Đinh Thị Như Thúy trôi theo dòng chữ
Ngay trước thềm đại hội nhà văn
8, trả lời câu hỏi phóng viên BBC :” Xin
hỏi ông nghĩ gì về thế hệ nhà văn trẻ gần đây?”, tôi có nói :” Tài năng lớn chưa thấy nhưng đã xuất hiện
những tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Lý Đợi,
Đinh Thị Như Thuý…Hy vọng họ sẽ vượt qua được cơn hồng thuỷ của sự dối trá đang
diễn ra làm đảo lộn các giá trị cho ra đời những kỳ hoa, dị thảo.”
Chỉ hai năm sau, riêng Đinh Thị Như
Thúy đã nhận luôn hai giải Hội nhà văn VN và cuộc thi “Thơ ca và
nguồn cội” khiến khối anh tức tối,
ngay nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng la lối :
“ Lạy Chúa tôi, thơ của trạng nguyên thơ Làng Chùa dài quá, làm một
người già kém mắt như chúng tôi ( TMH) đọc chưa hết đã mệt quá ngất xỉu. Cảm
giác của tôi là trạng nguyên thơ Làng Chùa viết quá dễ dãi, quá tùy tiện, quá
linh tinh. Trạng nguyên thơ mà viết như thế này, sức hèn tài mọn như chúng tôi,
xin lỗi, một ngày có thể ngoáy tới vài chục trường ca là ít. ..”
Ngược lại, bênh vực Đinh Thị Như
Thúy có PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp :
“Nơi ngày đông gió thổi”… có sự kết
hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa hơi thở thao thiết của tình yêu và hạnh phúc,
cô đơn và đau khổ… Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo
bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường
liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính……”
có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều :
” Và trong khu vườn nhỏ của mình, người đàn bà tên Thuý đã lúc nào cũng
mở to đôi mắt nhìn đời sống này như một đứa trẻ nhiều đau ốm và sợ hãi và hoảng
sợ và khát vọng. Tất cả những ngơ ngác, những đau ốm, những hoảng sợ, những
tuyệt vọng và những khát vọng của người đàn bà tên Thuý là của chúng ta. Những
trạng thái ấy chính là đức hạnh thực sự của con người. Những điều đó đẩy chúng
ta trở lại nguồn gốc đời sống của con người”…vân vân…
Sự thực, mời
đọc :
“lại im lặng rợn ngợp giữa các
bậc đá im lặng giữa sương mù chưa bao giờ sương mù lại giăng giăng mịt mờ đến
vậy im lặng rợn ngợp nhìn lên để những bậc đá hút mất trong sương nhìn xuống để
rủn chân bậc đá hút mất trong mù mịt trắng nhìn qua trái qua phải cũng hun hút
ngờm ngợp những lờ mờ không đường nét im lặng rợn ngợp những bậc đá vẫn dưới
chân mỗi bước lên lên xuống xuống sương mù vẫn luôn theo sát như một tấm lưới
khổng lồ không ký ức không ước mơ không chảy trôi không bám víu luênh loang
luễnh loãng mãi vẫn chỉ im lặng rợn ngợp giữa các bậc đá im lặng giữa sương mù”
rơi rơi mà vỡ…
“An ủi sao khi được nghe ngóng sự quẫy cựa của cỏ cây trong khu vườn,
trong đêm những xào xạc rì rầm bất tận, những lá thở cành vươn những cội rễ
nhẫn nại luồn qua kẽ đất, có thể mường tượng cảm giác ấm êm của bông hồng tú
cầu, có thể vuốt ve trong trí tưởng những cánh linh hương nhỏ dài xinh xắn, có
thể buộc tâm trí mình bận rộn với hào quang rực rỡ của đoá hoả hoàng.”
Đêm tháng tư
Khoan hãy phân tích, bình giải,
xin cứ buông mình phó thác theo dòng chữ,
theo những bậc đá trong sương, những xào xạc trong đêm, những cánh linh hương
xinh xắn…Khoan hãy hiểu nhà thơ nói gì, cứ trôi theo dòng cảm xúc sang một
không gian khác - không gian của những
mê cung.
Nhà văn Jean Paul Sartre có viết
đại ý “ nhà thơ không dùng chữ, nhà thơ
bị chữ dùng…”, Đinh Thị Như Thúy cũng bị cảm xúc đẩy theo dòng chữ, lôi
theo cả người đọc nếu thả hồn theo nó. Cảm xúc giống như một dòng chảy, ở người
này nó trào vọt thành dòng, ở người khác nó chỉ nhểu ra trên đất tạo sình lầy.
Đinh Như Thúy thuộc loại thứ nhất :
“Đã bắt đầu những chuyển động hỗn loạn chói gắt. Mặt trời không lên
thẳng mà đi đường dích dắc. Những hàng cây chen ra giữa lòng đường. Những ngọn
đèn đường chuyển chỗ cho nhau và chuyển đổi sắc màu liên tục. Những hàng quán
không còn bảng hiệu, sự dịch chuyển của ghế bàn ly tách thìa nĩa tạo ra bao vệt
sáng lóng lánh. Trong không gian đầy ắp âm thanh có gì như vui tươi có gì như
cuồng nộ. Trong công viên đầy ắp những dây leo, từ dưới đất vẹo vọ mọc lên, từ
trên vòm lá xanh ùn ùn tràn xuống lắc lư vặn xoắn như rắn cuộn…”
Cái gì đã xảy ra giữa
chúng ta
Trong thơ Haiku Nhật bản, có bài rất hay :
“ Mimosa
trên hàng dậu…”
Cũng giống vậy, hoa dã quỳ của Đinh Thị Như Thúy cũng trên dàn hoa. Cứ để
yên lặng ngắm. Đối xử với nó trên tinh thần bằng hữu, tôi và anh “ngôi thứ hai”, khi giao cảm xin hãy “tài
giảm hiện tượng học” (reduire phenomelogy), “thắp sáng hiện hữu” cho cái tôi
trần trụi ( le moi pure) , nó sẽ lộ hé cho ta thế giới của nó. Ngược lại đối
đãi nó như đối tượng nhận thức, “ta và nó”
trong “ngôi thứ ba” , bẻ hoa, bẻ nhị soi kính hiển vi, cho dù mắt lưới
có nhỏ đến đâu vẫn ra thoát cái gì đó, ta chỉ nắm được cái xác của thơ chứ
không phải thơ.
“ví như một hồ nước xanh ngắt với đôi ba cánh chim xám bạc, ví như một
rừng thông những cành non ngây thơ đang mùa dâng nến, ví như một thảm cỏ, ví
như một bụi hồng (sao không dưng mà nhớ quá vườn hồng ngày xưa trong ngôi nhà
cũ giờ bóng mát của cây nhãn đã bao trùm để hoa lá hết rồi gai nhọn về đâu) ồ
trí tưởng tượng nghèo nàn chỉ mơ đến từng đó thôi đã thấy ngây ngất…”
Krông Pắc, tháng mười một ngày
mười ba
Và như thế ta nghe được cả nhạc trong thơ :
”Bara bara bara bara.
Chiều nay trong màu nắng gắt gỏng
lạnh người thiếu nữ đó trở lại cùng nhịp trống.
Gió ngùn ngụt gió.
Người thiếu nữ đó đã trở lại.
... Bara bara bara. Nàng biết
duyên dáng này, trẻ trung này, hân hoan này, đang trôi như suối như gió ngoài
đồi kia.”
Đinh
Như Thúy không nhọc nhằn làm „phu chữ” như Lê Đạt, không buông tuồng „vụt hiện”
như Hoàng Hưng, cô phó thác cô cho sự đẫn
dắt dịu dàng hoặc cuồng điên của
chữ :
” Mùa ly hương.
Mùa ra đi của những đàn chim
tránh rét chọn phương Nam.
Mùa của dã quỳ vàng bất ổn gửi
nỗi buồn vào không gian bao la ngờm ngợp gió. Mùa của những ngọn gió lãng du,
không biết bắt đầu từ đâu, không biết sẽ đi về đâu, cứ phía trước mà phi mà
lồng lộn sải vó.”
.....
”Bước chân nàng nhún nhẩy cùng đôi cánh tay
dài đong đưa.
Nàng không muốn mất chút thời
gian nào nữa. Lời tỏ bày chiều nay, nàng biết. Lời nói ra thật khó khăn, nàng
biết. Nhưng kìa nắng gió và nhịp trống đã không cho nàng im lặng.”
Nơi ngày đông gió thổi
Thơ
Đinh Như Thúy không chỉ có ” phong
hoa tuyết nguyệt”mà có cả chuyện...”thời thế” :
“Ôi Trường Sa! Ôi Hoàng Sa! Ôi thi sĩ!
Đã từng đôi mắt mù mà trái tim minh triết”
Một mối xa thư đồ sộ há để ai chém rắn đuổi hươu hai
vầng nhật nguyệt chói loà đâu dung lũ treo dê bán chó “
Hoặc đôi khi chen vào cả những
câu thơ “cực thực” :
“Hôm qua trả bài viết số hai, học sinh tiu nghỉu vì điểm số quá thấp,
cô giáo ngượng nghịu phân trần, đại khái là cô không thể dối lừa các em bằng
những con điểm không thực chất, đại khái là chúng ta phải đối diện với sự thật
rằng chúng ta đã không đáp ứng được những yêu cầu kiến thức mà chương trình đặt
ra…”
Những câu thơ như thế “tỉnh “
quá, lọt ra ngoài vườn thơ Đinh Như Thúy. Lâu nay không thấy cô làm thơ, có thể
đang như con tàu mắc cạn :
“Chiều
nay con tầu kinh ngạc chết trong bất động
Kinh ngạc chết mãi không sao hiểu được
Vì sao
Đám đông hiếu kỳ ném vào con tầu cái nhìn giễu cười thương hại
Mơ hồ những dự báo đáng sợ…”
Kinh ngạc chết mãi không sao hiểu được
Vì sao
Đám đông hiếu kỳ ném vào con tầu cái nhìn giễu cười thương hại
Mơ hồ những dự báo đáng sợ…”
Và cũng có thể chỉ là đoạn
nghỉ, tích tụ năng lượng làm mới thơ mình…
14-9-2013
N.T.
No comments:
Post a Comment