướng tìm tòi ấy. Cách tân một nền thơ là một công
việc gian nan và lâu dài, không thể sốt ruột được. Tôi đã cố gắng làm
tất cả những gì tôi có thể làm được với tư cách một nhà thơ yêu nước và
yêu chữ. Tôi đã nhọc lòng với việc cách tân thơ Việt và sẽ tiếp tục
cho đến khi nào sức mình còn có thể làm được. Còn kết quả nhiều hay ít
thì xin để dành cho giới phê bình và độc giả mà bao giờ tôi cũng hết
sức tin yêu và kính trọng.
Phạm Tường Vân: Những truyện
ngắn của ông rặt tên Tây và viết những chuyện bên Tây, dù khi viết ông
chưa sống ở đó ngày nào. Ông giải thích chuyện này thế nào? Một tình
“yêu bóng” hay khát vọng đạt tới sự bình đẳng với văn minh Tây phương?
Lê Đạt: Trong thời buổi toàn
cầu hoá và thông tin đại chúng, việc mời các nhà văn và các độc giả
Việt Nam đi thực tế “nền văn hoá thế giới” một chuyến chẳng là một việc
đáng làm sao? Tôi đã trả lời một bậc đàn anh trong làng văn xuôi Việt
Nam: “một chuyến tham quan nền văn hoá thế giới ít nhất cũng thú vị như
một chuyến tham quan Tây Bắc của ông”.
Phạm Tường Vân: Năm 97, ông
được cấp phép “xuất ngoại” với tư cách là một nhà thơ Việt Nam nói
tiếng Pháp trong liên hoan Pháp thoại đa sắc (Một điều tưởng chừng như
không thể xảy ra!). Những cuộc tiếp xúc văn hóa với công chúng và các
đồng nghiệp nơi ấy có tạo ra một ngã rẽ đáng kể trong tư tưởng của ông?
Lê Đạt: Năm 1997, tôi được
cấp phép xuất ngoại. Cũng lắm gian nan lắm, nhưng chúng ta không có
thời gian để kể lể ở đây. Khi tới Paris, một chị bạn người Pháp hỏi
tôi: “Đây là lần đầu tiên ông đến Paris?”.
Tôi trả lời “Chị lầm, đây là lần đầu tiên tôi
trở lại Pari” Chị bạn có vẻ ngạc nhiên hỏi: “Lần đầu tiên ông đến Paris
vào năm nào”. Tôi trả lời: “Từ hồi tôi còn nhỏ qua những trang sách
của Daudet, Anatole France, Victor Hugo…” Chị bạn nắm tay tôi cười hỏi:
“Để ăn mừng cuộc hội ngộ này, ông có cho phép tôi được ôm hôn ông
không?”
Chuyến đi Pháp để lại cho tôi nhiều ấn tượng
đẹp đẽ và xúc động nhưng nó không tạo ra một ngã rẽ nào đáng kể trong
tư tưởng tôi. Tôi đã nói tất cả những điều đó trong tập thơ “Tự tình
Eiffel” mà Tạp Chí Thơ Việt hải ngoại có nhã ý xuất bản tại California
như lời tỏ tình với nước nền văn hoá Pháp của một nhà thơ già Việt Nam.
Phạm Tường Vân: Nếu có thể, ông hãy điểm ra những dấu mốc quan trọng trong tư tưởng và thơ ca của mình?
Lê Đạt: Tôi không thể điểm
một cách cụ thể những dấu mốc trong tư tưởng và thơ ca của mình vì trí
nhớ của tôi về ngày tháng rất tồi. Tôi chỉ có thể nói đại thể quá trình
diễn biến của nó. Tôi làm thơ từ rất sớm, lẽ dĩ nhiên là theo gương
các bậc đàn anh của phong trào thơ Mới 1930. Thời kháng chiến, tôi và
Nguyễn Đình Thi mới đầu chịu ảnh hưởng Eluard và tôi cũng làm thơ không
vần như anh Thi. Tôi trọ ở nhà Eluard không lâu. Một thời gian dài tôi
và Trần Dần chịu ảnh hưởng của Mayakovski rất đậm.
Chán cảnh đi ở trọ, tôi đã cố tìm cho mình một
tiếng nói. Bài “Cha tôi” và bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” đã
cho tôi một vị trí nhất định trong làng thơ Việt Nam. Những bài này có
một số hình ảnh mới mạnh bạo, nhưng vẫn còn hết sức dè dặt về mặt thi
pháp.
Trong thời kỳ năm năm đọc sách tại Thư viện
khoa học xã hội, tôi đã cố gắng theo dõi tất cả những trào lưu của thơ
hiện đại thế giới, đặc biệt là thơ Pháp. Một là vì tôi am hiểu tiếng
Pháp, hai là vì nền thơ ca Pháp vào những năm 50 chiếm vị trí đầu tầu
trong nền thơ thế giới.
Trong cuộc đời, thỉnh thoảng người ta gặp được
những câu định mệnh, nó thay đổi cả một lộ trình. Tôi làm quen với thơ
Mallarmé từ đã lâu nhưng cùng một lúc với câu nói nổi tiếng của nhà
phân tâm học Pháp Lacan “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ” tôi
phát hiện lại lời phát biểu của Mallarmé mà tôi đọc đã từ lâu nhưng
không chú ý “Hãy trả lại tính chủ động cho chữ.”
Tôi bắt đầu đọc lại Freud, đọc lại Mallarmé và
đọc lại Satres: Một câu nói của Satres về thơ cũng khiến tôi đặc biệt
chú ý “Nhà thơ khước từ sử dụng ngôn ngữ”. Tôi phát hiện ra rằng phần
lớn các nhà thơ Việt Nam trong đó có tôi, thường coi chữ như một dụng
cụ thụ động để diễn đạt một nội dung có trước, nghĩa là đều làm việc
chủ yếu từ cõi hữu thức. Cổ nhân từ lâu đã nói “ý tại ngôn ngoại” nhưng
chỉ coi đó là một phương pháp tiết kiệm lời chứ chưa phải chủ trương
thật sự “giải phóng chữ”, các cụ vẫn coi chữ như những phương tiện vận
tải một nội dung “văn dĩ tải đạo”. Tôi đã tập luyện vất vả rất nhiều để
trả lại tính chủ động cho chữ.
Việc tìm tòi của tôi những ngày đó hết sức
thanh thản, tôi chẳng bận tâm gì đến việc có xuất bản hay không vì lúc
đó tôi vẫn bị kỷ luật “treo bút” và tôi đinh ninh rằng án đó có thể kéo
dài đến hết đời mình. Tôi chỉ nghĩ đến việc tạo ra một ngôn ngữ mới
khác hẳn với ngôn ngữ thơ Việt Nam cho đến lúc đó. “Bóng chữ” ra đời
trong những ngày miệt mài lao động này.
“Bóng chữ” đối với thơ tôi thật sự là một bước ngoặt. Tôi hết lòng cầu mong đó cũng là một bước nhúc nhích của thơ Việt.
Phạm Tường Vân: Ông đang đọc gì?
Lê Đạt: Thị lực của tôi ít
lâu nay sút kém nhiều nên việc đọc sách rất khó khăn. Tôi đang đọc lại
một số sách về đạo Thiền và đọc lại các nhà thơ thế giới mà tôi ưa
thích.
Phạm Tường Vân: Cuộc sống hiện tại của ông?
Lê Đạt: Vẫn đi bộ quanh Bờ Hồ hàng ngày và làm thơ.
Phạm Tường Vân: Nếu có thể trở thành một sinh vật khác, ông muốn làm họ hàng với cây và con gì?
Lê Đạt: Tôi muốn làm họ hàng
với cây mimôza. Tôi xin trích một đoạn trong bài tựa tập thơ “Mimơza”
của tôi để chị hiểu rõ thêm việc lựa chọn ở trên.
“Cách đây hai mươi năm khi viết…
Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
Tôi chưa biết loài hoa này đối với tôi là một định mệnh”
Sau khi chùm thơ được công bố chừng một tháng,
một nữ độc giả giấu tên tại thành phố Sài Gòn gửi tôi một nhành mimoza
ép với một lời cáo lỗi: “Em không ép được màu vàng rực nắng lẫn mùi
hương hoang dại của hoa”…
Sau hai năm tôi lại có dịp tái ngộ Paris, vào
lúc mùa Mimoza có thể sắp đi xa. Trên đường về Grenoble dự “Mùa xuân
Việt Nam” điều lo lắng sâu xa, rồ dại nhất của tôi là lo lỡ hẹn thơm
một loài hoa rừng. Đời một người chữ bận tâm chống chủ nghĩa lãng mạn
có thể coi đây là một sự trả thù của hoa? Và hôm nay khi ngồi Paris/Hà
Nội, tôi vẫn chưa cắt cơn mimôza…”
Bóng buồm khuất cõi xanh biển nhớ
Nẻo trần vàng vỡ mộng chồn chân…
Phạm Tường Vân: Nếu ở Việt Nam, mỗi công dân được sử dụng súng như bên Mỹ, ông sẽ nổ vào đâu?
Lê Đạt: Nếu ở Việt Nam mỗi
công dân được sử dụng súng như bên Mỹ, tôi sẽ chẳng nổ vào đâu cả, tôi
sẽ đem súng đổi lấy một cây bút công nghệ cao có thể viết sáng trong
đêm tối những sao chữ.
Thêm:
No comments:
Post a Comment