Hôm nay kể chuyện thật. Năm ngoái tôi trượt kì thi vào Bauhaus
University Weimar lần thứ nhất, năm nay là lần thứ hai, trượt luôn thêm
lần thứ nhất vào University of Arts Berlin. Năm ngoái tôi trượt thoải
mái, trượt sòng phẳng, trượt không thắc mắc gì. Tôi trượt là phải.
Nhưng năm nay… Tôi thấy mình phải lộn cái bàn qua xong lật cái bàn
lại, chống cái tay lên bàn, lại chống cái cằm lên tay mà suy nghĩ xem
rốt cục là mình cần phải bày biện món ăn gì cho cái lũ nghệ thuật hàn
lâm tư bản chết tiệt này đây? Nhớ cái lần đi thi vào một trường tư, thầy
giám khảo hào hứng khi biết tôi là người Việt. Tôi ngạc nhiên khi thấy
một bức ảnh chụp ở Việt Nam được treo trên tường, thầy giáo lại hào hứng
khoe rằng đó là tác phẩm của một học sinh Việt Nam trong lớp anh ta
dạy.
Tôi thì tôi thấy khó chịu. Xin lỗi, tôi có thể là một người Việt iêu
nước, một người có cái rễ nào đấy cắm sâu vào thành phố quê hương Hà
Nội, tôi có thể khoái văn Mạc Ngôn. Nhưng không nhất thiết tôi phải có
chung quan niệm sáng tác với Mạc Ngôn. Không nhất thiết con người viết
note kể chuyện nostalgia cho các bạn và con người sáng tạo thuần khiết
của tôi là một.
Tôi không tới đây để quảng cáo Việt Nam. Khi
sáng tạo, tôi giữ trong đầu óc mình trống vắng những định kiến về chính
bản thân mình: tên, tuổi, quốc tịch, sắc tộc, ngôn ngữ… thậm chí là
giới tính. Tất nhiên tôi không nói rằng mình có khả năng xóa tiềm thức.
Ngược lại, tiềm thức là cực kì quan trọng.
Nếu những bông hoa mọc lên từ tiềm thức ấy tình cờ là hoa oải hương
chứ không phải hoa sen. Dù sao tôi cũng không kiểm soát chúng. Thế
nhưng, rốt cục, cái mâm cỗ (nhốn nháo từ Greek Mythology tới Manga, từ
Salvador Dalí tới Araki, từ death metal tới Johnny Cash, từ Nabokov tới
Osho, từ Jean-Paul Sartre tới Đới Tư Kiệt) của tôi có giá trị gì trước
họ??
Tôi có quen sơ một tay người Tàu vừa tốt nghiệp bằng Diploma ngành
Visual Communication ở University of Arts Berlin. Đó chính xác là ngành
tôi đã thi vào, và hệ Diploma của ngành này cách đây mấy năm cũng đã
chuyển thành bằng B.A – tức là cái bằng tôi đang muốn đạt được. Hắn có
nói với tôi (suốt 6 7 năm giời) hắn chưa từng thấy bóng dáng người Việt
nào ở trường cả. Hắn cũng cho tôi xem bài thi đầu vào, portfolio đầu
vào, bài tập tốt nghiệp… tất cả của hắn. Thực sự, tôi thấy chúng khá…
xấu. Ít nhất thì cũng là chán (boring). Hắn là một con buôn “nghệ thuật”
hơn là một nghệ sĩ. Hắn cũng đồng í rằng hắn không phải “nghệ sĩ”.
Thế mà, cái trường Đại học Nghệ Thuật Berlin đó đã gửi thư hồi đáp
cho bài tập của tôi rằng tôi không đủ độ nghệ-thuật-tính để theo học
(not artistic enough).
Dù sao, Trung Quốc cũng là một cái đất nước to tổ bố và quyền bình
đẳng, quyền con người… của Chinamen có lẽ cao hơn tôi. Nhưng, kể cả thế,
thực tế tay người Tàu kia cũng sử dụng RẤT nhiều thứ mang tàu-tính
trong các tác phẩm của hắn. Ví dụ ngay bìa cuốn sách bài tập tốt nghiệp
của hắn đã là typography bằng chữ tàu. Ừ, kể cả thế, cái cỡ đồ sộ từ
thủa một trong vài nền văn minh cổ đại kia thì có bảo mình phải dùng
mình cũng chả từ chối. Hoặc, cách khác, từ một đất nước nơi có hẳn khu
rừng nổi tiếng nơi người ta đến tự tử và những khách sạn tình iêu để làm
tình một cách điên rồ nhất.
Ôi, tôi biết khai thác gì về Việt Nam tôi? Thậm chí, cái phương Đông
trong tôi? Cái phương Đông dán nhãn Việt Nam của tôi? Không, tôi không
có gì để nói về những lần Tổ quốc sống sót qua từng trận chiến lớn, tôi
không có gì để nói về lao động, về Đổi mới, tôi không có gì để nói về
Chế độ, về những Người cầm quyền. Tôi không có gì để nói về vua Hùng,
cũng không có gì để kể về Hồ Xuân Hương. Tôi không thể mang hồ Gươm ra
làm chủ thể tác phẩm, tôi cũng không định viết câu chuyện về những người
nông dân nón lá.
Dù thế nào. Tôi cũng không thể làm người viết sách du lịch về Việt
Nam, cũng không thể làm một tay nhạc sĩ – nửa mùa viết văn liên miên với
những tản mạn xáo mòn (về thành phố của i) nhưng câu khách tốt. Tôi
cũng không muốn hòa âm vào bài ca ủ ê khôn tận từ mấy chục năm nay của
phần đông giới họa sĩ nước nhà. Tăm tối, bị kìm kẹp, bị đè nén, lại bị
bơm phồng, nói chung cứ tăm tối (bởi…). Hoặc cố tình hời hợt và nặng
tính ám chỉ một cách đáng ngờ.
Đất nước này thiếu tính cực đoan. Đất nước này thừa tính thỏa hiệp và
giỏi luồn lách. Đất nước này ăn tạp đủ thứ tư tưởng tới văn hóa ngoại
nhập, nhưng nó thì vốn dĩ chả có gì hết. Chả có gì hết. Tồn tại những
người Việt Nam rất kinh khủng (tôi bội phục). Nhưng bản thân Việt Nam là
một sinh thể quá đáng buồn. Tôi có thể nói gì về một thứ như thế? Một
thứ mà tôi không có. Trong khi tôi lại có cái khác?
Thế nhưng, khốn nỗi: Một người Đức nói chuyện Nietzsche ở Đức hẳn là
bình thường. Một người Việt nói chuyện Nietzsche ở Việt Nam thì có vẻ
ghê. Ấy mà một người Việt nói chuyện Nietzsche ở Đức thì ra cái quái gì?
Mày biết cái gì mà nói? Tốt nhất hãy diễn trò da vàng sặc sỡ vui mắt
cho chúng tao xem!
Câu hỏi là tôi có phải bày lên một mâm cỗ có khúc xương xách tay từ
nhà sang không? Tôi không thể làm Trần Anh Hùng. Vậy tôi có thể cho họ
cái gì họ không có? Cảm giác dân tộc tiểu nhược kinh khiếp vào một buổi
sáng tới Sở Ngoại Kiều như bị tra tấn và sự bị bóc-tách-toàn-bộ khỏi
đồng bào nhưng đồng thời lại chết chìm trong Nostalgia?
Tôi có phải hay không? Hay tóm lại thì chẳng qua tôi là một kẻ bất tài, loại giống Adolf Hitler (trong Nửa kia của Hitler)?
No comments:
Post a Comment